Tiềm năng lớn
Theo quy hoạch, Nghệ An có các cảng biển: Khu bến cảng Cửa Lò (hiện có 5 bến, có 3 kho hàng và bãi chứa hàng diện tích 39ha, tổng công suất 5 bến khoảng 6 - 8 triệu tấn hàng hóa/năm); Cảng chuyên dùng xi măng The Vissai xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc có diện tích sử dụng khoảng 407,15 ha, phục vụ tàu từ 70.000 DWT (tấn) đến 100.000 DWT; Cảng xăng dầu DKC (cảng chuyên dùng phục vụ xuất nhập khẩu xăng dầu cho tàu lớn đến 49.000 DWT); Cảng nước sâu phía Bắc cảng Cửa Lò (quy mô xây dựng 1 bến tàu cho tàu 30.000 DWT và 1 bến cho tàu 50.000 DWT, diện tích sử dụng đất khoảng 20 ha. Dự án hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ thủ tục pháp lý) và cảng Đông Hồicó diện tích 1.096,7 ha (bao gồm cả khu đất và khu nước).
Những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã thu hút được nhiều Nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nên nhu cầu xuất nhập hàng hóa tổng hợp, container, hàng chuyên dùng tại các bến cảng cho tàu có trọng tải lớn từ 70.000 DWT và trên 100.000 DWT là rất lớn. Tuy nhiên, hạ tầng cảng biển tại Nghệ An đang còn nhiều hạn chế.
Khu bến cảng tổng hợp và container phía Bắc Cửa Lò (cảng nước sâu Cửa Lò) chưa được triển khai đầu tư xây dựng, Khu bến cảng Cửa Lò mới có 5 bến đi vào hoạt động, luồng vào cảng Cửa Lò đang bị bồi lắng (độ sâu - 5,9m) chỉ cho phép tàu 10.000 DWT - tàu 30.000 DWT giảm tải cập bến. Công suất tối đa khai thác của cụm cảng Cửa Lò chỉ đạt 6-8 triệu tấn hàng hóa/năm đối với hàng tổng hợp, container. Dự báo nhu cầu hàng hóa xuất nhập qua cảng biển của tỉnh Nghệ An trong giai đoạn tới sẽ tăng lên 20-30 triệu tấn hàng hóa/năm.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An hiện nay và trong giai đoạn tới, UBND tỉnh mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng tham gia phát triển, khai thác hệ thống cảng biển. Quá trình đó, có thể nâng cấp, bổ sung công năng, khai thác các cảng biển chuyên dụng trên địa bàn tỉnh.
Trong các cuộc làm việc giữa Bộ Giao thông Vận tải với UBND tỉnh Nghệ An và các nhà tư vấn, nhiều ý kiến đề xuất mở rộng quy mô, bổ sung công năng các bến cảng đã được đầu tư, mở rộng luồng tuyến để tàu công suất lớn hơn có thể vào các cảng; cùng đó, tiếp tục rà soát để bổ sung khả năng hậu cần sau cảng, kết nối hạ tầng cảng với mạng lưới giao thông đường bộ, kết nối với các cảng khu vực như Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Vũng Áng (Hà Tĩnh); bổ sung thêm diện tích trung chuyển logistics...
Đề cập đến lĩnh vực này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh từng khẳng định tầm quan trọng của việc quy hoạch cảng biển giai đoạn hiện nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, tỉnh cùng các đơn vị tư vấn phải tính toán đến năng lực bốc dỡ qua nhóm cảng khu vực; xem xét các quy hoạch có tính khả thi; tính toán cụ thể để xây dựng khai thác hợp lý cảng biển tổng hợp, chuyên dùng, du lịch; rà soát lại quỹ đất để làm các khu hậu cần cảng, cảng cạn, khu vực logistic…
Còn đồng chí Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, quá trình phát triển cảng biển, Nghệ An cần phải xây dựng chiến lược, tầm nhìn xa. Quá trình xây dựng quy hoạch và phát triển theo hướng mở để khi có hàng nhiều có thể đầu tư nâng cấp cảng mà không phải xin phép điều chỉnh quy hoạch bởi các thủ tục này rất phức tạp.
Nhận thấy những tiềm năng về vùng cảng biển Nghi Thiết, độ sâu âm (-) từ 9 đến -13,5m, bên cạnh cảng chuyên dụng đang khai thác phục vụ cỡ tàu 70.000 DWT - 100.000 DWT (khai thác theo Quyết định công bố cảng số 1625/QĐ- CHHVN ngày 17/10/2017 của Cục Hàng hải Việt Nam), Tập đoàn The Vissai và Công ty CP Xi măng Sông Lam đang đầu tư các bến cảng theo hướng khai thác cảng tổng hợp. Trên cơ sở đó, có thể khai thác hợp lý các bến cảng thuộc Khu bến chuyên dụng số 1.
Hiện nay, Công ty đã hoàn thành đầu tư xây dựng các bến số 1,2,3 và hạng mục đê chắn sóng, hệ thống tuyến luồng, khu nước, vùng đón trả hoa tiêu đáp ứng cho cỡ tàu đến 30.000 DWT - 50.000 DWT (hiện hoạt động, khai thác theo Quyết định công bố cảng số 1052/QĐ-CHHVN ngàv 09/07/2020 của Cục Hàng hải Việt Nam). Cùng đó, Công ty đang đẩy mạnh thi công xây dựng các bến số 4,5,6,7 theo quy hoạch được duyệt. UBND tỉnh Nghệ An và Công ty CP Xi măng Sông Lam cũng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải bổ sung công năng bến tổng hợp, container cho vùng Cảng biển Vissai Nghi Thiết.
“Khi được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận điều chỉnh cỡ tàu và bổ sung công năng cho Khu bến số 1, chắc chắn vùng Cảng biển Vissai Nghi Thiết Nghệ An sẽ phát huy hiệu quả tích cực. Bởi lâu nay, Khu bến cảng số 2 đã góp phần quan trọng để Công ty CP Xi măng Sông Lam xuất Clinker, xi măng nội địa và xuất khẩu đến hàng chục nước. Thuận lợi nữa là tuyến đường D4 kết nối Quốc lộ 1A với Cảng biển Vissai Nghi Thiết đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng cho vận tải hàng hóa qua cảng. Chúng tôi đang đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các cảng biển và hệ thống các dịch vụ logictics về lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa… để phục vụ các doanh nghiệp có nhu cầu bốc xếp hàng hóa qua Cảng Vissai Nghệ An”, ông Hoàng Minh Tuấn - Giám đốc Công ty CP Xi măng Sông Lam khẳng định.