(Baonghean) - Sản xuất nông nghiệp hàng hóa là xu hướng tất yếu của yêu cầu phát triển nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, đặc biệt là hình thành thị trường chung Asean sẽ là một thách thức lớn cho nông sản Việt Nam nói chung và nông sản Nghệ An nói riêng. 
 
Tiềm năng cần phát huy
 
Yên Thành là huyện nông nghiệp, với sản phẩm chủ lực là cây lúa, mấy năm gần đây, huyện đã chuyển hướng tập trung đưa các loại giống năng suất, chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng vào sản xuất như BC15, AC5, Bắc Thơm, Hương Thơm.
 
Không chỉ sản xuất các giống lúa thương phẩm ở trên 3.000 - 4.000 ha/vụ, huyện còn liên doanh, liên kết với các đơn vị tổ chức sản xuất hơn 1.000 ha lúa giống các loại. Cùng với việc ứng dụng KHKT, đưa các giống lúa mới có chất lượng vào sản xuất, các địa phương và nông dân của huyện cũng đã chủ động liên doanh, liên kết với một số doanh nghiệp tạo ra chuỗi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap như cam gần 100 ha, nấm đạt 500 tấn/năm.
 
Theo ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện: “Sản xuất lương thực ở Yên Thành hiện nay ngoài đảm bảo nhu cầu cho 29 vạn dân trong toàn huyện thì vẫn đang dư thừa một nửa làm hàng hóa và phục vụ chăn nuôi. Huyện đang tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng giá trị sản xuất…”.
 
image_7508097.jpgChủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường thăm quan mô hình trồng cây ớt cây xuất khẩu tại xã Nam Thành
 
Công ty TNHH Vĩnh Hòa - một trong số các doanh nghiệp thực hiện liên kết với người nông dân để sản xuất lúa hàng hóa đã liên kết sản xuất được hơn 10.000 ha ở các huyện Yên Thành, Đô Lương, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Nghi Lộc... Doanh nghiệp hợp đồng với các nhóm, tổ, hợp tác xã, các xã, hoặc các huyện để chuyển giao KHKT, cung ứng giống, cho vay phân bón và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, giống lúa AC5 với thương hiệu “gạo xứ Nghệ” ngày càng được mở rộng diện tích và kể cả thị trường tiêu thụ.
 
Ông Phan Văn Hòa, Giám đốc công ty, cho biết: “Nhờ đảm bảo được các quy trình sản xuất, cho nên các sản phẩm do nông dân làm ra đều được doanh nghiệp thu mua bao tiêu sản phẩm. Nhờ chất lượng gạo ngon, thương hiệu gạo AC5 - “gạo Xứ Nghệ” không chỉ đứng vững trên thị trường nội địa của tỉnh mà còn vươn ra ở 2 trung tâm lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh”. Ông Hòa cũng cho biết, ngoài gạo AC5, thì giống lúa Thảo dược với trên 2.000 ha cũng đang khẳng định vị thế của mình trên thị trường. Tuy nhiên, những mô hình liên kết nông nghiệp hiệu quả như trên chỉ đếm trên đầu ngón tay.
 
Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã tạo ra nhiều vùng chuyên canh hàng hóa như lạc, ngô, chè, mía, cao su, sắn, cây lấy gỗ... góp phần tạo ra  nguyên liệu cho công nghiệp chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu mang lại thu nhập cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2014 của Nghệ An đạt hơn 415 triệu USD, trong đó hàng hóa nông sản chiếm khoảng 50%, đặc biệt mặt hàng rau, củ, quả tăng trên 86% so với năm 2013. 
 
Cùng với các cây trồng có tiềm năng, thế mạnh trên, Nghệ An còn  những vùng cây ăn quả rộng lớn, giá trị kinh tế cao với tổng diện tích cam, quýt, chanh, trong đó cam gần 5.000 ha. Khi vào chính vụ, sản phẩm cam Nghệ An đã chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng trong tỉnh và vươn ra nhiều tỉnh khác. Sản lượng lương thực trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1,2 triệu tấn/năm (2014), trong cơ cấu giống đã chuyển dần sang các loại giống chất lượng cao hàng hóa với khoảng 20%. Ngành chăn nuôi cũng được gắn với công nghiệp chế biến để tạo hàng hóa nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm… 
 
Những thách thức
 
Theo ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng hóa nông sản Nghệ An tuy đa dạng, phong phú về sản phẩm, nhưng một số còn manh mún. Như sản phẩm cao su mới chỉ có  khoảng 3.000 - 4.000ha đưa vào khai thác; hay như cây mía mặc dù có hàng chục nghìn ha nhưng vẫn chưa đủ lớn. Bên cạnh đó, nông sản của nông dân trên địa bàn khi chế biến chất lượng thành phẩm không cao, như cao su mới ở dạng krep, các sản phẩm chè, gạo đang ở mức trung bình. Hay như trâu bò với tổng đàn lớn, nhưng nếu là hàng hóa mới chỉ đáp ứng thị trường tiêu dùng nhỏ lẻ ở các chợ, các nhà hàng, còn việc cung ứng vào các siêu thị, sàn giao dịch thì chưa đạt tới, bởi giống trâu, bò có thành thịt thấp hơn các loại giống khác. Kể cả lạc nhân của Nghệ An chất lượng ngon nhưng chưa làm tốt khâu chế biến...  
 
Nhìn nhận ở góc độ khác, ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KH&CN, cho rằng, do quy mô nhỏ, liên kết kém dẫn đến việc áp dụng KHCN vào sản xuất chưa nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chưa có tính đồng nhất cao.
 
Mặt khác, việc kiểm soát chất lượng xét về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm chưa tốt. Chính điều này dẫn đến việc xây dựng thương hiệu sẽ khó khăn và thậm chí khi xây dựng được thương hiệu rồi thì để bảo vệ được thương hiệu càng khó khăn hơn do khâu kiểm soát chất lượng chưa tốt dễ bị lợi dụng đánh tráo, đánh mất niềm tin của khách hàng.
 
Cũng do quy mô sản xuất nhỏ, chưa áp dụng KHCN để nâng cao chất lượng, giảm giá thành  nên giá thành nông sản Nghệ An thường cao, sức cạnh tranh về giá yếu nên sản phẩm khó tiêu thụ. Trong khi đó ở một số nước, một trang trại với quy mô sản xuất lớn đã tạo ra một sản phẩm hàng hóa riêng, đảm bảo một quy trình sản xuất khép kín từ việc chọn giống tốt đến trồng hay chăn nuôi theo một quy trình kỹ thuật, từ đó tạo ra sản phẩm với chất lượng đồng đều và khi chế biến thành sản phẩm cũng đồng đều về chất lượng, xây dựng thương hiệu và uy tín với khách hàng.
 
Thực tế, hiện nay đã có một số mặt hàng nông sản từ các nước đã cạnh tranh một cách có lợi thế hơn hẳn so với nông sản Nghệ An trên chính thị trường nội địa như xoài Thái, nho Mỹ, thịt bò Úc... Ở một khía cạnh khác, thì nông sản Nghệ An vẫn đang chủ yếu sản xuất theo thời vụ, cho nên có thời điểm sản xuất ồ ạt, còn khi cần lại không có.
 
Thu hoạch chè ở Thanh Chương.
Nỗ lực nâng cao giá trị 
 
Theo ông Hồ Ngọc Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nghệ An vẫn đang là tỉnh nông nghiệp. Trước tình hình hội nhập ngày càng sâu rộng, nhất là khi Asean thành lập thị trường chung vào cuối năm nay, bên cạnh tạo ra thuận lợi cho hàng hóa nông sản trên địa bàn tỉnh mở rộng thị trường ở các nước trong khu vực thì cũng sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu từ các nước Asean. Nếu chúng ta không có giải pháp quyết liệt hơn, không cẩn thận thì nông sản Nghệ An dễ dàng “thua ngay trên sân nhà” chứ chưa nói đến ở “sân khách”. 
 
Để sản phẩm hàng hóa nông sản Nghệ An có thể cạnh tranh trên thị trường hàng hóa và chế biến xuất khẩu, trước hết tỉnh cần quan tâm rà soát, đánh giá lại quy hoạch các sản phẩm chủ lực, nhất là các cây, con có sản phẩm chế biến cần phải gắn quy hoạch sản xuất với quy hoạch chế biến, tránh tình trạng vùng nguyên liệu ít mà nhà máy nhiều, từ đó xảy ra việc tranh mua, tranh bán, ảnh hưởng việc cung ứng sản phẩm đối với thị trường do thiếu nguyên liệu đầu vào ở một số doanh nghiệp, nhà máy, mất uy tín của doanh nghiệp và mất sự cạnh tranh của sản phẩm ở những thời điểm nhất định.
 
Một mặt cũng cần đánh giá lại hệ thống chế biến nông, lâm, thủy sản của tỉnh trên từng sản phẩm cụ thể, bao gồm năng lực chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhất là công nghệ chế biến, từ đó có biện pháp cụ thể để đảm bảo đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và dễ tiêu thụ sản phẩm. 
 
Một trong những giải pháp quan trọng nữa là tiếp tục chuyển giao KHKT, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, trong đó lưu ý khâu sản xuất phải đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng theo tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế; từ đó nâng cao giá trị của sản phẩm, hạ giá thành, góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.
 
Cùng với các giải pháp trên thì cần chuyển đổi mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên doanh, liên kết thông qua các doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hình thành vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa lớn trong nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đồng đều về chất lượng. Đẩy mạnh sự liên kết “4 nhà”, trong đó vai trò định hướng của Nhà nước để nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân đi theo một hướng chung.
 
Về phía người nông dân phải thể hiện trách nhiệm tuân thủ các quy trình sản xuất, đặc biệt cần phải thủy chung với doanh nghiệp, bên cạnh những cái lợi trước mắt thì cũng cần phải thấy những cái lợi mang tính lâu dài và bền vững để thích ứng với nền kinh tế hàng hóa thị trường. Người sản xuất phải xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng bằng chính sản phẩm chất lượng của mình. Kiểm soát chất lượng bao gồm kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, chống hàng hóa phẩm cấp thấp, giá thành rẻ tuồn vào thông qua con đường buôn lậu. Quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, với sự hợp tác trách nhiệm và nỗ lực từ nhiều phía là cơ sở quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản Nghệ An, góp phần xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững.
 
 
Minh Chi