Triều Tiên khẳng định vụ thử tên lửa là diễn tập định kỳ, chỉ để phòng vệ

10thutenlua2433043_852019.jpgMột loại vũ khí chiến thuật được Triều Tiên thử nghiệm tại một địa điểm không xác định ngày 4/5/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 8/5, Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định vụ thử tên lửa mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giám sát vào tuần trước chỉ mang tính chất phòng vệ và nằm trong khuôn khổ cuộc diễn tập định kỳ. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ cuộc tập trận gần đây do quân đội Triều Tiên tiến hành chỉ là cuộc diễn tập quân sự thường kỳ và không nhằm vào bất cứ ai, cũng không nhằm làm trầm trọng hơn tình hình khu vực.

Ngày 4/5 vừa qua, Triều Tiên tiến hành phóng thử các thiết bị bay tầm ngắn không xác định, trong đó có vũ khí dẫn đường chiến thuật mới chế tạo. Vụ phóng được cho là nhằm thể hiện quan điểm của Bình Nhưỡng khi các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ bị đình trệ. Bất chấp động thái này, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn phản ứng thận trọng nhằm duy trì tiến trình đàm phán với Bình Nhưỡng.

Iran ngừng tuân thủ một phần thỏa thuận hạt nhân

Tổng thống Hassan Rouhani, Chủ tịch Hội đồng An ninh tối cao Iran. Ảnh:Reuters.

Iran ngày 8/5 thông báo dừng thực hiện một số cam kết theo thỏa thuận ký với các cường quốc năm 2015 song khẳng định không rút khỏi thỏa thuận này. Hội đồng An ninh Tối cao Iran cho biết Iran sẽ không tiếp tục chấp hành các giới hạn mà họ đã cam kết trong việc làm giàu uranium và nước nặng theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc (Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga), cho rằng biện pháp này là cần thiết để "đảm bảo quyền lợi và lấy lại cân bằng" sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận cách đây tròn một năm.

"Các bên còn lại của thỏa thuận có 60 ngày để thực hiện các cam kết của họ, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng và dầu mỏ", hội đồng cho biết thêm, đề cập đến cam kết của 5 cường quốc trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran để đổi lấy việc họ kiềm chế các hoạt động hạt nhân.

Giữa căng thẳng, Mỹ thông qua dự luật ủng hộ Đài Loan

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tại một sự kiện kỷ niệm 40 năm Đạo luật Quan hệ Đài Loan của Mỹ - Ảnh: Reuters

Kết quả bỏ phiếu ngày 7/5 (giờ Mỹ) cho thấy Hạ viện Mỹ ủng hộ dự luật tái khẳng định cam kết với Đài Loan với tỉ lệ tuyệt đối 414 phiếu thuận, 0 phiếu chống. Dự luận do nghị sĩ Cộng hòa Eliot. Engel trình lên, có nội dung củng cố Đạo luật Đảm bảo Đài Loan (TRA), nhằm hướng Mỹ tới việc xem Đài Loan là một đồng minh chủ chốt bên ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Sau khi thông qua ở Hạ viện, Đạo luật trên cần được bỏ phiếu thêm tại Thượng viện trước khi trình lên Tổng thống Donald Trump ký thành luật. Hiện chưa có thông tin xác nhận khi nào dự luật chuyển lên Thượng viện.

Đài Loan là khu vực nhạy cảm trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một tỉnh, trong khi Washington dưới thời Tổng thống Trump không ít lần khiến Bắc Kinh nóng mặt khi thể hiện sự gắn kết với Đài Loan, bao gồm các động thái liên quan tới quốc phòng, an ninh.

Sri Lanka khẳng định nước này đã an toàn cho du khách sau vụ đánh bom

Đền vàng Dambulla - một điểm du lịch nổi tiếng của đất nước Sri Lanka. Ảnh: Thrillist

Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena vừa kêu gọi các quốc gia dỡ bỏ các cảnh báo hạn chế đi lại đối với công dân của họ sau vụ nổ chết người vào dịp lễ Phục sinh. Tổng thống Sirisena cũng nhấn mạnh an ninh quốc gia đã được đảm bảo tại đảo quốc Nam Á này.

Tổng thống Sirisena đã thông báo cho các nhà ngoại giao, cũng như đại diện của các tổ chức quốc tế tại nước này, về tiến trình hoạt động chống khủng bố của cơ quan an ninh Sri Lanka. Theo ông Sirisena, 95% những kẻ khủng bố có liên quan đến các vụ tấn công vừa qua đã bị giam giữ hoặc đã được xác định rõ danh tính, trong khi chỉ có hai hoặc ba nghi phạm cảnh sát chưa bắt được. Nhà lãnh đạo này đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng mối đe dọa khủng bố sẽ sớm được loại bỏ hoàn toàn, với sự hỗ trợ của tình báo nước ngoài.

New Zealand đặt mục tiêu thành quốc gia không phát thải vào năm 2050

Đất nước New Zealand. Ảnh: NIWA.

Hôm 8/5, chính phủ New Zealand vừa đệ trình lên Quốc hội dự luật đặt mục tiêu đưa nước này trở thành quốc gia không phát thải vào năm 2050. Dự thảo luật đặt mục tiêu xây dựng quốc gia không phát thải vào năm 2050 mà không tính đến khí mê-tan (methane) sinh học được sản sinh từ đàn gia súc của nước này. Vì chăn nuôi gia súc là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của New Zealand nên chính phủ không thể quá khắt khe mà chỉ đặt lộ trình cắt giảm từ từ để không ảnh hưởng đến sinh kế của người dân cũng như tác động tiêu cực đến nền kinh tế đất nước.

Để Chính phủ có thể đạt được mục tiêu đề ra, dự luật này cũng đề xuất thành lập một Ủy ban biến đổi khí hậu làm nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ. Dư luận cũng yêu cầu Chính phủ phải tạo ra “ngân sách khí thải” cho từng giai đoạn 5 năm cũng như kế hoạch để triển khai ngân sách này nhằm đạt được mục tiêu như đã định vào năm 2050.