Ngày 26/3, Mỹ thông báo trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga với cáo buộc Moscow đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal trên đất Anh.
Theo đó, Tổng thống Donald Trump ký lệnh trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa lãnh sự quán Nga tại Seattle, bang Washington.
Số này gồm 48 nhà ngoại giao làm việc tại sứ quán Nga và 12 nhà ngoại giao trong phái đoàn Nga tại Liên Hợp Quốc ở New York. Họ cùng gia đình phải ra khỏi Mỹ trong 7 ngày.
Tuần trước, London khơi mào làn sóng trừng phạt Moscow với quyết định trục xuất 23 nhân viên ngoại giao Nga. Tính đến ngày 26/3, có ít nhất 17 quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ đã hành động tương tự. Đây là đợt trục xuất lớn chưa từng có kể từ cao điểm Chiến tranh Lạnh.
Phát ngôn viên Điện Kremlin lập tức cảnh báo Nga sẽ đáp trả. Moscow khẳng định không liên quan đến vụ Skripal.
Theo BBC, hiện đang có nhiều lo ngại, một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng và một sự đóng băng trong quan hệ giữa Moscow và phương Tây nếu xảy ra sẽ một lần nữa đưa thế giới vào Chiến tranh Lạnh.
Chiến tranh Lạnh là cụm từ mô tả quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô từ năm 1945 đến năm 1989. Khi đó, không bên nào đánh nhau trực tiếp vì lo sợ chiến tranh hạt nhân, mà hậu quả của nó vô cùng khủng khiếp nên không bên nào dám nghĩ đến chuyện bồi thường.
Vì vậy, các nhà sử học coi Chiến tranh Lạnh là cuộc chiến giữa hai hệ thống chính phủ đối lập nhau. Hai bên có những quan điểm khác nhau về cách điều hành một đất nước, và cả hai tin hệ thống của mình là siêu việt. Hai bên thiết lập những liên minh rộng lớn, với Mỹ và phương Tây lập ra NATO còn Liên Xô lập Hiệp ước Warsaw với các quốc gia Đông Âu như Ba Lan và Hungary. Cả hai bên e ngại đề phòng lẫn nhau, vì vậy họ bắt đầu nhanh chóng chế tạo và dự trữ vũ khí.
Đến thập niên 1960, Mỹ và Liên Xô có thể phóng tên lửa qua các lục địa với vận tốc cao. Vào cuối thập niên, cả hai bên đều phát triển các hệ thống tên lửa chống đạn đạo để tự phòng thủ. Chiến tranh hạt nhân cũng suýt nữa xảy ra sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Nhiều cuộc chiến tranh mà hai phía ủy nhiệm đã diễn ra.
"Chiến tranh Lạnh chưa bao giờ thực sự lạnh. Hàng triệu người chết trong các cuộc chiến ủy nhiệm hoặc các cuộc xung đột mà cạnh tranh siêu cường tự áp đặt không có bất kỳ một sự công nhận nào về bản chất địa phương của xung đột", BBC dẫn lời Malcolm Craig, giảng viên cao cấp về lịch sử Mỹ tại Đại học Liverpool John Moores.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng viễn cảnh này khó xảy ra dù tình hình không dễ dự đoán. Bởi trên thực tế, có rất nhiều khác biệt mang tính nền tảng giữa Liên Xô khi xưa và nước Nga hiện đại ngày nay.
"Nga không còn là Liên Xô, và vị thế quốc tế của nước này khá khác biệt. Nước Nga ngày nay hội nhập chặt chẽ hơn nhiều với hệ thống kinh tế toàn cầu, nên dễ bị tổn thương hơn trước áp lực kinh tế", BBC dẫn lời nhận định của Malcolm Craig.
"Tôi không nghĩ Putin sẽ muốn một sự đóng băng quan hệ lâu và muốn chịu thêm các đòn trừng phạt " - Michael Cox, Giáo sư danh dự về Quan hệ quốc tế tại trường Kinh tế London, bình luận.
Nhưng ông Cox cảnh báo rằng tình hình căng thẳng hiện nay rất là rất khó lường. "Một điều mà Chiến tranh Lạnh làm được, ít nhất cho tới năm 1989, là giữ cho hai phe ở cách nhau khá xa. Có một kiểu chấp nhận ảnh hưởng. Còn giờ đây các vùng phân ranh dường như đã bị phá vỡ hoàn toàn", vị giáo sư nói thêm.