(Baonghean) - Đồng chí Phạm Thị Hồng Toan - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Tổng Biên tập Báo Nghệ An trao đổi về vai trò của báo đảng trong thời đại bùng nổ thông tin.

image_1887079.jpgĐồng chí Nguyễn Thị Doan (nguyên Phó Chủ tịch nước) thăm và làm việc tại Báo Nghệ An - tháng 9/2015, nhân dịp Báo Nghệ An đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Ảnh: P.V
 
P.V: Thưa đồng chí, là “tiếng nói của Đảng, chính quyền và nhân dân Nghệ An”, Báo Nghệ An đã làm gì để hoàn thành tốt vai trò “nhạc trưởng” định hướng thông tin, dư luận xã hội trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay?
 
Đồng chí Phạm Thị Hồng Toan: Trước sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là mạng xã hội, để thu hút và tiếp cận độc giả tốt hơn, Báo Nghệ An không ngừng đổi mới phương thức tuyên truyền về nội dung, hình thức trình bày các ấn phẩm để phát huy sức mạnh của một cơ quan truyền thông chính thống, vừa bảo đảm định hướng xã hội, vừa nâng cao tính hấp dẫn, sức cuốn hút của báo đảng.
Đoàn công tác Thông tấn xã Lào thăm mô hình Tòa soạn hội tụ Báo Nghệ An (tháng 6/2016). Ảnh: Hoài Thu

Trong đó, báo tập trung nâng cao chất lượng một số loại hình báo chí nhằm tăng cường định hướng thông tin, dư luận xã hội; thực hiện các tuyến, tin bài theo dòng sự kiện trước các vấn đề “nóng”; cố gắng đi vào những vấn đề cụ thể trong thực tiễn đời sống xã hội; đề cao tính tương tác với độc giả; chú trọng đầu tư báo Nghệ An điện tử trở thành kênh thông tin quan trọng tiếp cận với độc giả trong thời đại số hiện nay.

Hiện nay, báo Nghệ An điện tử là một trong những tờ báo đảng có số lượng truy cập cao nhất cả nước với lượng truy cập từ 150.000 - 200.000 lượt/ngày. Báo đã áp dụng các hình thức tương tác với độc giả như lập trang fanpage trên facebook, tường thuật trực tiếp bằng hình thức live stream trên điện thoại... Trong quá trình thử nghiệm, đổi mới, Báo Nghệ An sẽ từng bước thực hiện các nội dung tiếp cận đa dạng bạn đọc để điều chỉnh, đưa ra “món ăn” phù hợp với các đối tượng độc giả.
 
Báo Nghệ An cũng quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật - công nghệ làm báo, tạo điều kiện hành nghề thuận lợi và có chế độ đãi ngộ, khuyến khích thỏa đáng (về cơ chế nhuận bút, về phương tiện tác nghiệp...); tăng cường đào tạo bồi dưỡng cho người làm báo cả về chính trị, đạo đức lẫn kỹ năng, nghiệp vụ.
Tác nghiệp tại vùng rừng sa mu cổ thụ (biên giới Việt - Lào, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt). Ảnh: Nhật Lân
 
Ngoài việc cử cán bộ, phóng viên tham gia các lớp học cao cấp chính trị, các khóa đào tạo nghiệp vụ báo chí, Báo Nghệ An còn mời chuyên gia về tập huấn nghiệp vụ làm báo đa phương tiện và chương trình, chiến lược phát triển Báo Nghệ An điện tử. Báo cũng cử đội ngũ cán bộ phóng viên, kỹ thuật viên về các địa phương tập huấn cho khoảng 1.000 cộng tác viên ở các huyện, thành, thị trong tỉnh về nghiệp vụ báo chí, nhất là kỹ năng làm báo đa phương tiện trong tình hình mới...
 
P.V: Theo đồng chí, truyền thông đa phương tiện mang đến những thuận lợi và khó khăn gì cho các cơ quan báo chí?
 
Đồng chí Phạm Thị Hồng Toan: Trong xu thế truyền thông đa phương tiện hiện nay, các cơ quan báo chí nói chung và báo đảng địa phương nói riêng nếu không nắm bắt kịp xu thế phát triển của truyền thông thì sẽ ngày càng xa rời bạn đọc, nhưng để “đi tắt đón đầu” thì mình cần phải nỗ lực học hỏi nhiều hơn, bởi có những mô hình, phương thức truyền thông hiện nay chưa có trong tiền lệ, do đó, đòi hỏi đội ngũ những người làm báo phải không ngừng trau dồi, cập nhật kiến thức làm báo của mình. 
Phóng viên Báo Nghệ An quay phim ở Đảo Ngư. Ảnh: Đức Chuyên
 
Trước xu thế đó, Đảng ủy - Ban Biên tập Báo Nghệ An đã không ngừng đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao chất lượng tờ báo đảng. Đến nay, Báo Nghệ An đã đưa vào sử dụng và vận hành thành công mô hình “Tòa soạn hội tụ”, phát huy được ưu thế của truyền thông đa phương tiện, sức lực trí tuệ của cán bộ, phóng viên, cộng tác viên, cung cấp một cách nhanh chóng, kịp thời nhu cầu thông tin, giải trí của bạn đọc, đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền trong xu thế hội nhập và mở cửa. Từ đó, nâng cao chất lượng các ấn phẩm, tạo được dấu ấn rõ rệt của từng ấn phẩm, tạo được sự tương tác, hỗ trợ mạnh mẽ giữa các loại hình báo chí, để tạo nên hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, hiệu quả, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu “Nhanh, trúng, đúng, hay”.
 
P.V: Có một số ý kiến cho rằng hiện nay mạng xã hội đang lấn át báo chí trong việc cập nhật thông tin, đồng chí có nhận xét gì về vấn đề này?
 
Đồng chí Phạm Thị Hồng Toan: Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin hiện nay, mạng xã hội đã và đang trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Bạn đọc Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng cũng nằm trong xu thế đó.
Phóng viên Báo Nghệ An tìm hiểu thông tin về lũ lụt tại xã Nam Lộc (Nam Đàn) tháng 9/2015. Ảnh: P.V
 
Về mặt tích cực, mạng xã hội là một “kho” thông tin cho báo chí, bởi hàng ngày, nhiều sự kiện, thông tin, dữ liệu của đời sống được cá nhân cập nhật liên tục trên mạng xã hội đã được nhiều nhà báo nhanh nhạy theo dõi và đón nhận. Với khả năng liên kết mạnh mẽ, mạng xã hội góp phần quảng bá thông tin từ báo chí, nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên báo chí. 
 
Nhưng bên cạnh đó, trên mạng xã hội cũng có nhiều tin “rác”, tin kích động. Không loại trừ, trong số đó có cả bàn tay của những thế lực thù địch muốn lợi dụng phạm vi tác động lớn của mạng xã hội để chống phá sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta. Trước tình hình đó, Báo Nghệ An cũng đã có những bài viết có tính định hướng và phản hồi mạnh mẽ để khẳng định được sự đúng, sai của thông tin. Như một số thông tin về việc bệnh nhân chết do ăn cá biển, bắt cóc trẻ em... lan truyền trên mạng xã hội vừa qua đã được Báo Nghệ An có những bài viết khẳng định đó là sự bịa đặt, kích động...
 
Theo tôi, trong bối cảnh cạnh tranh thông tin gay gắt, những người làm báo một mặt, cần nhanh nhạy, tích cực và chủ động hơn nữa, mặt khác, phải luôn đề cao đạo đức, trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của người cầm bút; phải vững vàng và bản lĩnh trước các thông tin kích động, gây rối.
 
Báo Nghệ An là một trong những tờ báo đảng đầu tiên vận hành thành công mô hình “Tòa soạn hội tụ”. Ảnh: Sỹ Minh
 
Báo chí đặc biệt là báo điện tử cần tăng cường các phương thức tạo sự tương tác với công chúng, góp phần thu hút công chúng phản hồi, đối thoại và chia sẻ với cơ quan báo chí cũng như người viết. Sự tương tác đó vừa góp phần tạo mối quan hệ gắn kết giữa người cung cấp thông tin và người tiếp nhận thông tin, vừa góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí. Để làm được điều đó, đội ngũ làm báo phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ nghiệp vụ, vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu làm báo đảng hiện nay.
 
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Đức Chuyên (thực hiện) 

TIN LIÊN QUAN