(Baonghean) - Cái chết của sinh viên Otto Warmbier sau khi được Triều Tiên trả tự do và trở về Mỹ đang gây hiệu ứng xấu với kịch bản Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Mỹ sẽ phải cân nhắc những biện pháp cứng rắn hơn, tuy nhiên điều đó cũng chưa chắc đồng nghĩa với thành công.
Câu hỏi nối tiếp câu hỏi
Sau khi thông tin về cái chết của Otto Warmbier được công bố, nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan tới việc chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump đã làm gì để giải quyết vụ việc của sinh viên này khi mọi sự đã quá muộn. Chính sách của Washington đối với Triều Tiên tới thời điểm hiện tại được khẳng định, vẫn là sự sao chép đường hướng của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama.
Đó là gây sức ép thông qua Trung Quốc - một đồng minh của Triều Tiên - nhằm buộc quốc gia Đông Bắc Á chấm dứt tham vọng hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên, phương án này gần như đã không cho thấy hiệu quả. Nhiều nhà quan sát tại Mỹ đã chỉ trích cách mà chính quyền Trump giải quyết vấn đề. “Nếu có điều gì khiến chúng ta thức tỉnh và kêu gọi một hành động lớn hơn, đó phải là cái chết của Otto”. Bruce Klingner, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á của Quỹ Di sản lên tiếng.
Tin tức về cái chết của thanh niên Otto Warmbier cũng khiến Quốc hội Mỹ phải rúng động. Thượng nghị sỹ John McCain lên tiếng đòi những hành động cương quyết hơn “Nước Mỹ không thể và không nên tha thứ để các thế lực thù địch sát hại công dân của mình”.
Bản thân Tổng thống Donald Trump cũng phải thừa nhận cách tiếp cận đối với Triều Tiên thông qua Trung Quốc đã thất bại, và giờ nước Mỹ sẽ phải thay đổi chiến lược. Viết trên trang Twitter cá nhân hôm 20/6, Tổng thống Trump nói: “Tôi đánh giá cao những nỗ lực hỗ trợ của Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên nhưng chúng đã không có tác dụng. Ít nhất tôi biết Trung Quốc đã cố gắng!”.
Bình luận từ Tổng thống Mỹ đặt ra câu hỏi rằng, liệu nó có tương đương với những cảnh báo về việc Mỹ sắp có hành động đơn phương hay không. “Tôi nghĩ Tổng thống đang thể hiện sự thất vọng", Christopher Hill, cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, nói với MSNBC. "Tổng thống Trump muốn nói ông hiểu cách làm đó không hiệu quả. Ông ấy đang tự bảo vệ mình, cố biện minh rằng ít nhất chính quyền Mỹ đã thử, chỉ trích những bên không làm gì".
Cái chết của sinh viên Otto Warmbier xảy ra 2 ngày trước cuộc Đối thoại chiến lược ngoại giao và quốc phòng Mỹ - Trung ở Washington, càng khiến vấn đề Triều Tiên trở nên nhạy cảm. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chắc chắn sẽ phải đề cập nghiêm túc vấn đề này với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì; Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy, Thượng tướng Phòng Phong Huy. Ngoài ra, vệ tinh do thám của Mỹ hôm 20/6 đã phát hiện có nhiều hoạt động ở một khu thử hạt nhân của Triều Tiên, nhưng chưa thể kết luận Bình Nhưỡng sắp thử hạt nhân.
Áp lực với Nhà Trắng
Sự việc không may của Otto Warmbier cũng là một sự không may với chính quyền Donald Trump. Áp lực trong nước tăng lên đáng kể sẽ buộc chính quyền Washington sẽ phải có các hành động cứng rắn hơn. Điều này sẽ trực tiếp gây thêm căng thẳng với Trung Quốc. “Giống cựu Tổng thống Obama, ông Trump đã và đang chỉ trích mạnh mẽ Triều Tiên, nhưng ông ấy tiếp tục “đánh khẽ” với Triều Tiên và Trung Quốc, chuyên gia Klingner phân tích.
Thêm vào đó, Klingner còn chỉ ra một thất bại lớn của Mỹ khi không áp dụng các biện pháp “cấm vận thứ cấp” nhằm vào các công ty Trung Quốc có quan hệ làm ăn với Triều Tiên. “Chính quyền Mỹ đã không áp đặt các hình thức trừng phạt với các thực thể Trung Quốc vi phạm lệnh cấm vận với một niềm tin chân thật rằng phía Trung Quốc sẽ làm nhiều hơn so với trước”. Klingner nói. Đây chính là điểm yếu mà những người chỉ trích nhằm vào chính quyền Mỹ.
Trong phản ứng trước vụ việc, chính quyền Mỹ đang cân nhắc việc cấm công dân Mỹ tới Triều Tiên nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự. Đây cũng được coi là hành động trừng phạt tiếp theo nhằm cô lập hơn nữa Triều Tiên. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn đúng đắn nếu xét về chiến lược buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và ngồi vào bàn đàm phán.
Thực ra “tiến thoái lưỡng nan” là tình huống mà chính quyền Donald Trump đang gặp phải. Một mặt vừa phải đáp ứng yêu cầu của dư luận có những biện pháp cứng rắn để đáp trả hành động bắt giữ và gây nên cái chết của công dân Mỹ. Mặt khác, vừa phải duy trì các áp lực, vừa phải để không “chọc giận” Triều Tiên và quan trọng nhất là duy trì kênh liên lạc và hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề này. Và dư luận cho rằng rất khó để đáp ứng cùng lúc hai yêu cầu này.
Tình thế hiện nay cũng cho thấy những tiến triển rất chậm, thậm chí là bế tắc trong giải pháp cho Triều Tiên mà Nhà Trắng đang áp dụng. Trong bối cảnh đó, bất cứ một vụ việc hay một phản ứng bất lợi nào tại bán đảo Triều Tiên cũng sẽ làm “dậy sóng” với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Thanh Sơn