Tranh cãi về lợi và hại
Theo số liệu gần đây, chỉ riêng trong năm 2017, có khoảng 174,74 triệu người Mỹ cho biết họ có thói quen nhai kẹo cao su thổi và chewing gum. Nhưng liệu việc sử dụng và mức độ sử dụng chewing gum có thể giúp ích hay gây hại gì đối với sức khỏe hay không vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi.
Nghiên cứu đã chứng minh rằng, chewing gum không đường thực tế rất tốt cho răng của bạn, bởi vì nó có thể ngăn ngừa sâu răng và hình thành mảng bám ở răng. Một nghiên cứu đã phát hiện rằng việc nhai chewing gum có thể giúp giảm căng thẳng và điều này được cho là do sự tăng tưới máu lên não.
Nhưng những nghiên cứu khác lại kết luận rằng, thói quen nhai chewing gum sẽ làm giảm sự ngon miệng của người sử dụng với các loại thức ăn nhanh có lợi cho sức khỏe như trái cây chẳng hạn, tuy nhiên lại không ảnh hưởng tới việc giảm sự thèm muốn các loại quà vặt gây hại như bánh chip hay những món tương tự.
Tuy nhiên, hiện các nhà khoa học thuộc Trường Đào tạo sau Đại học Chuyên ngành Khoa học Thể thao, Đại học Waseda, Nhật Bản đã chuyển mối quan tâm theo một hướng khác, đó là nghiên cứu liệu nhai chewing gum trong khi đi bộ có thể ảnh hưởng gì đến các chức năng sinh lý của một người hay không?
Nghiên cứu này đã đưa ra những kết quả thú vị cho những ai đang mong muốn tìm hiểu những thói quen hằng ngày thậm chí rất nhỏ ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể và việc sử dụng năng lượng của cơ thể. Công bố này đã được báo cáo tại Hội nghị Khoa học châu Âu về Béo phì được tổ chức tại Viên, Vương quốc Áo.
Nhai chewing gum làm tăng nhịp tim
Các tình nguyện viên có độ tuổi 21-69 đã đồng ý tham gia vào 2 thử nghiệm khác nhau. Trong thử nghiệm đầu tiên, họ được yêu cầu nhai 2 viên chewing gum, mỗi viên 1,5 gam và chứa 3 kcal năng lượng, trong khi đi bộ 15 phút (sau khi đã nghỉ ngơi 1 giờ đồng hồ) với tốc độ bình thường.
Thử nghiệm thứ hai có tính chất đối chứng, trong đó những người tham gia này thay vì nhai chewing gum thì họ được yêu cầu nuốt loại bột chứa các thành phần tương tự. Kết quả nghiên cứu thu được rất thú vị, ở tất cả những người tham gia, nhịp tim trung bình lúc đi bộ đều tăng lên khi họ vừa đi vừa nhai kẹo. Kết quả cũng tương tự đối với sự thay đổi về nhịp tim lúc di chuyển so với lúc nghỉ ngơi.
Nam giới lớn tuổi hưởng lợi nhiều nhất
Để hiểu được liệu có những ảnh hưởng gì có liên quan đến sự khác biệt đáng kể về sinh lý theo giới tính và nhóm tuổihay không, nhóm nghiên cứu đã tiến hành những phân tích trong đó có xét đến các yếu tố này. Trong đó, họ chia những người tham gia thành các nhóm nam- nữ, trẻ (18-39 tuổi) hay trung niên và lớn tuổi (40-69 tuổi).
Họ đã lưu ý rằng cả nam và nữ đều có nhịp tim trung bình cao hơn khi đi bộ và có mức thay đổi nhịp tim cao hơn khi chuyển từ trạng thái nghỉ ngơi sang chuyển động, nếu họ vừa đi vừa nhai kẹo.
Trong trường hợp những người tham gia thử nghiệm là nam giới, chiều dài quãng đường đi bộ trong 15 phút và tốc độ di chuyển trung bình của họ tăng lên đáng kể ở thử nghiệm có nhai chewing gum. Tuy nhiên, điều này lại không đúng ở những người tham gia là nữ. Tương tự, những người có độ tuổi 40-69 cũng cho thấy có sự thay đổi nhịp tim nhiều hơn trong thử nghiệm có nhai chewing gum so với những người trẻ.
Các nhà khoa học kết luận rằng, nhai chewing gum lúc đi bộ tác động đến nhiều chức năng thể chất và sinh lý ở nam và nữ trong tất cả các độ tuổi. Họ cũng nhấn mạnh rằng những người tham gia thử nghiệm là nam giới có vẻ được hưởng lợi nhiều nhất. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng nhai chewing gum lúc đi bộ làm tăng độ dài đoạn đường đi được và tăng tiêu hao năng lượng đặc biệt ở nam giới trong độ tuổi trung niên và lớn tuổi.