Vừa cảnh báo về những thiệt hại kinh tế, Tổng thống Trump đã bày tỏ sự thống nhất về ý tưởng với Thổ Nhĩ Kỳ để lập vùng an toàn tại chiến trường Syria. Nguyên nhân sâu xa có thể nói vẫn là vấn đề người Kurd sau khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi điểm nóng Trung Đông này.
Mới ngày 13/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump trên trang Tweeter cảnh báo rằng, Mỹ sẽ hành động nếu Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurd và kinh tế Ankara sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề.
Phản ứng này nhằm đáp lại tuyên bố trước đó của Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa thực hiện các hoạt động ở biên giới nhằm đối phó với Các đơn vị Bảo vệ người Kurd (YPG) trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Cần nhắc lại, quan hệ giữa hai đồng minh Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải không ít trục trặc liên quan đến vấn đề người Kurd.
Trong khi Mỹ hậu thuẫn Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) trong cuộc chiến chống IS tại Syria thì lực lượng này lại bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố và là một thành phần của đảng Công nhân người Kurd (PKK). Đây là lực lượng vốn từng phát động nhiều cuộc nổi dậy giành quyền độc lập kéo dài hàng thập kỷ qua trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tưởng rằng, “cái gai” trong quan hệ Mỹ - Thổ sẽ được gỡ bỏ khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria và để lại quyền quyết định cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các đồng minh Arab khác.
Thế nhưng, cuộc khẩu chiến giữa Mỹ - Thổ càng lúc càng như thêm dầu vào lửa khi Tổng thống Trump tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ không thể coi việc Mỹ rút quân khỏi Syria là cơ hội để mở chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd.
Và rằng, Mỹ dù có rút quân khỏi chiến trường này nhưng vẫn sẽ đảm bảo an ninh cho lực lượng người Kurd từng sánh vai trong cuộc chiến chống khủng bố với Mỹ.
Tất nhiên đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng không thể thuận theo Mỹ để mặc cho lực lượng người Kurd hoạt động tự do tại Syria đồng thời nhấn mạnh, Mỹ không nên đánh đổi mối quan hệ đồng minh với một lực lượng khủng bố.
Không chịu lép vế, Tổng thống Trump ngay lập tức cảnh báo Ankara sẽ chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế. Thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến công du Trung Đông vừa qua cũng hàm ý nhắc tới các biện pháp thuế hay cấm vận mà Mỹ có thể đánh vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Thế nhưng theo giới quan sát, thực tế, phía Mỹ chỉ có thể sử dụng duy nhất các biện pháp về kinh tế nhằm vào Ankara để đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd. Bởi cả hai đều thuộc khối NATO và có những nguyên tắc ràng buộc lẫn nhau.
Và quan trọng hơn, nếu Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết tâm hành động, Mỹ sẽ không đạt được một loạt mục tiêu khác mà chính quyền Tổng thống Trump đang gửi gắm vào con bài mang tên “Người Kurd”.
Chính bởi vậy, chỉ chưa đầy 2 ngày sau, Tổng thống Mỹ bất ngờ “hạ giọng” và thống nhất với Thổ Nhĩ Kỳ việc thiết lập một khu vực an toàn tại phía Bắc Syria để xóa sạch các lực lượng khủng bố. Ông Donald Trump còn “quay ngoắt” ca ngợi các tiềm năng kinh tế giữa hai bên.
Mũi tên nhiều đích
Theo giới quan sát, không khó để giải thích sự thay đổi chóng mặt của Tổng thống Donald Trump trong thái độ đối với Thổ Nhĩ Kỳ những ngày qua. Bởi việc Mỹ ra sức bảo vệ lực lượng người Kurd không hoàn toàn có nghĩa là Mỹ muốn “tri ân” thời gian mà lực lượng này song hành tiêu diệt khủng bố tại Syria.
Thực tế, Mỹ còn đang tính toán một nước cờ khác lớn hơn, đó là muốn lực lượng người Kurd chia rẽ mối quan hệ đang ngày càng gắn kết giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhìn lại chuyến thăm các nước Trung Đông của Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ John Bolton mới đây, người ta đã thấy những lời đề nghị Nga “gỡ rối” và hỗ trợ bảo vệ cho lực lượng người Kurd tại Syria.
Lý do đưa ra là lực lượng người Kurd là thành phần quan trọng để duy trì chiến lược chống khủng bố IS tại Syria. Ngay cả Pháp mới đây cũng đưa ra lời đề nghị Nga hỗ trợ cho lực lượng này. Thế nhưng nếu Nga đồng ý, những căng thẳng sẽ tự động chuyển từ mối quan hệ Mỹ - Thổ sang cái bắt tay Nga - Thổ đang tiến triển tốt đẹp.
Trở lại ý tưởng vùng đệm an toàn tại Syria mà Mỹ và Thổ Nhĩ kỳ vừa thống nhất cũng như việc Mỹ bất giờ “hạ giọng”, đây có lẽ chỉ là giải pháp trì hoãn, kéo dài thời gian của Tổng thống Trump để xoa dịu căng thẳng với đồng minh Ankara và chờ đợi câu trả lời từ phía Nga trong vấn đề người Kurd.
Câu hỏi đặt ra lúc này, là Nga liệu có nhận lời đề nghị của Mỹ để vào vai bảo trợ người Kurd tại Syria hay không. Với vị thế và tiếng nói đang ngày càng được khẳng định tại chiến trường Syria và Trung Đông, rất có thể Nga sẽ sẵn sàng “tiếp quản” những gì mà Mỹ để lại.
Đặc biệt là khi, cuộc chiến tại Syria đang dần đi tới hồi kết. Nhưng đồng thời, Nga hơn lúc nào hết phải cân nhắc kỹ lưỡng các giải pháp để có thể dung hòa quyết tâm “xóa sổ” người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc chiến chống khủng bố cũng như tiến trình chính trị để kiến tạo một Syria hòa bình và ổn định.
Khẳng định hơn nữa vị thế tại điểm nóng Trung Đông hay sẽ mắc vào mớ bong bong Mỹ - Thổ và người Kurd chưa có hồi kết? Tất cả đều đang chờ đợi những động thái tiếp theo của chính quyền Tổng thống Nga Putin.