(Baonghean.vn) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 vào sáng 11/7.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tại Nghệ An có đại diện Sở Tư pháp, TAND, VKSND, Công an tỉnh, Ban Nội chính, Sở Nội vụ... Đồng chí Hoàng Quốc Hào – Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì.

6 tháng đầu năm, Bộ, Ngành Tư pháp đã khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đề ra. Một số mặt công tác có chuyển biến tích cực và đạt hiệu quả cao như tình trạng nợ đọng văn bản được giảm thiểu, việc thực hiện thẩm định VBQPPL đảm bảo tiến độ; công tác hành chính tư pháp, nhất là triển khai Luật Hộ tịch bước đầu đạt hiệu quả, kịp thời phục vụ nhân dân..

images1615866__nh_h_i_ngh__1.gifCác đồng chí chủ trì điểm cầu Nghệ An.

Cũng tại hội nghị, Bộ Tư pháp đánh giá, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật, pháp lệnh đã có hiệu lực chưa được giải quyết có hiệu quả. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn mang nặng tính hình thức, một số nội dung còn dàn trải, chưa đúng trọng tâm; các địa phương còn lúng túng trong việc giải quyết hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Việc thực hiện xử lý văn bản QPPL có dấu hiệu trái luật còn đối phó, chưa được giải quyết dứt điểm; cải cách hành chính chưa đảm bảo tiến độ...

Tại Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm, công tác Tư pháp đạt được nhiều kết quả trên tất cả các lĩnh vực. Chất lượng xây dựng văn bản QPPL ngày càng được nâng cao; Thực hiện tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính ở các ngành, các cấp; công khai bộ thủ tục hành chính; rà soát, giảm bớt các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và công dân trong quá trình làm việc. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc triển khai tổ chức tốt các đề án PBGDPL của Trung ương, của tỉnh đã từng bước tạo được hiệu ứng tốt về việc người dân “Ứng dụng pháp luật” trong đời sống nhân dân.

Công an Tương Dương tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: N.Khoa

Tuy nhiên, công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL vẫn còn một số bất cập, vẫn còn tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật, cán bộ, cơ quan tham mưu chưa chú trọng đầu tư trong quá trình xây dựng dự thảo; việc rà soát, công bố thủ tục hành chính chưa kịp thời, việc thực thi thủ tục hành chính tại một số cơ quan hành chính nhà nước chưa nghiêm, sự phối hợp giữa các ngành với cơ quan tư pháp chưa cao, một số ngành vẫn còn xem công tác này là nhiệm vụ của riêng ngành Tư pháp

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại nêu trên là do số lượng, khối lượng nhiệm vụ bổ sung của ngành Tư pháp tương đối nhiều, không gắn liền với công tác bổ sung biên chế và các nguồn lực khác để đảm bảo thi hành hiệu quả. Tính chủ động trong việc triển khai công tác tư pháp của một số huyện chưa cao; vẫn còn một số bộ phận lãnh đạo các huyện, ngành chưa coi trọng công tác Tư pháp.

Kiểm tra, thẩm định văn bản QPPL tại Sở Tư pháp.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã có ý kiến xung quanh việc triển khai nhiệm vụ của ngành còn nhiều bất cập; việc triển khai các phần mềm còn hạn chế, cán bộ làm công tác Tư pháp còn thiếu, trong khi khối lượng công việc nhiều, phức tạp dẫn đến hiệu quả công việc chưa còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các đơn vị của Bộ và các địa phương còn thiếu chủ động, hiệu quả chưa cao.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao những kết quả mà toàn ngành Tư pháp đạt được trong thời gian qua. Đối với ý kiến các địa phương, đồng chí đề nghị tổng hợp để có trả lời, giải đáp cụ thể; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vưỡng mắc cho các địa phương.

Về nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm, đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị các đơn vị, ngành cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng trong công tác ban hành văn bản QPPL, tránh mắc phải những sai sót như trong thời gian qua. Đối với công tác thi hành án phải cố gắng giải quyết các vụ việc tồn đọng, trọng điểm, phức tạp, kéo dài, tăng cường áp dụng CNTT trong thi hành án; phải làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra; giảm các cuộc họp, báo cáo... để dành thời gian hơn nữa nâng cao hiệu quả công tác, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và ổn định tình hình đất nước.

Phạm Bằng

TIN LIÊN QUAN