Bắc Kinh hôm qua giận dữ phản ứng lại việc Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật nhắm tới việc trừng phạt Bắc Kinh với lý do đồng nhân dân tệ bị dìm giá.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm qua khá thận trọng trong việc chỉ trích quyết định của Thượng viện Mỹ. Họ cho rằng dự luật sẽ không giải quyết được các khó khăn của kinh tế Mỹ. Thay vào đó, dự luật sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình cải cách tỷ giá hối đoái mà Trung Quốc đang tiến hành, thậm chí có thể dẫn tới một cuộc chiến thương mại. Cơ quan này cũng cho rằng nếu tính tới lạm phát, giá trị đồng nhân dân tệ đã tăng lên.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì cho rằng dự luật của Mỹ vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Quốc tế. Bộ Thương mại thì nói nó "không công bằng" và vi phạm quy tắc quốc tế.
Ảnh minh họa: Asianews
Dù vậy, các nhà kinh tế không cho rằng những lời nói giận dữ trên sẽ dẫn tới thay đổi về mặt chính sách hay trả đũa, ít nhất là trong lúc này khi số phận của dự luật trên vẫn chưa rõ ràng. Dự luật được thông qua ở Thượng viện do phe Dân chủ kiểm soát. Trong khi đó, nó sẽ phải qua cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện mà phe Cộng hòa chiếm đa số, trước khi trình lên tổng thống.
"Tôi không cho rằng Trung Quốc sẽ có động thái lớn nào để đáp lại", nhà kinh tế học Wang Tao cho hay và thêm rằng bà cũng không tin dự luật trên sẽ biến thành luật.
Dự luật mà Thượng viện Mỹ thông qua muốn áp đặt thuế với hàng hóa xuất khẩu từ các nước có giá trị đồng tiền thấp hơn giá trị thực sự. Những người ủng hộ dự luật này than phiền việc đồng nhân dân tệ bị định giá thấp, khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn trên thị trường quốc tế. Họ tin rằng việc đẩy giá trị đồng nhân dân tệ lên cao hơn sẽ giúp Mỹ tăng cường xuất khẩu và tạo ra hàng nghìn việc làm cho người Mỹ.
Phe phản đối thì khẳng định dự luật không đạt được kết quả gì ngoại trừ việc khiến Trung Quốc tức giận. Họ nói rằng quan hệ Mỹ - Trung đối mặt với những vấn đề còn lớn hơn.
Trong khi đó, quan chức cấp cao của Trung Quốc ngày càng trở nên cứng rắn trong hướng tiếp cận với Mỹ kể từ suy thoái toàn cầu. Nhiều người tin rằng Bắc Kinh đang ở thế đi lên, còn Washington đang trên đà suy thoái lâu dài. Những người khác thì thấy Trung Quốc có ưu thế vì là chủ nợ lớn nhất của Mỹ và là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới vẫn còn tăng trưởng nhanh chóng.
Giới chức Bắc Kinh thì đổ lỗi cho Washington đã đẩy thế giới vào khủng hoảng vì điều hành kinh tế kém. Họ cũng phản đối những động thái mà Mỹ tiến hành nhằm thúc đẩy quá trình hồi phục kinh tế, bao gồm mua trái phiếu để giảm lãi suất. Theo Bắc Kinh, điều đó khiến giá trị đồng đôla giảm và khiến lạm phát ở Trung Quốc cùng nhiều nền kinh tế đang lên tăng cao.
Lãnh đạo Trung Quốc cũng bực dọc vì Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và những nỗ lực tăng cường ngoại giao của Mỹ ở Đông Nam Á, nơi Trung Quốc và một số quốc gia ASEAN tuyên bố chồng lấn về chủ quyền ở Biển Đông.
Tuy vậy, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không muốn làm xấu đi quan hệ với Mỹ trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ cũng như việc chuyển giao chính trị ngay tại Bắc Kinh năm tới. Họ cần sự ổn định về đối ngoại để tập trung cho quá trình này.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận thấy trong nền kinh tế toàn cầu hóa, số phận của Trung Quốc gắn chặt với Mỹ. Chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng tới cả hai nước, thậm chí Bắc Kinh còn chịu tổn thất hơn do kinh tế của họ phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
Vì thế, phía sau những ngôn từ phản ứng mạnh mẽ, Bắc Kinh vẫn để ngỏ khả năng hòa giải khi nhấn mạnh cam kết lâu nay của họ về việc tiếp tục cải cách tỷ giá hối đoái. Đó có thể là một dấu hiệu để hy vọng rằng Hạ viện Mỹ sẽ không thông qua dự luật trên. Thực tế, cả Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đều nhắc lại luận điểm của Trung Quốc rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng cường sự linh hoạt của đồng nhân dân tệ.
Trong khi đó, dự luật này đặt Nhà Trắng vào tình thế nhạy cảm. Giống như các chính quyền trước đây, bộ máy của Tổng thống Barack Obama hiểu rằng họ cần sự hợp tác của Bắc Kinh trong nhiều vấn đề từ kinh tế tới an ninh. Tuy nhiên, chỉ trích Trung Quốc vẫn là xu hướng phổ biến. Nhiều chính trị gia Dân chủ, bao gồm những người trong các bang công nghiệp lớn, cho biết chính sách tiền tệ của Trung Quốc là không công bằng với công nhân Mỹ.
"Họ áp dụng luật dự do thương mại khi có lợi và phớt lờ nó khi thuận tiện với họ", Thượng nghị sĩ Charles Schumer, một người ủng hộ dự luật, cho biết. "Hàng năm nay, người Mỹ khó chịu với điều đó nhưng chẳng làm gì hiệu quả để ngăn chính sách này".
Những người phản đối dự luật cho biết thay vì kích động một cuộc chiến thương mại, Mỹ nên đối mặt với vấn đề của họ như tăng thâm hụt ngân sách quốc gia. "Chúng ta biết phải làm gì nhưng không làm", Thượng nghị sĩ Bob Corker, cho biết. "Vì thế chúng ta phải tìm hình nhân thế mạng".
Hạ viện Mỹ từng bỏ phiếu thông qua một dự luật tương tự năm 2010 khi phe Dân chủ chiếm đa số. Tuy nhiên, tương lai của dự luật vẫn chưa chắc chắn do lãnh đạo Cộng hòa cho rằng nó sẽ kéo theo những hậu quả khôn lường.