Dự hội thảo có: Bác sĩ CKII Phạm Tuấn Dương - Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia; TS.BS Đậu Huy Hoàn - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An; ông Phạm Xuân Thạch - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nghệ An; Bác sĩ CKII. Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu Nghệ An và đông đảo cán bộ lãnh đạo của các đơn vị.
Theo báo cáo tại hội thảo, cùng với sự phát triển của ngành Y, công tác an toàn truyền máu của tỉnh nhà đã từng bước nâng cao. Hiện trung tâm đã đưa công nghệ NAT (Nucleotid Acid Testing) vào sàng lọc máu, đảm bảo 100 đơn vị máu/chế phẩm máu được xét nghiệm bằng công nghệ cao trước khi truyền cho người bệnh; vươn lên để tiến kịp sự phát triển của chuyên ngành Huyết học và Truyền máu trên cả nước.
Trung tâm Huyết học và Truyền máu Nghệ An đã xây dựng ngân hàng máu đạt chuẩn, cung ứng cho các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Nghệ An và một phần cho Hà Tĩnh. Lượng máu trung tâm tiếp nhận được ngày càng tăng cao, năm 2018, 2019 tiếp nhận được gần 35,000 đơn vị máu/năm; sản xuất cung ứng gần 60.000 đơn vị máu/chế phẩm máu; Công tác tổ chức hiến máu tình nguyện và chăm sóc người hiến máu được nâng cao, tuân thủ quy định của Nhà nước.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, tháo gỡ những vấn đềvướng mắc trong công tác xây dựng nguồn máu, tình trạng thiếu máu cục bộ; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu hiến máu tình nguyện; sử dụng, điều tiết nguồn máu/chế phẩm máu hợp lý, an toàn để phục vụ nhu cầu bệnh nhân …
Phát biểu tại hội thảo, Bác sĩ CKII Phạm Tuấn Dương - Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia nhấn mạnh nội dung quản lý Nhà nước trong hoạt động truyền máu, yêu cầu các bệnh viện, trung tâm tuân thủ thực hiện Thông tư 26/2013/TT-BYT của Bộ Y tế; đặc biệt chú trọng công tác xét nghiệm sàng lọc trong hiến máu cấp cứu - đây là việc làm rất khó khi không có máu dự trữ, nhất là các bệnh viện tuyến huyện xa trung tâm truyền máu; đồng thời chia sẻ một số kinh nghiệm của Viện trong việc điều tiết nguồn máu trong thời điểm nhạy cảm (hè và Tết) và một số định hướng phát triển chuyên ngành Huyết học và Truyền máu Nghệ An.
Trong khuôn khổ hội thảo, các cán bộ y tế cũng đã được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các triệu chứng, biến chứng, nguyên tắc điều trị và các phương pháp phòng bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia). Hiện nay Nghệ An là địa bàn có tỷ lệ cao người mang GEN bệnh, bởi vậy cần nâng cao nhận thức phòng bệnh, chẩn đoán sớm để phát hiện và điều trị kịp thời.