(Baonghean) - Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-T.Ư, ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng; củng cố tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong các trường học”, Công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên trong các trường học đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn đó những hạn chế, khó khăn.

Nuôi ý chí phấn đấu vào đảng
 
Khảo sát thực tiễn ở một số trường học, điều đáng ghi nhận là hầu hết cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên ở các trường học đều có nguyện vọng phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đảng viên Nguyễn Thị Lý, sinh viên K50, khoa Địa Lý, Trường Đại học Vinh, tâm sự: “Ngay khi bước chân vào giảng đường đại học, em đã có ý thức phấn đấu để được vào Đảng. Liên tục 3 năm, vừa phải học tập tốt, vừa khẳng định vai trò “thủ lĩnh” trong công tác Đoàn và phong trào bề nổi của lớp, của khoa, của trường, cuối cùng được tuyên thệ dưới lá cờ Đảng em thấy vinh dự, tự hào và hạnh phúc vô cùng”. 
 
Ở lớp 12A0, khối THPT chuyên Đại học Vinh có rất nhiều em miệt mài phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trong số đó có 7 em phấn đấu, rèn luyện tốt nhất được bồi dưỡng tạo nguồn và đã có 3 em được kết nạp vào Đảng. Đảng viên Nguyễn Thế Tiến, 1 trong 3 đảng viên trẻ vừa được kết nạp vào Đảng tháng 7 năm 2013 vừa qua, chia sẻ: “Để có được giây phút vinh quang này (vào Đảng- pv) không phải vì em là một trong 6 gương mặt ưu tú chọn vào đội tuyển thi Toán quốc tế, mà em còn là 1 đoàn viên gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào đoàn thể. Phấn đấu vào Đảng đối với học sinh chúng em là một nấc thang khó nhưng nếu vượt qua sẽ giúp chúng em trưởng thành hơn, trách nhiệm hơn với cộng đồng, xã hội”. Đồng chí Phạm Tiến Đông - Bí thư Chi đoàn khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh, cho biết: “Ở khoa chúng tôi, ngay khi mới vào học, sinh viên hầu hết sớm nuôi dưỡng trong mình ý chí và mong muốn được đứng vào hàng ngũ cuả Đảng. Sự quan tâm của Chi ủy, Ban Thường vụ Đoàn trường đã tạo đà cho đoàn viên ưu tú được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Mỗi năm, chi đoàn kết nạp khoảng 30 đảng viên mới”. 
 
images842467_m_t_gi__l_n_l_p_c_a_svtn.jpgMột giờ lên lớp của sinh viên Đại học Vinh ở Xiêng Khoảng - Lào.
 
Đảng bộ Trường Đại học Vinh có kết quả phát triển đảng viên tốt nhất trong hệ thống các đảng bộ trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp không chỉ trong tỉnh mà trên phạm vi cả nước. Để tạo môi trường, điều kiện cho học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đảng theo tinh thần Chỉ thị 34, Đảng bộ Trường Đại học Vinh luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng trong đội ngũ cán bộ, học sinh, sinh viên; ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn công tác phát triển đảng viên; tiến hành thành lập 14 chi bộ học sinh, sinh viên trực thuộc đảng bộ bộ phận các khoa đào tạo. Hàng năm, Đảng ủy đều giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên cho các chi bộ, coi đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá xếp loại tổ chức đảng cuối năm. Bình quân mỗi năm đảng bộ nhà trường có trên 1.000 cán bộ,  học sinh, sinh viên tham gia lớp bồi dưỡng cảm tình đảng, và có khoảng 300 - 400 quần chúng ưu tú được kết nạp. 
 
Trường THPT chuyên Phan Bội Châu năm học 2012 – 2013, đã kết nạp được 18 đảng viên là học sinh. Thầy Đậu Văn Mùi - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để có được kết quả trong công tác phát triển Đảng như vậy, ngoài sự lãnh đạo chỉ đạo của Ban Chi uỷ thì Ban Chấp hành Đoàn trường là cầu nối quan trọng trong việc giúp các em được cống hiến. Hàng năm, những hoạt động của Đoàn trường đều gắn với nhu cầu và nguyện vọng của các em, dựa trên định hướng của Chi uỷ nhà trường để nâng cao nhận thức, “tiếp sức” cho các em trong quá trình học tập cũng như định hướng phấn đấu trở thành đảng viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.
 
Đồng chí Nguyễn Trọng Hoàn – Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục – Đào tạo, cho biết: Thực hiện Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị, các cấp ủy đảng, nhất là các tổ chức đảng trong trường học đã tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng trong đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên, công nhân viên; chăm lo xây dựng và phát triển các tổ chức đảng trong các nhà trường vững mạnh. Nhờ đó, nhận thức chính trị trong cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên được nâng lên và đặc biệt 100% trường học từ mầm non đến đại học trên địa bàn tỉnh thành lập được tổ chức đảng riêng, tạo thuận lợi cho công tác phát triển đảng viên. Công tác phát triển đảng hàng năm đều được các đảng bộ, chi bộ trường học xây dựng đưa vào kế hoạch; giao cho Đoàn Thanh niên, tổ chức Công đoàn theo dõi, định hướng để những người ưu tú cố gắng phấn đấu vươn lên. Chỉ tính trong vòng 3 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm có 310 – 350 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các trường học trên địa bàn toàn tỉnh được kết nạp vào Đảng. 
 
Linh hoạt, “mềm” hoá các tiêu chí
 
Mặc dù nguồn để phát triển đảng viên trong các trường học rất dồi dào nhưng công tác phát triển đảng viên trong lực lượng học sinh, sinh viên có những khó khăn riêng. Theo quy định chung về tiêu chuẩn kết nạp đảng viên là học sinh, sinh viên, trước hết phải là đoàn viên ưu tú trong tập thể chi đoàn, chi hội, lớp tiên tiến; đạt điểm học tập trung bình chung từ 7 điểm trở lên; có thành tích trong hoạt động Đoàn, Hội Sinh viên và phong trào chung của lớp; chấp hành tốt nội quy, quy chế của trường, khoa về học tập, thi cử. Trên cơ sở quy định chung đó, ở một số tổ chức đảng lại kèm theo một số tiêu chuẩn riêng. Đơn cử Đảng bộ Trường Đại học Vinh, để được kết nạp vào Đảng, sinh viên, học sinh phải hội tụ đủ các yếu tố: điểm học tập đạt từ 8 điểm trở lên và được tặng thưởng giấy khen từ cấp trường trở lên; có vai trò nòng cốt trong công tác Đoàn, công tác xã hội và đạt nhiều thành tích trong công tác Đoàn và phong trào sinh viên; có sự tín nhiệm của đa số (trên 90%) đoàn viên trong chi đoàn.
 
Bí thư Đoàn Trường Đại học Vinh, Nguyễn Anh Chương chia sẻ: “Mỗi khóa sinh viên mới, Đoàn trường đều tổ chức phổ biến để sinh viên nắm vững các tiêu chuẩn kết nạp đảng viên, từ đó mỗi học sinh, sinh viên tự định hướng và xây dựng động cơ phấn đấu cho mình. Tuy nhiên, thực tiễn, có nhiều sinh viên mặc dù học giỏi, hoạt động Đoàn rất tốt, đạo đức và động cơ vào Đảng trong sáng vẫn không được kết nạp, chỉ vì họ không đủ 90% số phiếu của ĐVTN chi đoàn nên không đủ điều kiện. Chúng tôi cũng rất tiếc nhưng tiêu chuẩn đưa là như vậy rồi, không thể can thiệp được”.
 
Đồng chí Nguyễn Anh Chương cũng cho biết thêm, một trong những nguyên nhân không đủ lá phiếu của chi đoàn là vì việc đào tạo theo hệ tín chỉ khiến các chi đoàn truyền thống bị phá vỡ, sinh viên trong cùng chi đoàn ít có điều kiện sinh hoạt cùng nhau, việc hiểu nhau cũng hạn chế hơn nên khó tìm được đồng thuận, sự ủng hộ thật sự.
 
Còn ở Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, số lượng sinh viên các khoá hơn 10.000 sinh viên, đây đang trở thành địa chỉ tin cậy về đào tạo các ngành chế tạo máy, điện tử, điện lạnh... Tuy nhiên, “rào cản” lớn nhất trong công tác phát triển đảng viên là tiêu chuẩn về chất lượng học tập khi chất lượng đầu vào ở đây thấp, tỷ lệ học sinh, sinh viên có học lực khá trở lên không nhiều. Theo quy định chung của Đảng ủy nhà trường sinh viên phải có học lực khá và là đoàn viên xuất sắc trong các hoạt động đoàn thể thì hầu hết sinh viên được tham gia lớp cảm tình đảng chỉ đạt được vế thứ hai.
 
Theo đồng chí  Nguyễn Phùng Việt – Chánh văn phòng Đảng ủy nhà trường thì với tiêu chí đạt điểm học tập từ 7 điểm trở lên đối với sinh viên nhà trường là rất khó. Bởi đặc thù là trường kỹ thuật nên việc đạt điểm cao trong các kỳ thi hết sức hiếm hoi, vì vậy để tạo cơ hội cho nhiều sinh viên phấn đấu và có cơ hội vào Đảng, vừa tăng số lượng đảng viên kết nạp mỗi năm, nhà trường đã hạ chỉ tiêu về điểm học tập xuống 6,2 điểm. Bằng cách làm này, mỗi năm có khoảng 200 sinh viên đủ điều kiện tham gia lớp học cảm tình đảng nhưng trong số đó cũng chỉ có hơn 10% số sinh viên được kết nạp, tương đương vài chục sinh viên, trong khi chỉ tiêu đề ra là phải kết nạp được 40%.
 
Đối với khối trung học phổ thông, kết quả phát triển đảng viên trong học sinh cũng đang còn ở con số khiêm tốn. Ở Chi bộ Trường THPT Nguyễn Duy Trinh (huyện Nghi Lộc), công tác phát triển đảng viên trong học sinh phát triển nhất trong gần 4 năm lại đây (2010 – 2013) cũng chỉ kết nạp được 14 đảng viên là học sinh. Và trong giai đoạn từ năm 2009 trở về trước (2005), 5 năm không kết nạp được đảng viên nào.
 
Thầy Hoàng Văn Thái – Bí thư Chi bộ nhà trường thẳng thắn thừa nhận: “Chúng tôi đã đặt ra yêu cầu quá cao về điều kiện, tiêu chuẩn kết nạp đảng viên trong học sinh. Cụ thể là phải có nhận thức đúng đắn về Đảng, thực sự có nguyện vọng, có động cơ phấn đấu vào Đảng; có đạo đức tốt và học lực loại giỏi; là cán bộ Đoàn hoặc cán bộ lớp tích cực, hiệu quả. Đấy chính là nguyên nhân dẫn đến có những năm không kết nạp được học sinh nào vào Đảng. Chi ủy đã rất nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề này và trong thời gian tới sẽ điều chỉnh phù hợp trên cơ sở tiêu chuẩn chung”. 
 
Bên cạnh do một số trường đưa ra tiêu chí quá cao cho học sinh thì vẫn có những trường chưa chú trọng đến việc phát triển đảng viên trong đối tượng học sinh, như Trường THPT Tân Kỳ (huyện Tân Kỳ). Cô Phạm Thị Thúy Vinh - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tân Kỳ thừa nhận: “Thời gian qua nhà trường chưa có kế hoạch phát triển đảng viên trong lực lượng học sinh. Bởi đội ngũ giáo viên của trường trong độ tuổi Đoàn chiếm tỷ lệ cao, trong khi chỉ tiêu kết nạp đảng viên của trường ít nên nhà trường chỉ chú trọng trong kết nạp đảng viên trong  giáo viên, nếu kết nạp vượt quá chỉ tiêu thì “sợ” cấp trên đánh giá là phát triển ồ ạt, không chất lượng”.
 
Ngoài các lý do nêu trên thì theo quy định của Điều lệ Đảng, người được kết nạp vào Đảng phải đủ 18 tuổi, như vậy, có những học sinh sau 3 năm phấn đấu trong nhà trường phổ thông và đủ tiêu chuẩn để kết nạp nhưng lại không đủ tuổi và khi đủ tuổi thì đã chuyển lên bậc học cao hơn (đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp) lại phải theo dõi, phấn đấu lại từ đầu, khiến cho tỷ lệ kết nạp đảng viên khối trung học phổ thông thấp.
 
Mặt khác, nhiều sinh viên theo học hệ trung cấp chuyên nghiệp mặc dù đạt thành tích nổi trội trong học tập và hoạt động phong trào nhưng lại không được đưa vào diện quy hoạch, tạo nguồn do thời gian học tập ngắn (2 năm). Ðối với sinh viên các lớp liên kết, ngoài thời gian học tập trung, sinh viên phải đi làm hoặc về quê nên việc tập hợp, vận động tham gia hoạt động phong trào gặp không ít khó khăn. Nhiều sinh viên khi đã trải qua thời gian thử thách, được học tập nhận thức về Ðảng nhưng khi học xong, ra trường, chuyển đi nơi khác làm việc, học tập tiếp cho nên không kết nạp được...
 
Ðồng chí Đậu Văn Thanh – Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng: “Khu vực trường cũng giống như khu vực doanh nghiệp, khu vực nông thôn..., đều có những khó khăn nhất định trong công tác phát triển đảng viên. Tuy nhiên, so với các khu vực khác thì đây vẫn là khu vực có những thuận lợi riêng. Vấn đề là các tổ chức đảng trong các nhà trường quan tâm đến mức độ nào và có tác động ra sao đối với công tác phát triển đảng viên. Thực tiễn cũng đã chứng minh nơi nào quan tâm thì nơi đó làm tốt công tác phát triển đảng viên và ngược lại nơi nào ít quan tâm hoặc không quan tâm thì kết quả sẽ thấp kém, ảnh hưởng trước hết đến chính sự lớn mạnh của tổ chức đảng của mình”. 
 
Và qua thực tiễn công tác phát triển đảng viên ở các trường học, thấy rõ rằng muốn làm tốt công tác phát triển đảng viên trong nhà trường nói chung và trong lực lượng học sinh, sinh viên nói riêng, các tổ chức đảng trong nhà trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể, lựa chọn đối tượng để bồi dưỡng, giới thiệu cho Ðảng xem xét, kết nạp; tạo môi trường phấn đấu lành mạnh để quần chúng có cơ hội cống hiến, trưởng thành. Gắn với đó là nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể như Ðoàn Thanh niên, Công đoàn tạo ra nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để học sinh, sinh viên có môi trường cống hiến, rèn luyện. Qua đó phát hiện những nhân tố tích cực giới thiệu cho các tổ chức đảng bồi dưỡng, kết nạp.
 
Bên cạnh đó, các tổ chức đảng trong nhà trường cũng cần nâng cao vai trò lãnh đạo nhà trường thực hiện nhiệm vụ chính trị, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo để tạo ra những con người “vừa hồng, vừa chuyên”, tạo nguồn cung cấp cho Đảng. Do các tổ chức đảng các trường học hầu hết trực thuộc các đảng bộ cấp huyện, vì vậy, các huyện, thành, thị xã cần tăng cường chỉ đạo công tác phát triển Đảng ở khu vực này.
 
Mai Hoa - Thanh Nga