(Baonghean) - Phải gánh chịu bao nỗi thiệt thòi bởi đói nghèo và số phận thiếu may mắn, những em nhỏ vùng rẻo cao Tương Dương vẫn có được niềm vui cắp sách đến trường, dẫu chưa được trọn vẹn...

Gánh nặng người mẹ

Chúng tôi dừng chân ở bản Na Tổng, xã Tam Thái (Tương Dương), ghé thăm gia đình em Lê Thị Phương Uy (SN 2004), học sinh lớp 8. Ngôi nhà rộng chừng 30 m2 nằm giữa bản, được xây dựng từ  kinh phí của Nhà nước qua chương trình 167 (xóa nhà tranh tre tạm bợ). Phương Uy bước sang tuổi 13 nhưng thân hình nhỏ thó như mới lên 8, da sẻ lại xanh xao, ốm yếu, hàng ngày phải chăn bò giúp mẹ.

Hôm ấy, anh Lê Ngọc Thông (bố của Phương Uy) đang về quê Quỳnh Lưu chữa bệnh, chị Cao Thị Nhung (vợ anh Thông) đang lên rừng lấy củi. Uy kể: “Nhà có 3 chị em gái, chị đầu học Sư phạm Mầm non ở Hà Nội, chị thứ hai vừa tốt nghiệp THPT cũng đang muốn theo học ngành Sư phạm. Bố quanh năm đau yếu, không làm được gì, mọi việc đều dồn lên vai của mẹ”.

images1986588_hoc_sinh_ngheo_1.jpgNiềm vui của Lê Thị Phương Uy khi được tặng bộ sách mới. Ảnh: Công Kiên

Một lúc sau, chị Nhung bước chân vào cổng với bế củi nặng trĩu trên vai. Vóc dáng gầy nhom, ánh mắt mệt mỏi, chị nói trong hơi thở dồn dập: “Buổi sáng đi làm đồng, gần trưa lên rừng lấy củi về bán để có tiền chi tiêu hàng ngày. Một mình gồng gánh nuôi 3 con ăn học, rồi thuốc thang cho chồng, có lúc tôi nghĩ mình không thể đủ sức...”.

Chị Nhung hết mực thương yêu các con, nhất là con gái út Phương Uy, bởi từ khi lọt lòng đã thiếu cái ăn, người cứ gầy tong teo. Năm học này Uy lên lớp 8, bạn bè trong làng đã được bố mẹ sắm sửa sách vở, cặp, quần áo mới, Uy chỉ mới có bộ sách giáo khoa của một người bác họ vừa gửi cho.

Mấy hôm nay, chị Nhung cố gắng lấy thêm nhiều củi về bán để sắm cho con bộ quần áo mới. Thấy mẹ quá vất vả, Uy động viên: “Con có sách mới là được rồi, quần áo mới chờ đến tết cũng được”. Gia cảnh khó khăn, cuộc sống thiếu thốn nhưng Phương Uy rất chăm chỉ học hành, năm học nào em cũng được nhận giấy khen.

Chị Cao Thị Nhung bên con gái và những đứa cháu đang cưu mang. Ảnh: Công Kiên

Ngoài các thành viên trong gia đình, ngôi nhà nhỏ của chị Nhung còn là chốn cưu mang ba đứa cháu nhỏ của hai người em gái. Đó là Kha Thị Linh Đan (SN 2004)- con gái của chị Cao Thị Thân, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ phải đi làm xa để kiếm sống. Là Cao Bảo Trân (SN 2009) và Cao Việt Trung (SN 2013) - con của chị Cao Thị Tý – người mẹ đơn thân, hiện nay đang làm công nhân ở Bắc Ninh.

Năm học mới này, Linh Đan lên lớp 8, Bảo Trân lớp 3 và Việt Trung học mầm non. Tiền chu cấp tháng có, tháng không, gánh nặng chi tiêu lại đè lên đôi vai của chị Cao Thị Nhung. Cái ăn, cái mặc hàng ngày đã mướt mồ hôi, lại còn lo cả việc học cho bọn trẻ. Chị chia sẻ: “Vừa nhắn tin cho mẹ của chúng gửi tiền về sắm sách vở, quần áo để đến trường đầu năm học mới, nếu không có thì mình cũng phải lo, vì cháu cũng như con vậy...”.

Những đứa trẻ thiếu may mắn

Từ Na Tổng, chúng tôi ngược lên Tân Hợp, men theo một lối mòn lên đỉnh núi – nơi có ngôi nhà của gia đình em Lê Quốc Khánh (SN 2004). Chỉ một mình Khánh ở nhà ngồi bên bếp lam mấy ống măng chua. Bố mẹ lên rẫy từ sáng sớm, chị gái vừa tốt nghiệp THPT đã ra Hà Nội tìm việc làm.

Ngôi nhà của gia đình Khánh lợp pờ-rô xi măng, vách thưng bằng tre nứa, nền vẫn còn phải làm bằng đất, cái đói cái nghèo như hiện hữu khắp mọi nơi. Khánh kể, bố mẹ em rất vất vả, quanh năm mải miết với nương rẫy, từ nhà đến rẫy xa hơn 10 cây số nên phải đi từ khi mặt trời chưa dậy, trở về khi mặt trời đã ngủ từ lâu.

Lê Quốc Khánh tranh thủ lam măng chua bán kiếm tiền mua sách vở. Ảnh: Công Kiên

Nhìn khắp căn nhà, tuyệt nhiên không thấy một cuốn sách, quyển vở nào mới, khi được hỏi, đôi mắt Khánh chợt rưng rưng: “Hôm trước, bố mới mua cho em cái bút mới, còn sách vở thì chưa. Mấy hôm nay mẹ tranh thủ lấy măng về làm măng chua để bán, mẹ bảo đó là tiền mua sách vở của em”.

Nói rồi, Khánh xin phép xuống bếp tiếp tục với việc lam mấy ống măng chua. Ở đó, cậu bé lớp 8 này gửi gắm bao niềm ước mong và hy vọng được đến trường, có sách vở mới để đồng hành cùng các bạn trên con đường kiếm tìm tri thức và tương lai.

Rẽ về bản Cánh Tráp, chúng tôi vào thăm cô bé La Thị Mỹ Tâm (SN 2005). Bố bị tai nạn đuối nước rồi qua đời khi Mỹ Tâm vừa tròn 3 tuổi, em gái La Thị Phương Thảo lúc ấy mới được 1 tuổi. Bố mất, để lại cho mẹ 2 đứa con thơ, không có nghề nghiệp ổn định, gánh nặng mưu sinh buộc người mẹ phải rời bỏ quê hương đi tìm kế sinh nhai.

Vậy là, gần 7 năm nay, từ bữa ăn, giấc ngủ của chị em Mỹ Tâm – Phương Thảo đều do ông bà nội chăm lo. Việc học hành, từ những buổi học đầu tiên và những nét chữ đầu đời do ông bà kèm cặp. Nay ông bà nội đều đã bước qua tuổi 60 nhưng hàng ngày vẫn phải leo dốc, cuốc rẫy để kiếm hạt lúa, bắp ngô nuôi các cháu ăn học.

La Thị Mỹ Tâm tham gia tập văn nghệ chào mừng Lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: Công Kiên

Thi thoảng, người mẹ mới gửi một ít tiền về cho ông bà nội để lo việc ăn, việc học cho hai đứa trẻ.  Mỹ Tâm cho biết: “Năm nay em lên lớp 7, em gái lên lớp 5, vừa rồi ông nội đã đi mua sách vở mới cho hai chị em. Mẹ cũng vừa gửi tiền về nhờ ông bà mua quần áo mới, vậy là hai chị em sẽ có đủ các thứ để đến trường”.

Mỹ Tâm có năng khiếu về hát – múa, được các thầy cô đưa vào đội văn nghệ của trường. Mấy ngày hôm nay, Tâm xin phép ông bà nội không lên rẫy làm cỏ để đến trường tập văn nghệ chuẩn bị cho dịp khai giảng năm học mới. Lời hát và điệu múa cô bé đang luyện tập toát lên vẻ tự tin nhưng vẫn hồn nhiên, yêu đời.

Mỗi đứa trẻ một hoàn cảnh nhưng đều có chung sự thiếu thốn và thiệt thòi. Bằng tình thương và trách nhiệm của bố mẹ, ông bà, những người ruột thịt và cả tấm lòng bao dung của các thầy cô giáo, chúng tôi tin rằng các em sẽ vượt qua trở ngại, phơi phới niềm vui trong ngày khai trường. 

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN