Đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị tại các điểm cầu có lãnh đạo các đơn vị y tế, phòng y tế các huyện, thành, thị và trạm y tế xã, phường, thị trấn.

bna_cac_dai_bieu_tham_du_hoi_nghi_truc_tuyen_anh_thanh_chung5113781_632019.jpgQuang cảnh hội nghị giao ban trực tuyến tại điểm cầu Sở Y tế. Ảnh: Thành Chung

Nhiều trạm y tế xuống cấp

Theo báo cáo của ngành y tế, những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở ở Nghệ An không ngừng được củng cố và phát triển. Y tế cơ sở đã tích cực, chủ động làm tốt công tác y tế dự phòng, do đó trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn, dịch bệnh nguy hiểm xảy ra.

Tính đến cuối năm 2018, có 90% số trạm y tế xã ở Nghệ An có bác sĩ công tác. Trong đó có 369 bác sĩ thuộc biên chế của trạm y tế; có 435/480 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2012 - 2020; có 59% số trạm y tế xã thực hiện được 60-80% danh mục kỹ thuật thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản; có 479/480  xã đã ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội....

Cũng trong năm qua, số lượt khám bệnh tại tuyến xã là 1.926.352 lượt, chiếm 34,6% số lượt khám bệnh chung của toàn tỉnh.

Nhiều trạm y tế xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế đã xuống cấp. Trong ảnh: Trạm Y tế xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Thành Cường

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, y tế cơ sở ở Nghệ An hiện còn nhiều tồn tại như: danh mục kỹ thuật triển khai thực hiện còn thấp, nghèo nàn; danh mục thuốc đơn điệu; chế độ thường trực cấp cứu còn nhiều bất cập; nhiều trang thiết bị không đưa vào sử dụng kịp thời; việc theo dõi, quản lý bệnh không lây nhiễm, ca bệnh lây nhiễm chưa được triển khai một cách đồng bộ, liên tục, chưa cập nhật kịp thời.

Đặc biệt, hầu hết các trạm y tế sau khi được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia đã không còn duy trì được các nội dung hoạt động theo quy định như: hoạt động của Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân không thường xuyên; cơ sở vật chất, trang thiết bị không được duy tu, bảo dưỡng; nhân lực không được đảm bảo.

Ưu tiên kinh phí cho y tế cơ sở
 
Phòng sản của Trạm y tế xã Nghĩa Lạc bị rấm mốc, không đảm bảo vô trùng. Ảnh: Thành Cường

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung phân tích những mặt tồn tại, đề ra phương hướng khắc phục. Một số vấn đề trọng điểm được đề cập bao gồm thực trạng hoạt động của các xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; triển khai hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2019-2020; Đề án Triển khai mô hình điểm tăng cường năng lực y tế cơ sở tại 6 Trạm Y tế xã huyện Nam Đàn.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Thông cho biết, năm 2019 Nghệ An sẽ tập trung cho y tế cơ sở. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết, Quyết định của Trung ương, Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra để xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới.
 
Đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương ưu tiên bố trí kinh phí cho y tế cơ sở. Ảnh: Thành Chung

Trong đó, chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu với việc triển khai tốt mô hình điểm tăng cường năng lực y tế cơ sở tại 6 Trạm Y tế xã huyện Nam Đàn, tiến tới nhân rộng trong toàn tỉnh...thực hiện tốt công tác thu hút, đào tạo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở.

Các cấp, ngành cần ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cho y tế cơ sở, đặc biệt là các địa bàn miền núi; chú trọng xây dựng dự toán ngân sách hàng năm đảm bảo 30% cho hệ y tế dự phòng theo tinh thần Nghị quyết số 20 - NQ/TW.