(Baonghean) - Nhằm giảm tỷ lệ nhiễm các bệnh giun truyền qua đất ở trẻ mầm non và trẻ trong độ tuổi đi học, thời gian qua, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án góp phần nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên, cán bộ y tế và người dân về phòng chống các bệnh giun truyền qua đất và cải thiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, nâng cao sức khỏe cộng đồng. 

image_6561507.jpgThực hiện tẩy giun cho học sinh Trường Tiểu học Lưu Sơn (Đô Lương) đợt 2. Ảnh: Nguyệt Minh

Theo điều tra của Bộ Y tế, ở trẻ em tuổi mẫu giáo, thực trạng nhiễm giun ở trẻ 2-5 tuổi rất đáng báo động, tại Nghệ An tỷ lệ nhiễm giun lên tới gần 80%. Tỷ lệ nhiễm chung ở trẻ 2-5 tuổi là 34%. Tỷ lệ nhiễm giun cao có liên quan mật thiết với các yếu tố như: Điều kiện địa lý khí hậu và môi trường, thói quen và hành vi vệ sinh kém. Việc xây dựng một chương trình phòng chống các bệnh giun truyền qua đất trong cộng đồng và trường học, đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non và học sinh tiểu học đã trở thành vấn đề cấp bách và cần thiết trong hoạt động y tế và chăm sóc sức khoẻ ban đầu. 

Nhằm góp phần phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc phòng chống các bệnh giun truyền qua đất, cải thiện sức khỏe người dân, từ tháng 3/2015, Bộ Y tế triển khai Dự án “Phòng chống các bệnh giun truyền qua đất thông qua cải thiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân tại một số tỉnh Việt Nam”, trong đó có Nghệ An. Theo đó, dự án thực hiện các hoạt động phòng chống giun sán, giáo dục sức khỏe trong trường học và thay đổi hành vi ở học sinh tiểu học, tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện thể chất và tinh thần, có sức khỏe tốt để học tập. 

Dự án tập trung vào các hoạt động tập huấn cho các cán bộ thực hiện cấp phát thuốc tẩy giun cho học sinh. Mục đích của các buổi tập huấn này nhằm cung cấp các thông tin về dự án và hướng dẫn chi tiết cho các cán bộ thực hiện chương trình các cấp cách thức triển khai thực hiện chương trình.

Hướng dẫn cách xử lý các tác dụng không mong muốn trong quá trình thực hiện tẩy giun hàng loạt cho học sinh tiểu học tại địa bàn các xã triển khai dự án. Ngoài ra, dự án tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng truyền thông phối hợp với các lớp tập huấn về phòng chống giun sán nhằm nâng cao các kỹ năng về truyền thông thay đổi hành vi cho cán bộ thực hiện công tác truyền thông tại tuyến xã; như kỹ năng: Thảo luận nhóm, kỹ năng thăm hộ gia đình, tổ chức các cuộc họp thôn…

Dự án tiến hành tẩy giun hàng loạt (MDA) cho toàn bộ học sinh tiểu học tại 4 tỉnh bao gồm: Nghệ An, Hòa Bình, Phú Thọ và Thanh Hóa. Ước tính trên 905 nghìn trẻ từ 2.634 trường mầm non và tiểu học được nhận thuốc tẩy giun thông qua chương trình. Việc tẩy giun hàng loạt sẽ được tổ chức 6 tháng/lần và diễn ra tổng cộng 6 lần trong 3 năm thực hiện dự án (từ năm 2015 đến năm 2018). Dự án sẽ sử dụng thuốc Albendazole 400mg và Mebendazole 500mg làm thuốc tẩy giun. Trong ngày tẩy giun diễn ra tại trường, cán bộ y tế xã sẽ trực tiếp phát thuốc tẩy giun cho học sinh tiểu học. Với đối tượng trẻ mầm non, ngày tẩy giun sẽ được tổ chức tại Trạm Y tế xã thông qua các chương trình dinh dưỡng hoặc các chương trình khác.

Bên cạnh việc phát thuốc tẩy giun định kỳ, dự án sẽ tiến hành các can thiệp nhằm nâng cao kiến thức về các hành vi vệ sinh, góp phần thay đổi ý thức, hành vi vệ sinh cá nhân cho học sinh; từ đó giảm tỷ lệ tái nhiễm giun ở trẻ em. Cùng với đó, dự án sẽ hỗ trợ kinh phí cho một số trường học để cải tạo, sửa chữa bếp ăn cho học sinh tiểu học và khu vực rửa tay với xà phòng tại khu vệ sinh, nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh. Các trường được lựa chọn để hỗ trợ sẽ do Tổ chức EMW phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh dự án lựa chọn theo các tiêu chí của tổ chức EMW đề ra. 

Ngoài ra, dự án sẽ hỗ trợ kinh phí để các tỉnh triển khai các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi vệ sinh cho cộng đồng. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và phát các phóng sự truyền thông về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống các bệnh giun truyền qua đất qua hệ thống loa phát thanh hoặc truyền hình; xây dựng các cụm pano áp phích truyền thông; tổ chức các cuộc thi tuyên truyền về phòng chống giun sán trong trường học. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh phối hợp với các đoàn thể khác để thực hiện các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng thông qua các buổi họp thôn, họp lồng ghép về vấn đề vệ sinh phòng bệnh; tổ chức các buổi thăm hộ gia đình…

Dự án được triển khai từ tháng 3/2015 đến nay đã mang lại những kết quả khả quan. Các cán bộ tham gia dự án được trang bị các kỹ năng về tuyên truyền, vận động cộng đồng nhằm thay đổi các hành vi ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân. Ngoài ra, các hoạt động cũng như kết quả của dự án, góp phần nâng cao được nhận thức của người dân về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ, khống chế dịch bệnh, tác động đến việc thay đổi hành vi, tập quán không có lợi cho sức khỏe.

Đồng thời, dự án còn hỗ trợ tẩy giun định kỳ cho trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học trên địa bàn các tỉnh triển khai dự án; hỗ trợ xây dựng công trình nhà vệ sinh và cung cấp trang thiết bị rửa tay tại một số trường tiểu học; giúp các em học sinh hình thành các thói quen có lợi cho sức khoẻ. Dự án còn tiến hành các can thiệp về vệ sinh nhằm nâng cao kiến thức về các hành vi vệ sinh thông qua gói can thiệp như: Bộ truyện tranh về các thông điệp truyền thông, giáo trình giáo dục vệ sinh thông qua các trò chơi, video và xà phòng rửa tay kèm theo đồ chơi. Những biện pháp này sẽ góp phần thay đổi hành vi vệ sinh của các em học sinh tiểu học, đồng thời góp phần thay đổi nhận thức và hành vi vệ sinh của các thành viên trong gia đình của các em.   

Thời gian tới, Ban Điều hành dự án tuyến tỉnh, huyện, xã sẽ được thành lập hoặc kiện toàn dựa trên các ban điều hành sẵn có về công tác phòng chống dịch để đảm bảo việc thực hiện tốt các hoạt động của dự án; quản lý, điều phối, giám sát và phối hợp chặt chẽ với các hội, ban, ngành, đoàn thể khác như: Hội Phụ nữ, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc … để triển khai tốt các hoạt động của dự án. 

Nguyệt Minh

TIN LIÊN QUAN