(Baonghean) - Lâu ngày gặp lại, thấy bạn già đi trông thấy, tôi liền hỏi:

- Nghe nói mới được bổ nhiệm chánh văn phòng, chắc là lo phục vụ lãnh đạo vất vả quá hay sao mà xuống “mã” thế?

Như chạm vào nỗi ấm ức lâu nay, bạn tôi liền nói:

- Làm cái anh chánh văn phòng, chuyên môn thì không lo, lo nhất là khoản tiếp khách. Mà chán nhất là khách chẳng ra khách?

Nghe bạn nói thế, tôi lấy làm lạ liền hỏi: Thế nào là khách chẳng ra khách?

- Bạn tôi trầm ngâm một lúc rồi trả lời: Lấy một ví dụ thế này cho dễ hiểu nhé! Hôm chủ nhật vừa rồi, mình đang nghỉ ngơi sau một tuần làm việc căng thẳng thì nhận được điện thoại của một vị cơ quan cấp trên gọi, bảo có đoàn công tác đi “nắm tình hình”, đề nghị văn phòng chuẩn bị tiếp cơm trưa 4 người, rồi bố trí chỗ nghỉ, và có quà nữa thì tốt. Đến khi đoàn lên, ngoài vị cán bộ của cơ quan cấp trên, còn lại toàn là những người lạ hoắc. Hỏi ra thì biết một người làm nghề tự do, một người là doanh nghiệp tư nhân, người còn lại là thầy giáo dạy lái xe ở một trường học lái.

- Bảo đoàn công tác lên “nắm tình hình”, té ra là mấy anh đi học lái xe rồi đi qua yêu cầu đơn vị ông bố trí ăn nghỉ chứ gì?

- Thế mới gọi là khách không phải khách. Khổ nỗi khi gọi điện đến họ bảo là đi “nắm tình hình”.

Khi biết rồi thì phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chứ chẳng lẽ chối!

- Ừ nhỉ!

- Chưa hết đâu. Đó là đi học lái, chứ đến khi học xong rồi, cứ ngày nghỉ lại thuê xe đi chỗ này chỗ nọ để lái xe, nhưng lại gọi điện đến trước yêu cầu bố trí tiếp đoàn công tác đi “nắm tình hình”. Mệt lắm bạn ạ!

- Thế ngoài ra còn có kiểu đi “nắm tình hình” nào nữa không?

- Vừa rồi còn có chuyện cười ra nước mắt. Đó là một cơ quan báo chí phát hiện ra một tốp cán bộ một địa phương cứ ngày nghỉ là xuống “nắm tình hình” để hiểu dân, giúp dân, bèn cử phóng viên xuống để viết bài về gương điển hình dân vận. Nhưng phóng viên xuống thì về không viết được.

- Sao thế?

- Khi phóng viên xuống mới biết té ra đó là nhóm những người có gia đình ở xa. Ngày nghỉ buồn, nên gọi một số đơn vị cấp hai bố trí để xuống “nắm tình hình”, kỳ thực là xuống để đàn đúm rượu chè, có khi còn có “tú lơ khơ” giắt túi để sát phạt. Thế thì viết bài biểu dương sao nổi, nếu biểu dương hóa ra là lừa dân, lại tiếp tay cho cái xấu. Nói ra hay là không nói ra thôi, chứ cứ “nắm tình hình” kiểu đó thì ai mà ưa được, riêng mình thì vừa khiếp, vừa ngán lắm rồi!

Thì ra là bạn tôi vất vả và già đi là vì những kiểu “nắm tình hình” như vậy. Chia sẻ với bạn, tôi còn biết thêm rằng có một số cán bộ, khi đương chức đương quyền thì quan liêu, xa dân, không chịu về cơ sở, ngại tiếp xúc cơ sở. Đến khi về hưu thì hầu như năm nào cũng yêu cầu tạo điều kiện riêng để xuống cơ sở “nắm tình hình” vài lần, mỗi lần mấy ngày, có khi cả tuần. Thậm chí còn mang theo cả bạn bè, vợ con.

Thiết nghĩ, cán bộ luôn nên đi cơ sở, phải hiểu cơ sở, gần gũi và sâu sát để nắm tình hình cơ sở, gần dân, hiểu dân, từ đó tham mưu các cơ chế, chính sách phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đồng thời phải gần dân để tìm ra cách giải quyết các vụ việc nổi cộm, bức xúc, hạn chế yếu kém kéo dài mà dân quan tâm. Đó cũng là một trong những giải pháp để đổi mới và tăng cường công tác dân vận trong tình hình mới.

Còn nếu lợi dụng cái gọi là “đi cơ sở”, “nắm tình hình” để làm phiền cơ sở, gây tốn kém và lãng phí cho cơ sở là hoàn toàn không nên. Bởi nếu đi không đúng đối tượng, thành phần, thời gian, nội dung công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã quy định, thì còn gây khó khăn cho cơ sở về việc đảm bảo chi tiêu đúng nguyên tắc tài chính, đẩy cơ sở vào việc phải làm sai, làm khống để hợp lý hóa các khoản chứng từ thanh toán. Điều này nói thẳng, nói thật với khách cũng rất khó, bởi khách đi “nắm tình hình” cơ mà!


Ngô Kiên