Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua đã nhận được một lượng lớn đơn của người tiêu dùng khiếu nại về việc bị lừa khi mua hàng qua điện thoại.
Cụ thể, theo phản ánh, nhân viên một công ty gọi điện cho người tiêu dùng thông báo về việc trúng thưởng một phiếu mua hàng trị giá 5 triệu đồng và có thể sử dụng để mua sản phẩm điện thoại Samsung Galaxy A8 với giá trên 8,5 triệu (người mua phải trả phần còn lại là trên 3,5 triệu).
Tuy nhiên, đến khi nhận hàng, người tiêu dùng phát hiện ra sản phẩm là điện thoại MIQ A8 với giá trị rất thấp (giá thị trường chỉ khoảng một triệu đồng). Khi khách hàng phát hiện và phản ánh việc sản phẩm khác với thông tin ban đầu thì công ty từ chối việc đổi hàng, hoàn tiền và cũng như không thừa nhận nội dung đã quảng cáo mà cho rằng do người tiêu dùng đã nghe nhầm.
Cục Quản lý Cạnh tranh cho rằng, trong các vụ việc nêu trên có một số đặc điểm đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, thông qua điện thoại, nhân viên các công ty này thường thông báo người tiêu dùng trúng thưởng phiếu mua hàng do là một trong 50 khách hàng may mắn hoặc nhân dịp 5 năm thành lập công ty… Nhân viên công ty sau đó sẽ khuyến khích, thuyết phục người tiêu dùng sử dụng phiếu mua hàng đó để mua sản phẩm. Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết, các vụ việc đã tiếp nhận thì thường là điện thoại nhưng hình thức này có thể biến tướng với sản phẩm khác.
Thứ hai, sản phẩm được áp dụng phiếu mua hàng thường là điện thoại của các hãng lớn, có giá trị cao. Trong khi sản phẩm nhận được là điện thoại giá trị rất thấp và có tên gọi gần giống với điện thoại được đại diện công ty tư vấn. Trong quá trình giới thiệu, nhân viên công ty sẽ cố ý đưa thông tin để người tiêu dùng nhầm lẫn và cho rằng mình sẽ được mua sản phẩm của hãng danh tiếng với giá trị rất thấp do đang được hưởng ưu đãi, khuyến mại.
Thứ ba, sản phẩm được giao qua đường bưu điện qua hình thức "thu tiền khi nhận hàng” (COD – cash on delivery) với điều kiện chỉ được mở xem hàng sau khi đã thanh toán tiền. Như vậy, người tiêu dùng sẽ không có điều kiện kiểm tra sản phẩm mà thường sẽ chỉ nhận ra mình bị lừa khi đã trả tiền và nhận hàng. Trong phương thức giao hàng này, bản thân người cung cấp dịch vụ giao hàng – nhận tiền cũng không phải là nhân viên công ty, do đó người tiêu dùng cũng không thể khiếu nại, phản ánh trực tiếp kể cả trong trường hợp phát hiện sự sai lệch ngay khi nhận hàng.
Thứ tư, khi người tiêu dùng phản ánh và yêu cầu được hoàn lại tiền, công ty thường đưa ra lý do khách hàng hiểu nhầm ý của nhân viên tư vấn. Ví dụ, nhân viên tư vấn nói khách hàng có thể mua điện thoại sử dụng công nghệ của Samsung Galaxy A8… Đây cũng là điều gây khó khăn cho người tiêu dùng vì các tư vấn của nhân viên công ty được thực hiện qua điện thoại và không được ghi hoặc lưu lại theo bất kỳ định dạng nào.
Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, liên quan đến các giao dịch tương tự (mua hàng từ xa, mua hàng trên truyền hình, mua hàng qua điện thoại…), Cục Quản lý Cạnh tranh khuyến cáo người tiêu dùng một số điểm như tìm hiểu các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch mua bán hàng hóa dịch vụ nói chung và giao dịch trực tuyến, từ xa nói riêng.
Đồng thời, người mua hàng cần tìm hiểu về công ty đó qua các cơ quan quản lý, báo chí, mạng internet, người thân… Hạn chế giao dịch với những công ty không có thông tin hoặc thông tin xấu về lịch sử giao dịch.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần tìm hiểu về hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, có sự đối chiếu, kiểm tra khi thấy có sự chênh lệch quá lớn giữa giá bán và giá trị hàng hóa. Ngoài ra, Cục cũng cho biết, người tiêu dùng cần lưu giữ các chứng cứ liên quan đến giao dịch. Ví dụ ghi âm cuộc thoại hoặc yêu cầu nhân viên công ty gửi các thông tin về giao dịch như tên và hình ảnh hàng hóa, giá bán, điều kiện giao dịch…
"Khi cho rằng quyền và lợi ích bị xâm phạm, người tiêu dùng cần liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được tư vấn, hỗ trợ", Cục Quản lý Cạnh tranh lưu ý.
Theo VnE