(Baonghean) - Lễ hội Hang Bua là lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Châu nói riêng và vùng miền Tây Bắc Nghệ An nói chung, nhằm tưởng nhớ công ơn những người có công khai bản lập mường, được tổ chức từ ngày 21 đến ngày 23 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội mang đậm bản sắc của đồng bào Thái với nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền của cư dân miền sơn cước. Trước giờ khai hội Hang Bua năm 2014, phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Vi Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban tổ chức lễ hội.
P.V: Được biết, Lễ hội Hang Bua là một lễ hội lâu đời ở huyện Quỳ Châu, xin ông cho biết rõ hơn về lịch sử và ý nghĩa của lễ hội này?
Ông Vi Văn Tiến: Hang Bua nằm trong dãy núi Phà Én, thuộc bản Hồng Tiến 2, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Đây là di tích danh thắng có nguồn gốc lâu đời, gắn liền với quá trình hình thành bản mường của đồng bào Thái vùng Chiềng Ngam; gắn liền với sự tích giao tranh giữa thần núi và thần nước, thần núi đã chiến thắng và che chở cho muôn dân. Để tưởng nhớ công ơn của thần núi, hàng năm cứ vào mỗi độ xuân về, người dân quanh vùng lại tụ hội về đây để tổ chức lễ tế, tổ chức các hoạt động vui chơi như ném còn, nhảy sạp, bắn nỏ, đi cà kheo, hát nhuôn xuối, cũng như nấu nướng và thưởng thức các món ăn truyền thống của vùng quê Phủ Quỳ. Đến với Hang Bua, du khách không chỉ được thưởng ngoạn những cảnh đẹp thơ mộng mà còn thực sự được sống cùng những thuần phong mỹ tục, những giá trị văn hóa độc đáo của cư dân đã và đang sinh sống ở vùng đất này.
Một thời gian khá dài, lễ hội Hang Bua không được tổ chức. Đến năm 1996, Lễ hội Hang Bua được khôi phục. Năm 1997, Hang Bua được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là “Di tích thắng cảnh cấp Quốc gia”. Từ đó trở đi, Lễ hội Hang Bua hàng năm được tổ chức với quy mô cấp vùng, gồm các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp và Tân Kỳ. Đến năm 2006, theo phân cấp quản lý nhà nước, Lễ hội Hang Bua được tổ chức với quy mô cấp huyện.
Việc tổ chức lễ hội Hang Bua hàng năm nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc Nghệ An nói chung và đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Châu nói riêng; đồng thời thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ và giao lưu văn hóa giữa các vùng miền của nhân dân; tạo nên các hoạt động vui chơi để người dân tham gia, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Lễ hội được tổ chức theo phong tục của đồng bào Thái, đảm bảo tính trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm; huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đóng góp theo phương châm xã hội hóa. Chính vì vậy, trong những năm qua, Hang Bua đã được đầu tư, nâng cấp nhiều hạng mục cả ở bên trong và phía ngoài, như: Cải tạo mặt bằng, xây nhà thờ, sân khấu, hệ thống điện chiếu sáng, nước sạch, nhà vệ sinh và các công trình phụ phục vụ lễ hội...
P.V: Xin ông cho biết những hoạt động chính và nét mới trong lễ hội năm nay?
Ông Vi Văn Tiến:Lễ hội Hang Bua năm 2014 do UBND huyện Quỳ Châu chỉ đạo, tổ chức; được sự hướng dẫn chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh. Thời gian lễ hội diễn ra từ ngày 19 - 21/2/2014 (tức ngày 20 đến ngày 22 tháng Giêng âm lịch). Lễ hội có hai phần (phần lễ và phần hội). Phần lễ gồm lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ đại tế và lễ tạ. Phần hội bao gồm: Chương trình văn nghệ chào mừng, lễ khai mạc và các hoạt động hội diễn. Các hoạt động hội diễn bao gồm các hội thi nhảy sạp, khắc luống, văn hóa ẩm thực, cắm trại, viết chữ Thái, châm rượu cần, hoạt động câu lạc bộ văn hóa Thái, quay tơ thêu dệt, cuốn hương trầm, diễn xướng Tà Náng Xoòng (tục đóng trăng của đồng bào Thái), văn nghệ và thi người đẹp Hang Bua cùng các môn thể thao bóng chuyền nam nữ, bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co, ném còn.
Nét mới của lễ hội năm nay đó là: Tại khu vực lễ hội, huyện đã đầu tư thêm nhiều công trình phụ trợ thiết yếu, trồng thêm cây xanh để tạo cảnh quan, bóng mát. Trong chương trình hoạt động, ban tổ chức đưa thêm nội dung thi diễn xướng Tà Náng Xoòng và môn thi thể thao tò lè.
P.V: Lễ hội là dịp để chúng ta bảo tồn, gìn giữ, phát huy, quảng bá những giá trị văn hóa vùng miền đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Vậy trong thời gian tới, vấn đề này sẽ được huyện triển khai như thế nào?
Ông Vi Văn Tiến:Lễ hội Hang Bua đã trở thành lễ hội truyền thống, diễn ra thường niên, bao gồm nhiều hoạt động tâm linh, hoạt động văn hóa đặc sắc. Huyện xác định lễ hội là dịp để chúng ta gìn giữ, phát huy, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, qua đó giáo dục lòng yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi nhằm giữ vững an ninh quốc phòng và thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Vậy nên, trong công tác tổ chức, huyện luôn chú trọng đưa các nét văn hóa đặc sắc mang tính truyền thống, riêng biệt của đồng bào Thái như dân ca, dân nhạc, dân vũ, các môn thể thao, trò chơi dân gian vào các hoạt động văn hóa thể thao của chương trình lễ hội.
Để đẩy mạnh công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc và vùng miền, thời gian tới, huyện Quỳ Châu sẽ tiến hành tổ chức nhiều hơn các hoạt động văn hóa văn nghệ, các môn thể thao, các trò chơi dân gian; đồng thời tiếp tục tìm hiểu và sưu tầm, phổ biến thêm các bài dân nhạc, dân vũ, các trò chơi mang đậm nét đặc sắc của dân tộc Thái.
P.V: Ngoài lễ hội Hang Bua, Quỳ Châu còn có nhiều di tích danh thắng, rất giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Vậy định hướng của huyện trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Ông Vi Văn Tiến:Những năm qua, huyện Quỳ Châu đã có nhiều cố gắng trong việc phát triển du lịch song vẫn còn đó những hạn chế nhất định. Vì vậy, thời gian tới, huyện mong muốn nhận được nhiều hơn sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh. Để du lịch có bước đột phá, huyện đã ban hành chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quy hoạch, cắm mốc, khoanh vùng; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch; đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực Hang Bua, các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử văn hóa khác; Tập trung phát triển các câu lạc bộ văn hóa Thái, câu lạc bộ dân ca dân vũ, trò chơi dân gian, phát triển các làng nghề thủ công và ẩm thực đặc trưng; Sưu tầm làm phong phú thêm hiện vật cho Bảo tàng các dân tộc Quỳ Châu; Khuyến khích các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân đầu tư hạ tầng, nhà hàng, khách sạn đảm bảo phục vụ tốt du khách; Đào tạo nguồn nhân lực ngày càng đáp ứng yêu cầu của các công ty du lịch, tour tuyến...
P.V: Xin cảm ơn ông!
Thành Chung(thực hiện)