Đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu Nghệ An. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở Y tế và các đơn vị y tế trong tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Y tế: Việt Nam đang có một hệ thống mạng lưới y tế rộng khắp, với 11.793 trạm y tế, 91,8% thôn bản có nhân viên y tế, 684 bệnh viện huyện, 295 phòng khám đa khoa khu vực, 419 bệnh viện tỉnh và 47 bệnh viện trung ương. Ngoài ra còn có 210 bệnh viện ngoài công lập...Thời gian qua, mạng lưới y tế ở Việt Nam được quốc tế đánh giá cao, là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về y tế.
Hiện nay, hoạt động của tuyến y tế cơ sở còn nhiều bất cập: Người dân chưa tin tưởng trạm y tế xã nên vượt tuyến không cần thiết. Y tế cơ sở chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phần lớn chưa quản lý bệnh mạn tính. Dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ở Trạm y tế xã chưa đạt yêu cầu, mới thực hiện được 50-70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến. Nhân lực còn thiếu và yếu. Cơ chế tài chính còn nhiều bất cập, chưa phù hợp.
Để khắc phục các hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng hoạt động của tuyến y tế cơ sở, đầu năm 2018, Bộ Y tế đã triển khai mô hình điểm trạm y tế tại 26 xã, phường giai đoạn 2018-2020. Với mô hình Trạm Y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, ngoài nhiệm vụ chuyên môn trước đó, trạm y tế xã có thêm nhiệm vụ quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, mạn tính, trước mắt điều trị tiểu đường, huyết áp, hen phế quản; triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản theo Thông tư số 39/2017/TT - BYT; lập hồ sơ sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế....
Thực hiện triển khai mô hình điểm, Bộ Y tế đã đầu tư nhân, vật lực tại 26 trạm y tế này và sau 9 tháng triển khai đã đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ lộ trình triển khai: Năm 2018, hoàn thành mô hình 26 trạm y tế xã điểm. Các tỉnh, thành phố phải triển khai rộng khắp tại các trạm y tế xã còn lại, không chờ kết quả các trạm y tế làm điểm. Mỗi tỉnh phải chọn 1, 2 huyện và một số trạm y tế xã để chỉ đạo điểm, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm trong triển khai. Năm 2019, mỗi tỉnh triển khai ít nhất 15% số trạm y tế. Giai đoạn 2019-2020 triển khai ít nhất 30% số trạm y tế. Các tỉnh xây dựng lộ trình, phấn đấu hoàn thành trong 05 năm, từ 2019-2023.
Bộ Y tế sẽ hướng dẫn xây dựng 218 trạm được Thủ tướng Chính phủ giao đầu tư theo mô hình trạm y tế xã điểm, khi hoàn thành phải hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; triển khai dự án vay vốn ADB, WB theo mô hình trạm y tế xã điểm; thực hiện công tác đào tạo y học gia đình; xây dựng và triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe cá nhân, phần mềm quản lý trạm y tế xã./.