Chính quyền Mỹ ngày 20/9 đã công bố quyết định trừng phạt Cục Phát triển Thiết bị (EDD) thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc do các thương vụ mua bán vũ khí của EDD với Nga đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington đối với Moscow. Cả EDD và Giám đốc EDD Li Shangfu đều bị liệt vào danh sách trừng phạt của Mỹ.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết động thái trừng phạt này nhằm đáp trả các động thái “xấu” của Nga, ngụ ý tới cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 cũng như can thiệp quân sự và đông Ukraine.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, các lệnh trừng phạt được đưa ra theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) năm 2017, trong đó cho phép cho phép trừng phạt bất kỳ đối tượng nào tiến hành giao dịch với những cá nhân hoặc tổ chức vốn nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
Điều này đồng nghĩa với việc Washington có thể trừng phạt các quốc gia thứ 3 có hợp tác với Moscow trong lĩnh vực quốc phòng.
“Các giao dịch này bao gồm việc chuyển giao các máy bay chiến đấu Su-35 và thiết bị có liên quan tới hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga cho Trung Quốc”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.
Thông cáo cho biết Trung Quốc đã tiếp nhận 10 máy bay Su-35 hồi tháng 12/2017 và lô thiết bị có liên quan đến S-400 đầu tiên trong năm nay. Thông cáo chỉ rõ EDD đã đàm phán và thực hiện các giao dịch với công ty xuất khẩu vũ khí chính của Nga là Rosoboroexport.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ cấm EDD đăng ký xin giấy phép xuất khẩu cũng như tham gia vào các giao dịch nước ngoài theo luật của Mỹ hoặc sử dụng hệ thống tài chính của Mỹ.
Giám đốc EDD cũng bị cấm sử dụng hệ thống tài chính Mỹ và thực hiện các giao dịch với nước ngoài, đồng thời không được cấp thị thực Mỹ.
EDD do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thành lập từ năm 2016 với nhiệm vụ giám sát và cải thiện công nghệ quân sự của Trung Quốc. EDD là đơn vị then chốt của Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Đây là lần thứ hai sau nhiều tuần Mỹ tiếp tục trừng phạt các cơ quan, tổ chức của Trung Quốc. Trước đó ngày 14/9, Văn phòng Kiểm soát Tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo các lệnh trừng phạt đối với các công ty phát triển công nghệ tại Trung Quốc do người Triều Tiên sở hữu và quản lý.
Cũng trong ngày 19/9, chính quyền Mỹ đã áp lệnh trừng phạt đối với 33 quan chức Nga. Người phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ cho biết các quan chức này hoạt động vì lợi ích của các cơ quan tình báo và công nghiệp quốc phòng của Nga. Họ bị trừng phạt theo quy định của luật CAATSA.
Động thái trừng phạt mới nhất của Mỹ được dự đoán sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn chưa dừng lại.
Tuy nhiên, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng “mục tiêu cuối cùng” của các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Trung Quốc là nhắm vào Nga để trả đũa Moscow.