bna_image_5541156_832018.jpgPhòng khám đa khoa Trường Đại học y khoa Vinh sắp đưa vào vận hành mô hình bệnh viện. Ảnh PV
Trên thế giới có khoảng 200 triệu người bị loãng xương, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị loãng xương, tỷ lệ loãng xương nam giới là 1/5. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, đến năm 2050 châu Á có thể sẽ chiếm 50% tỷ lệ người bị gẫy xương do loãng xương trên thế giới.
Tại Việt Nam, theo số liệu khảo sát bước đầu của Viện dinh dưỡng, bệnh loãng xương ảnh hưởng tới 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi. Ước tính đến đến 2030, số người gẫy cổ xương đùi do loãng xương sẽ là 41 ngàn người .

Trên thực tế, nhờ một số phương pháp đo mật độ xương, người ta có thể đánh giá chính xác khối lượng, mức độ loãng xương, tiến triển của bệnh và phát hiện sớm các đối tượng có nguy cơ. Loãng xương chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: Tuổi, giới, hormon, chế độ sinh hoạt, luyện tập, chiều cao, cân nặng của mỗi cá thể, một số thuốc, đặc biệt phụ nữ tuổi mạn kinh.

Loãng xương sau tuổi 40 là mất xương ở xương xốp, gãy lún các đốt sống, đầu dưới xương quay, xuất hiện trong vòng 15- 20 năm, đặc biệt là phụ nữ tuổi mãn kinh. Hiện nay trên thế giới, có khoảng 50% phụ nữ trên 50 tuổi bị loãng xuơng, 40% phụ nữ trên 70 tuổi bị gãy xương do loãng xương.    

Tư vấn sức khỏe miễn phí cho người nhà bệnh nhân. Ảnh: PV

Những năm gần đây, loãng xương và hậu quả của loãng xương đã trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng ngày càng được nhiều tác giả trong nước và ngoài nước quan tâm.  Bởi vậy, từ tháng 10/2015 đến tháng 5/2017, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y khoa Vinh đã tiến hành, nghiên cứu, điều tra, khám sàng lọc trên 2065 người từ 40 tuổi trở lên tại 25 phường , xã thành phố Vinh. Đồng thời, triển khai các giải pháp dự phòng và điều trị loãng xương cho người dân.

Qua điều tra khám sàng lọc 2.065 người từ 40 tuổi trở lên cho thấy tỷ lệ loãng xương ở người từ 40 tuổi trở lên là 39,6% và tỷ lệ giảm mật độ xương là 36%.

Như vậy, tỷ lệ loãng xương ở thành phố Vinh chiếm gần 40% người từ 40 tuổi trở lên, những người vẫn đang ở độ tuổi lao động. Nếu tính cả tỷ lệ giảm mật độ xương là 75,6%, chiếm 3/4 tổng số người tham gia nghiên cứu. Đáng lưu ý là những phụ nữ đã mãn kinh từ 65 tuổi trở lên hoặc những người đẻ nhiều con. Ở đàn ông, loãng xương thường gặp ở đối tượng từ 70 tuổi trở lên.

Một số yếu tố nguy cơ gây loãng xương đó  là tuổi, giới, đẻ nhiều con, mãn kinh, dùng thuốc cocticoid kéo dài, bổ sung không đủ can xi trong khẩu phần ăn và lười luyện tập thể dục thể thao, lạm dụng bia rượu, hút thuốc lá và mắc một số bệnh kèm theo. Trừ tuổi và giới ra, còn tất cả các yếu tố nguy cơ đều có thể thay đổi được. Chẳng hạn như người dân có thể thay đổi dược thói quyen hút thuốc lá, thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày, đẻ ít con, tăng cường luyện tập thể dục thể thao.

Đo huyết áp miễn phí tại Phòng khám đa khoa trường Đại học Y khoa Vinh. Ảnh: PV

Ngoài khám sàng lọc và đo mật độ xương ra, nhóm nghiên cứu còn đo huyết áp để phát hiện tăng huyết áp. Qua nghiên cứu thấy, tỷ lệ tăng huyết áp ở người từ 40 tuổi trở lên tại thành phố Vinh là 39%. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ người được điều trị tăng huyết áp chiếm tỷ lệ thấp, chỉ có 24,2% trong số người tăng huyết áp. Tỷ lệ người được điều trị có huyết áp đạt mục tiêu chỉ có 35,3% là thấp so với các nước phát triển. Đặc biệt, số người được đo huyết áp trong 1 năm vừa qua chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ có 14,2% trong dân số nghiên cứu. Điều này chứng tỏ tỷ lệ người dân quan tâm đến sức khỏe đang còn thấp.   

Loãng xương đôi khi không có biểu hiện gì, khi có triệu chứng thường đó là các biến chứng của bệnh. Một số dấu hiệu thường gặp ở người từ 40 tuổi trở lên, đặc biệt là người cao tuổi và người có sử dụng cocticoid kéo dài đó là: đau lưng, mỏi lưng, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp thắt lưng hình chêm, xẹp đốt sống gây gù vẹo cột sống và giảm chiều cao so với thời còn trẻ đến 3-5 cm.

Để chẩn đoán loãng xương, việc làm quan trọng nhất là người dân phải đến cơ sở y tế để đo mật độ xương bằng máy X quang (DXA) hoặc đo sơ bộ bằng máy đo sóng siêu âm xương gót. Sau khi đo mật độ xương, sẽ chia ra 3 nhóm: nhóm có mật độ xương bình thường, nhóm giảm mật độ xương  và nhóm loãng xương .

Đội ngũ y, bác sỹ tại trường Đại học Y khoa Vinh điều trị loãng xương cho bệnh nhân. Ảnh: PV

Giải pháp dự phòng cấp I (Phòng cho người chưa bị loãng xương)đối với nhóm người có mật độ xương bình thường, người dân cần nâng cao nhận thức về hậu quả của bệnh loãng xương như gây gãy cổ xương đùi, xương cẳng tay, thay đổi hành vi như ăn uống thực phẩm giàu can xi, tăng cường vận động thể lực, tập thể dục và thể thao (trừ người suy tim), đi bộ, không hút thuốc lá, giảm rượu bia, hạn chế dùng cocticoid kéo dài khi có bệnh khớp và cần tư vấn của bác sỹ khi sử dụng thuốc. Điều trị tốt các bệnh kèm theo như tăng huyết áp, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh phổi mãn tính, đái tháo đường, suy tim…

Đối với nhóm người giảm mật độ xương, các biện pháp thực hiện và điều trị các bệnh kèm theo giống như ở nhóm người có mật độ xương bình thường. Ngoài ra cần phải bổ sung can xi và Vitamin D. Bổ sung can xi bằng cách uống 2 cốc sữa có can xi/ngày uống hàng ngày ít nhất 1 năm, bổ sung vitamin D và can xi  bằng viên calcinol hoặc các chế phẩm có can xi và vitamin D.

Các giải pháp dự phòng cấp II (phòng cho người đã bị loãng xương), chúng ta cần đến cơ sở y tế để khám và được tư vấn dùng thuốc điều trị loãng xương. Các thuốc điều trị loãng xương hiện nay gồm: Loại thuốc uống như Aledronat 10 mg mỗi ngày uống 1 viên hoặc Fosamax 70/5600 UI mỗi tuần uống 1 viên. Loại thuốc tiêm truyền: Aclasta 5 mg/100ml mỗi năm truyền 1 lần truyền trong 3-5 năm.

Ngoài ra, chúng ta không nên vận động mạnh cột sống đặc biệt là vặn và xoay cột sống làm như vậy có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, không nên leo trèo trên thang lên cao dễ ngã gây gãy xương, không đi dép trơn trong nhà tắm có nước hoặc bồn tắm, có thể đi bộ nhẹ nhàng trên thảm lăn tốc độ vừa phải vừa sức mình….