(Baonghean) - Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, ngày càng xuất hiện những điển hình về người dân hiến đất, góp tiền của, công sức xây dựng đường bê tông, dồn điền, đổi thửa, cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống… Để có được những kết quả đó có một phần quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động nhân dân từ cơ sở.

Dẫn chúng tôi đi khắp các ngõ xóm trên con đường bê tông thẳng tắp, sạch đẹp, ông Bùi Văn Thống - Bí thư xóm Bắc Sơn 2, xã Bắc Thành (Yên Thành) phấn khởi cho biết: “Từ cuối năm 2012, toàn xóm đã khép kín hệ thống giao thông với chiều rộng từ 3,5- 4m. Bây giờ người dân đi từ nhà ra đến đồng, nhiều lúc không bị lấm chân chú à. Cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát về đây kiểm tra thực tế cũng ngợi khen điều đó… ”. Để có niềm tự hào này, những năm qua, cấp ủy, ban cán sự và các tổ chức đoàn thể xóm Bắc Sơn 2 đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân góp tiền và trực tiếp tham gia xây dựng. Qua các cuộc họp dân, xóm đã công khai đến từng người theo hướng “3 bàn- 4 biết” (bàn về mục tiêu, cách thức và tổ chức thực hiện và biết về trách nhiệm, mức chi phí cho công trình, mức đóng góp của mỗi gia đình và biết rõ lợi ích được hưởng).

Chính vì vậy, nhiều tổ dân cư không được hỗ trợ xi măng, đồng nghĩa với mức đóng góp cao hơn nhưng vẫn quyết tâm thực hiện. Điển hình ở tổ dân cư số 4, 6, 8, 11 người dân đã tự đóng kinh phí để làm đường bê tông. Bên cạnh đóng góp kinh phí theo mức qui định, gia đình anh Ngô Sỹ Quang (tổ 8) còn huy động tốp thợ nề 7 người về giúp hay như gia đình ông Hoàng Sanh (tổ 6) còn vận động con cháu ở xa đóng góp 52m3 đá (trên 15 triệu đồng) làm đường bê tông…

images842380_5a.jpgNhân dân xóm 1, Nghi Văn, Nghi Lộc góp tiền thuê máy làm giao thông nội đồng.
Từ đầu năm 2013, thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, xã đã tổ chức họp các tổ dân cư, bàn thực hiện chủ trương gom ruộng xa về gần nhà, huy động kinh phí thuê máy đào, ủi chỉnh trang đồng ruộng để thuận lợi cho sản xuất, thu hoạch. Chủ trương này đã được nhân dân ở cả 9 xóm đồng tình cao. Ngay trong những ngày đầu tháng 10/2013, mỗi người dân ở Bắc Thành đã đóng góp 400.000 đồng thuê 6 máy xúc gia cố hệ thống giao thông nội đồng, đắp bờ vùng, bờ thửa theo quy hoạch sau dồn điền, đổi thửa. Cùng đó, rất nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay vốn, mua sắm máy nông nghiệp đa chức năng để phục vụ sản xuất. Khi đề cập đến hiệu quả của công tác dân vận ở cơ sở, ông Hoàng Danh Nguyệt - Phó Bí thư Đảng ủy xã vui vẻ chia sẻ: “Cái quan trọng nhất của công tác dân vận để huy động sức dân thực hiện thành công các phong trào là tìm ra hướng giải quyết hợp lý. Giải pháp phải thuộc về số đông đồng tình và phải giải thích cho tất cả mọi người hiểu rõ mục tiêu cuối cùng chính là lợi ích thuộc về người dân. Muốn vậy, phải quay về cái cơ bản, đó là thực hiện tốt qui chế dân chủ, phải để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Cùng đó kết hợp tốt giữa công tác dân vận của hệ thống chính trị với dân vận chính quyền, giải quyết thấu đáo những vấn đề đặt ra một cách công khai, minh bạch…”.
 
 Trong thực tế, mỗi giai đoạn phát triển, người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng và là mục tiêu hướng tới để phục vụ của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể các cấp. Ở địa phương nào xác định rõ như vậy, ở đó công tác dân vận, tập hợp sức mạnh tổng hợp của người dân trong mỗi phong trào phát triển kinh tế- xã hội sẽ đạt kết quả cao. Bài học kinh nghiệm ở xã Nam Thành (Yên Thành) cho thấy, nếu cán bộ tăng cường gặp gỡ, tổ chức họp dân bàn được kỹ lưỡng thì mức độ hoàn thành khối lượng công việc đặt ra lớn hơn, nhanh hơn. Điển hình trong công tác chuyển đổi ruộng đất mà xã đã hoàn thành vào cuối năm 2012, xã đã tổ chức trên 100 cuộc họp dân ở các xóm, bàn giải pháp qui hoạch lại đất sản xuất từ nhiều xứ đồng về một nơi, tạo được vùng sản xuất tập trung, thuận lợi trong cơ giới hóa nông nghiệp cũng như ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. 
 
Còn ở xóm 1, xã Nghi Văn (Nghi Lộc), mặc dù là vùng thuần nông nhưng những năm gần đây, trung bình mỗi hộ đã đóng góp gần 5 triệu đồng để bê tông hóa đường làng, ngõ xóm; xây dựng kênh mương dẫn nước tưới cho đồng ruộng và hiện đang hoàn thành việc xây dựng 14 tuyến giao thông nội đồng sau chuyển đổi ruộng đất. Theo ông Nguyễn Đình Quang- Bí thư chi bộ xóm, “phong trào mạnh là nhờ đồng thuận cao của người dân. Để tập hợp được lòng tin của người dân thì mỗi một hạng mục công trình đều phải công khai, minh bạch. Ban cán sự xóm đóng vai trò là tổ chức, còn mọi công đoạn giám sát phải mời các hộ dân cùng nhau tham gia. Như thế, các cuộc vận động sau đó dân mới tin và chung sức thực hiện…”.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu - Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trải qua các giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định vai trò quyết định của người dân và để đoàn kết toàn dân, công tác dân vận phải đi trước một bước. Đồng nghĩa với việc cán bộ làm công tác vận động phải thường xuyên gần dân, chia sẻ với những tâm tư, nguyện vọng của người dân để tìm được tiếng nói đồng thuận giữa “Ý Đảng và lòng dân”. Câu chuyện cảm động chúng tôi ghi nhận ở thôn Lam Bồng, xã Bồng Khê (huyện Con Cuông), đó là vào dịp đầu năm 2013, khi ban cán sự thôn tổ chức vận động nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa, một số hộ nghèo theo chủ trương bàn thì không phải đóng góp. Thế nhưng, chị Hoàng Thị Chiên, thuộc diện hộ nghèo, chồng mất sớm, một mình làm  thuê nuôi hai con nhỏ vẫn xin đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn. Ban cán sự thôn có ý từ chối nhưng chị Chiên vẫn quả quyết đóng góp. Ông Nguyễn Huy Chiêu - Trưởng thôn cho biết: “Sở dĩ chị Chiên nhiệt tình như vậy là thấy sự đồng thuận của nhân dân trong thôn rất cao nên tự thấy mình  phải đóng góp để có trách nhiệm với cộng đồng…”.
 
Với nhận thức “góp sức với cộng đồng”, rất nhiều gia đình, cá nhân ở các địa phương đã có những hoạt động tích cực nhằm tăng cường mối đoàn kết, góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Một trong những điển hình chúng tôi muốn nhắc tới đó là bà Nguyễn Thị Vân ở xóm Mỹ Thiện, xã Nam Cát (Nam Đàn). Năm nay đã 79 tuổi nhưng bà Vân vẫn nhiệt tình tham gia Ủy viên Mặt trận xã, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi. Con cháu trưởng thành, cung cấp kinh phí cho bà bồi dưỡng sức khỏe, nhưng hàng ngày bà dành dụm một ít để đóng góp vào Quỹ Khuyến học, Quỹ Vì người nghèo của xóm, xã. Trong vòng 5 năm qua, trung bình mỗi năm bà Vân đóng góp cho Quỹ Khuyến học, Quỹ Vì người nghèo trên 16 triệu đồng. Bên cạnh đó, những dịp lễ, tết, bà còn trực tiếp đến tặng quà 10 gia đình nghèo nhất xã, động viên các hộ vươn lên trong cuộc sống. Bà Vân tâm niệm: “Mình có điều kiện tốt hơn, đầy đủ hơn thì giúp những người khó khăn vươn lên. Đó là truyền thống đùm bọc lẫn nhau của dân tộc ta nhưng cũng là việc để lại phúc đức cho con cháu…”. Ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng khối dân vận xã Nam Cát cho biết thêm: “Quá trình thực hiện công tác vận động quần chúng nhân dân thực hiện các phong trào trên địa bàn, nhất là phong trào đền ơn đáp nghĩa, quyên góp ủng hộ người nghèo, khuyến học, khuyến tài… chúng tôi nhận được sự ủng hộ của người dân.
 
Công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương đang đòi hỏi nhiều nguồn lực và cần có sức mạnh tổng hợp của người dân. Rất nhiều nơi đã biết khơi dậy sự tự giác của người dân, góp tiền, của, công sức làm được nhiều công trình ý nghĩa. Tất cả kết nối lại, tạo nên sức lan tỏa sâu rộng từ mỗi xóm làng. Đó là sức mạnh tổng hợp của người dân trong xây dựng giao thông nông thôn, chỉnh trang đồng ruộng, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xây dựng các thiết chế văn hóa. Mỗi công trình, phần việc là kết tinh của sự đoàn kết, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. 
 
Bài, ảnh: Nguyên Sơn