(Baonghean) - Chúng tôi đã về xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu nhiều lần và mỗi lần như vậy đều tự thấy trong mình dâng lên cảm xúc như được trở về nguồn cội. Châu Thuận đẹp, giàu huyền tích và bản sắc, song nơi đây còn hoang sơ lắm, cần sự khai phá để tiềm năng biến thành vàng...
Huyền tích xưa
Châu Thuận - thung lũng được hai dòng suối khe Chai và khe Nính ôm ấp bây giờ đang giữa mùa khô. Tiết xuân ở miền núi cao này, buổi sáng có nhiều sương mù, lạnh giá, buổi trưa nắng ấm mới nồng nàn hơn. Năm nay, cái khô hạn không hẳn khốc liệt nên trước những hiên nhà đào vẫn rung rinh khoe sắc trước gió. Từ Hang Bua đi vào chừng 7 km, Châu Thuận hiện ra với những mái nhà sàn nép ở bản Bông 1, Bông 2 bên đường Chiềng Ngam. Đường uốn lượn xuyên giữa núi, núi trầm mặc, chứng kiến sự đời kể chuyện xưa...
Tên gọi trước đây của Châu Thuận là Mường Chai. Theo truyền thuyết, Mường Chai do một người dân tộc Thái tên là Cầm Coóng, từ Thường Xuân, Thanh Hóa vào khai phá và tạo lập nên khoảng từ thế kỷ XIII - XIV. Vợ chồng Cầm Coóng khuất núi, đất Mường Chai đặt dưới sự cai quản của bà Chai con gái đầu của Cầm Coóng, đời sống dân bản ấm no hạnh phúc. Khi bà Chai đã già yếu, giặc giã quanh vùng nổi lên, nhiều lần đất Mường Chai bị chúng đánh cướp. Bà Chai đã cho người đi đón Tạo Noong là một nhân kiệt ở vùng Kẻ Nậm (xã Châu Bình ngày nay) về giúp cai quản đất mường. Tạo Noong về, tuyển chọn tráng đinh tổ chức đánh đuổi giặc cướp. Nhưng khi đất mường không còn nạn giặc cướp, Tạo Noong ỷ mình có công đã trở nên hung bạo, gây nhiều điều tàn ác với dân Mường. Tạo Noong đặt ra nhiều điều luật hà khắc bắt buộc cả mường phải tuân thủ. Thấy cuộc sống người dân bị ức hiếp, bà Chai đã phái người thân tín đi tìm một người tài giỏi khác về chế ngự Tạo Noong. Người đó là Tạo Nọi, tên thật là Cầm Bá Huệ, quê gốc ở huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Bà Chai sai làm một lễ tế trời rất lớn để đón Tạo Nọi, nhân đó tổ chức lễ kết nghĩa huynh đệ giữa Tạo Noong và Tạo Nọi. Trong lúc lễ tế trời và kết giao huynh đệ đang tiến hành thì Tạo Noong bị Tạo Nọi và trai bản bao vây đánh chết. Dưới sự lãnh đạo của Tạo Nọi, đất Mường trở lại thanh bình.
Truyền thuyết thường mang nhiều yếu tố hư hơn thực. Nhưng người dân nơi đây vẫn luôn tin câu chuyện trên là có thật, bởi vật chứng vẫn còn. Đó là một chiếc vạc đồng cổ khá lớn. Tương truyền chiếc vạc đồng này, được Tạo Nọi mang theo khi về Mường Chai, vạc đã nấu một con trâu trong lễ tế trời lịch sử ấy. Sau này, chiếc vạc được Tạo Nọi giao cho thầy mo cả bảo quản và chỉ được dùng trong các dịp tế lễ hàng năm của bản mường, tuyệt đối không dùng đun nấu thức ăn, nước uống lúc bình thường. Chúng tôi đã được chị Lữ Thị Mai, quyền Bí thư Đảng ủy xã dẫn lên xem linh vật của Mường Chai đang được cất giữ ở Trung tâm học tập cộng đồng xã. Chiếc vạc đồng 4 quai này, nặng chừng 35 - 40 kg, miệng rộng chừng hai vòng tay người ôm. Theo lời chị Mai kể: Bỏ qua các yếu tố mê tín thì có một điều trùng lặp rất thú vị, đó là vạc đã nhiều lần bị trộm nhưng chừng sau 1 con trăng thì lại được đưa về chốn cũ. Chị đã từng chứng kiến một lần như vậy, đó là vào khoảng những năm 1990, vạc đồng đã bị kẻ trộm bán về một cửa hàng phế liệu ở xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu. Thế mà sau chừng 1 tháng, chủ cửa hàng đó lặn lội đường xa đưa vạc lên trả... Sự hồi quy nay cộng thêm những lời truyền ngôn của dân bản “ai xúc phạm vạc sẽ gặp vận rủi”. Từ đó vạc đồng càng thêm màu sắc huyền bí, thiêng liêng.
Ông Cầm Bá Kinh, Phó Chủ tịch UBND xã đích thân dẫn chúng tôi về bản Chiềng để gặp cụ Cầm Bá Quỳ (năm nay 85 tuổi) đi xem một vật chứng khác của truyền thuyết bản mường. Đó là một cây lộc vừng cổ thụ. Cụ Quỳ cho hay: Bản Chiềng xưa có tên Tèn Khó nghĩa là “nhà kho”. Tương truyền chính tại đây bà Chai đã lập nhà lớn để ở, bà có trồng một cây lộc vừng non trước nhà. Lúc ấy Mường Chai nhiều giặc cướp, nhà giàu trong vùng thường đem của quý chôn lên đây. Sau này, người dân bản Chiềng vẫn thỉnh thoảng đào được những hũ sành chứa đầy bạc nén... Dẫn chúng tôi xem cây lộc vừng nằm bên bãi đất trống, sát bên một mái nhà sàn, ông Quỳ cho biết: Từ khi ông còn nhỏ đã thấy cây lộc vừng, giờ sắp về với tổ tiên, kích thước, thế, dáng của nó vẫn vậy. Không biết, cây còn bao nhiêu tuổi nữa. Mong cho con cháu bản mường vẫn mãi gìn giữ cây, nhớ ơn tổ tiên ông bà.
Truyền thuyết lập bản mường là vậy nhưng dấu tích của con người hiện diện ở Châu Thuận thì có trước đó từ rất lâu đời. Các nhà khảo cổ đã chứng minh sự tồn tại liên tục của con người trong thung lũng khe Chai, khe Nính từ thời đại đồ đá cũ - hai chục vạn năm trước. Di cốt hóa thạch của người vượn và những công cụ đá thô sơ đã được tìm thấy trong trầm tích của hang Thẳm Ồm (tiếng Thái có nghĩa là Hang Lớn). Thẳm Ồm đã được hai nhà địa chất và khảo cổ người Pháp E. Saurin và M. Colani khảo sát từ những năm 30 (thế kỷ XX). Năm 1973 được các nhà khảo cổ học Việt Nam thám sát và sau đó được tiến hành khai quật khảo cổ vào năm 1975. Thẳm Ồm là địa điểm khảo cổ đầu tiên ở Việt Nam phát hiện được di cốt răng hóa thạch của người vượn đang trong giai đoạn tiến hóa cuối cùng thành người hiện đại, có kèm theo công cụ lao động...Và ở một số sử liệu, trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, Châu Thuận đã là một trong những căn cứ của nghĩa quân Lam Sơn. Và Thẳm Chạng (hang Voi) chính là nơi Lê Lợi tập kết và huấn luyện tượng binh.
Rẽ lối nguyên sơ cây rừng đọng sương sớm, Thẳm Chạng hiện ra trong u tịch. Trần hang cao vút, lòng hang sâu thẳm, bên trong có suối nước chỗ hiện, chỗ ẩn, nước réo ào ào qua khe đá; mùa khô thì êm đềm nhưng mùa mưa thì rất hung dữ. Trong lòng hang có khối thạch nhũ hình bàn tay rất sinh động. Thẳm Chạng có lối thông lên đỉnh núi dân gian gọi là đường lên trời và lối ăn sâu vào phía dưới gọi là đường xuống địa ngục... Hà Thị Tú Anh, cô gái Thái trong trẻo nói cho tôi nghe về một huyền thoại còn lưu truyền ở nơi đây: “Có đàn voi thần từ trên trời kéo nhau xuống hạ giới, mải mê kiếm ăn mà lạc vào xứ Chiềng Ngam. Đến giờ Thượng giới đóng cửa, đàn voi vội vã về trời, một con voi con lạc lối không theo kịp đàn, nó đứng trước cửa hang rộng lớn, thẫn thờ nhìn anh chị nó “bay” về Thượng giới và huơ vòi rống gọi bầy cho đến khi hóa đá. Cái tên hang Voi bắt nguồn từ sự tích đó”.
Thẳm Ồm nằm giữa lưng chừng núi Thắm, hang sâu hun hút, tựa như “một hành lang” xuyên qua ngọn núi đá vôi dẫn lối vào hang Tôn Thạt, một hang động khác có vẻ đẹp kỳ vĩ của thạch nhũ và những lớp trầm tích màu đỏ, màu vàng. Càng vào sâu, Thẳm Ồm càng chia thành nhiều ngách, có những dòng suối, những trảng cát phẳng mịn. Xưa, những người vượn cổ từng rời vùng đất khô khát này để tìm về những vùng châu thổ ven sông...
Châu Thuận nay
Vừa về đến đầu xã Châu Thuận, gặp lại anh Vi Thanh Hoài, cán bộ văn hóa xã. Tay bắt mặt mừng, anh Hoài xin phép treo nốt chiếc băng rôn có nội dung động viên mọi người tích cực gìn giữ truyền thống văn hóa quê hương. Xong việc, đưa chúng tôi đi khắp 10 bản để thấy sự thay đổi của xã nhà, anh Hoài chuyện trò: Châu Thuận về kinh tế thì còn nghèo thật nhưng về lĩnh vực văn hóa xã hội thì “giàu” lắm. Phong trào xây dựng văn hóa khu dân cư phát triển mạnh, 9/10 đạt danh hiệu làng bản văn hóa. Châu Thuận vốn là một trong những cái nôi văn hóa truyền thống của người Thái ở vùng tây bắc Nghệ An. Nay, địa phương còn lưu giữ nguyên những nét văn hóa vật thể và phi vật thể mang tính cộng đồng của người Thái như hát nhuôn, xuối, khắc luống, văn hóa cồng chiêng, văn hóa rượu cần, tục mừng nhà mới. Tục lễ tế Trời (Pu Then), tế lễ người có công khai lập bản, mường (Pu bản, Pu mường) vẫn được tiến hành dưới hình thức “Xên Mường, Xên Bản” vào dịp mùa xuân hàng năm. Đại bộ phân cư dân Châu Thuận đang còn bảo lưu được những đặc trưng văn hóa truyền thống như nhà cửa (90% số nhà trong xã là nhà sàn) trang phục và các món ẩm thực. Hơn hết, người dân nơi đây đặc biệt quý khách. Với những danh thắng, truyền tích, nét đặc sắc văn hóa, không đâu thích hợp phát triển du lịch bằng nơi này. Tiếc rằng, Mường Chai vẫn đang như nàng công chúa ngủ trong núi thẳm.
Châu Thuận bây giờ đang sôi nổi phong trào xây dựng nông thôn mới, là xã điểm của huyện Quỳ Châu. Trên đỉnh Kèm Kho trải tầm mắt bao quát toàn bộ thung lũng Mường Chai đã thấy thác nước khe Chai tung bọt trắng xóa; hệ thống giao thông đường liên huyện, liên xã được mở mang, cải tạo nâng cấp, bê tông hóa. Đường lớn đã mở, các phương tiện cơ giới ngày càng phổ biến, hệ thống các ki-ốt ngày càng phong phú và đa dạng, các hoạt động dịch vụ dần dần thay đổi; ven sườn đồi, mía đang vào vụ thu hoạch, trên đồng lúa đã cấy xong; trong các bản, người già dặn người trẻ không ngừng bảo tồn, phát huy những bản sắc văn hóa truyền thống, những thuần phong mỹ tục của mường bản và đề cao các chuẩn mực đạo đức, lối sống, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, các tệ nạn xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau nâng cao đời sống kinh tế. Được biết 10 bản của xã Châu Thuận đều đã xây dựng quy ước quy định cụ thể, rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của tất cả mọi công dân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn.
Mùa xuân đã về với Mường Chai. Hang Bua đến ngày khai hội. Với quyết tâm thúc đẩy du lịch của huyện Quỳ Châu, mong rằng sẽ có nhiều nhà đầu tư, du khách tìm đến nơi đây. Và lúc ấy, mùa vui sẽ về, “nàng công chúa” trong ước mơ của anh Vi Thanh Hoài sẽ được đánh thức…
Chung - Dương