(Baonghean) - Hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình của làng quê từ lâu đã thấm đẫm tâm hồn mỗi người dân xứ Nghệ. Để rồi mỗi lần xa quê, đọng lại trong ký ức tuổi thơ là những lần ngồi ngóng mẹ về dưới gốc đa đầu làng, là đêm trăng thanh gió mát lén theo chị ra sân đình mong được thưởng thức làn điệu dân ca, là những lúc buồn phiền tìm về chốn linh thiêng trong tiếng chuông chiều tĩnh lặng...
Ai đã từng có dịp về Bắc Sơn - Vân Diên - Nam Đàn mới thấy được những nét cổ kính mà không phải làng quê xứ Nghệ nào cũng may mắn có được: Ở đó có những con đường vừa phải, cong cong rợp bóng cây xanh của sơn trà, mít, xoài, gạo; ở đó có tới 8 cái ao làng chỉ trong vòng bán kính hơn 1km, đặc biệt Bắc Sơn còn lưu giữ được cụm di tích có cả đình, đền, chùa và giếng chùa.
Làng Văn hóa Bắc Sơn, xã Vân Diên - Nam Đàn.
Theo cụ từ Bùi Bá Đào (năm nay 80 tuổi) người trông coi đền Đức Ông thì hiện trong làng có 5 di tích: Đình Đức Nậm, chùa Đức Sơn, đền Đức Ông, đền Thánh Mẫu và giếng chùa. Mỗi di tích đều mang một nét kiến trúc riêng: Ví như đền Nậm Sơn hay còn gọi là đền Đức Ông là nơi thờ Thượng tướng Nậm Sơn - vị tướng giỏi của Mai Thúc Loan. Kiến trúc đền gồm có 2 toà: bái đường và hậu cung, được bố trí theo kiểu chữ “Đinh”, kết cấu theo kiểu “giá chiêng”, “tiền trụ”.
Nhà hậu cung là nơi thờ tướng Nậm Sơn, nhà bái đường là nơi thờ cộng đồng, các lính của ông và cũng là nơi chuẩn bị hành lễ. Hay như chùa Đức Sơn còn gọi là Đức Sơn tự, có tên nôm là chùa Nầm được xây dựng từ thời Trần - là một trong những ngôi chùa cổ nhất xứ Nghệ. Đặc biệt chùa Đức Sơn là còn lưu giữ được chuông chùa có kiểu dáng thời Lê, bộ tượng pháp độc đáo, tiêu biểu cho tượng pháp chùa Việt, bộ Tam Thế với 3 pho tượng bằng nhau về kích cỡ, giống nhau về kiểu dáng, có chiều cao 1,2m toạ trên đài sen được tạo tác bằng gỗ mít rất công phu.
Ngoài ra, ở đây còn lưu giữ 210 bản gỗ khắc Kinh dùng để in ấn thành sách truyền bá đạo Phật. Trên bề mặt các bản khắc hình đức Phật, Bồ Tát và kinh bằng chữ Hán. Theo các nhà nghiên cứu thì những bản khắc gỗ này có từ thời Nguyễn trong thời gian vua Tự Đức trị vì…Hiện các di tích này đều đã được xếp hạng cấp quốc gia. Mỗi di tích đều có một ban quản lý riêng trông coi việc thờ cúng, tổ chức các ngày lễ hội.
Ông Lương Xuân Sơn - người dân làng Bắc Sơn phấn khởi: “Thể theo nguyện vọng của nhân dân, các di tích của làng ngày càng đẹp hơn nhờ được sửa chữa, nâng cấp thường xuyên bằng tiền công đức, bằng sự đóng góp của nhân dân. Đáng mừng là năm vừa qua giếng chùa được khôi phục lại trên nền đất xưa. Hiện chúng tôi còn băn khoăn bởi đình Đức Nậm - nơi thờ Thành hoàng làng đang bị xuống cấp, có lẽ thời gian tới phải huy động sức dân thôi. Bởi vẻ đẹp linh thiêng của những ngôi đình cổ kính sẽ là vẻ đẹp vĩnh hằng của một làng quê, của một xứ sở và của dân tộc Việt Nam mà mỗi người dân chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ”.
Chia tay Bắc Sơn trong tiếng chuông chiều vọng ra từ chùa Đức Sơn, chúng tôi tìm về làng Khánh Trung (Nghi Khánh) - một trong những làng văn hóa đầu tiên của huyện Nghi Lộc - hiện vẫn lưu giữ được giếng làng cổ có từ xa xưa.
Không ai nhớ rõ giếng Mỏ Phượng của làng có từ bao giờ, chỉ biết chắc một điều rằng: cái giếng cổ ấy đã là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho cả một vùng làng Ngâm (gồm 4 làng: Khánh Đông, Khánh Thịnh, Khánh Trung và Khánh Đền) thời kỳ ấy. Trong trí nhớ của bác Võ Mạnh Khởi (70 tuổi) người dân làng Khánh Trung: Giếng làng hồi đó còn là nơi giao lưu, hẹn hò của đám thanh niên, là nơi trẻ con nô đùa, vì bên cạnh giếng có cây đa cổ thụ.
Giếng Mỏ Phượng - Làng Văn hóa Khánh Trung, xã Nghi Khánh (Nghi Lộc).
Lên 13 tuổi, bác Khởi đã dậy từ 2 - 3h sáng đi gánh nước giúp cha mẹ vì đi giờ đó vắng người hơn, nếu đi muộn phải xếp hàng quá trưa mới đến lượt mình. Nước giếng trong và mát lắm, nấu chè xanh ngon hơn cả dùng nước mưa. Giếng làng sâu hơn 2,5m, đường kính mặt giếng từ 2,5 - 3m, giếng được làm hoàn toàn bằng đá cuội xếp đều đặn xung quanh dày từ 30 - 50 phân, đặc biệt, dưới đáy giếng được lát một tấm gỗ dày, hiện nay vẫn còn.
Trước năm 1962, giếng làng là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân, sau năm 1962 chỉ còn vài chục hộ đến gánh nước, chỉ đến năm 1971 thì không ai đến gánh nước nữa vì người dân nhà nào nhà nấy đều đã đào giếng riêng.
Cùng với thời gian, mặt trên của giếng ngày một nứt nẻ, nền giếng bị xói mòn, cây cối mọc um tùm, người dân làng Khánh Trung đi qua về lại thấy trăn trở... Trong rất nhiều cuộc họp của làng, bác Khởi - lúc đó đang là bí thư chi bộ đã nói lên những nỗi niềm của mình rằng, cần phải khôi phục lại giếng để gìn giữ những di tích xưa cũ của làng cho con cháu mai sau hiểu được làng Khánh Trung xưa ra sao và nay phát triển như thế nào. Không ngờ ý kiến của bác được bà con hết sức ủng hộ.
Năm 2007, bác Khởi đứng ra huy động: nhà ít 50 ngàn đồng, nhà có điều kiện thì 500 ngàn đồng, 1 triệu đồng, tổng cộng được 18 triệu đồng. Giữa năm 2007, cả làng Khánh Trung chộn rộn như có lễ lớn: Thanh niên, trẻ nhỏ, người già đều có mặt cùng chung tay khôi phục lại giếng làng. Chỉ trong một tuần, giếng làng đã được sửa sang lại theo đúng nguyên mẫu ban đầu: có bờ bao chắc chắn xung quanh, nền giếng được lát bằng gạch đỏ… Đặc biệt, bên cạnh giếng còn xây một tấm bia lớn có khắc dòng chữ: Di tích giếng Mỏ Phượng.
Qua anh Tịnh - cán bộ văn hóa xã được biết: Khánh Trung là một trong những làng được vinh dự đón nhận Làng Văn hóa đầu tiên của huyện Nghi Lộc. Trong tất cả các phong trào do huyện, xã phát động, Khánh Trung luôn gương mẫu đi đầu. Năm 2012, tỷ lệ gia đình văn hóa của làng đạt 94%. Phát huy truyền thống hiếu học của làng, hàng năm trung bình có từ 3 - 4 em đậu đại học. Cùng với Khánh Trung, hiện trên địa bàn xã Nghi Khánh có 2 giếng của các làng Khánh Tân, Long Đông cũng được nhân dân ủng hộ vật chất, ngày công khôi phục, trả lại nét đẹp văn hóa làng xưa.
Ngoài khôi phục giếng làng, trong những năm qua, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân, Nghi Khánh đã khôi phục lại cụm di tích đền Cửa và mộ Tướng quân Ninh Vệ. Đền được xây dựng từ thời nhà Trần để thờ Mẫu Âu Cơ, Cao Sơn, Cao Các, Tam Tòa Thánh Mẫu và thờ các nhân vật nổi tiếng của dân tộc và địa phương như: Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Tướng quân Ninh Vệ, Quận công Nguyễn Cảnh Quế, nho sư Phùng Thời Tá. Đền có 3 tòa: Hạ điện, Trung điện và Thượng điện được xây ở vị trí đẹp, quay mặt hướng Đông Nam, trên thế đất hình chim phượng. Bao bọc xung quanh là làng mạc và khu dân cư đông đúc. Theo thời gian, đền bị xuống cấp, năm 2003, đền đã được tu bổ, xây dựng lại khang trang bằng nguồn ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp. Từ năm 2010, Lễ hội Đền Cửa được phục hồi và thu hút đông đảo nhân dân và du khách trong và ngoài huyện tham gia. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày 2 đến 4/3 âm lịch.
Ông Nguyễn Đình Sửu - Chủ tịch UBND xã Nghi Khánh phấn khởi: Chủ trương xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng, hợp lòng dân với mong muốn đời sống nông nghiệp, nông thôn sẽ tiến kịp thành thị, thành phố. Thế nhưng cuộc sống của người dân nông thôn khác với đô thị, nói đến nông thôn phải có chùa, có đền, có lùm tre, bờ ao, giếng làng… vì thế trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, xã chủ trương nghiên cứu cụ thể từng vùng, từng miền có những đặc điểm khác nhau để làm thế nào vừa giữ được dáng dấp của làng quê, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển đi lên cùng các địa phương khác trong huyện, trong tỉnh.
Trăn trở của ông Sửu cũng đang là mục tiêu của nhiều địa phương trong tỉnh đang hướng đến. “Bởi nói gì thì nói, làm gì thì làm, dù có đổi mới như thế nào đi chăng nữa thì không gian ấy, làng quê ấy phải thuộc về người nông dân, do người nông dân làm chủ” - đó là tâm sự của bác Vương Trường Thu - Bí thư kiêm xóm trưởng Làng Văn hóa Bắc Sơn, xã Vân Diên (Nam Đàn).
Với những người nông dân như bác Thu, ông Sửu, bác Khởi, mỗi gốc đa, sân đình... đều gắn với rất nhiều thăng trầm lịch sử của làng, để rồi trong tâm thức của người đi xa mỗi lần nghĩ về làng lại thấy đau đáu, còn người ở lại thấy mình cần có trách nhiệm hơn trong gìn giữ, phát huy.