Thỏa thuận tạm thời giữa Mỹ và Taliban đạt được sau những cuộc thảo luận kéo dài tại thủ đô Doha của Qatar và được thông báo trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Tổng thống Afganistan Ashraf Ghani bên lề Hội nghị an ninh Munich.
Thỏa thuận đình chiến là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhất mà Mỹ tham gia, đồng thời thực hiện chiến dịch của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc rút quân đội Mỹ khỏi các cuộc xung đột ở nước ngoài.
Theo một quan chức cấp cao Mỹ, thỏa thuận tạm thời yêu cầu giảm tình trạng bạo lực trên toàn lãnh thổ Afganistan trong vòng 7 ngày. Trong đó, Taliban cam kết dừng các vụ đánh bom tự sát cũng như các vụ tấn công bằng tên lửa. Phía Mỹ khẳng định có đủ nguồn lực và thông tin tình báo để kiểm chứng việc thực hiện cam kết giảm bạo lực của Taliban.
Thông báo chính thức về thỏa thuận đình chiến có thể sẽ được Mỹ và Taliban công bố trong ngày hôm nay hoặc ngày mai, và nếu Taliban thực hiện đúng các cam kết, một thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban sẽ được ký trong vòng 10 ngày.
Thỏa thuận hòa bình này sẽ quy định về một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc, Taliban cam kết không chứa chấp các nhóm khủng bố như Al-Qeada, đồng thời xác định mốc thời gian Mỹ bắt đầu rút quân đội khỏi Taliban.
Trong khi đó, thông tin từ phía Taliban cho biết việc ký kết thỏa thuận hòa bình đã được ấn định vào ngày 29/2, sau đó các cuộc đàm phán nội bộ giữa các lực lượng của Afganistan sẽ được bắt đầu từ ngày 10/3.
Đức và Na Uy đã đề xuất đăng cai các cuộc đàm phán nội bộ của Afganistan, tuy nhiên địa điểm tổ chức cuối cùng đến nay vẫn chưa được quyết định. Tuy nhiên, Taliban cũng đặt ra yêu cầu chính quyền Afganistan phải thả 5.000 tù nhân Taliban trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán nội bộ.
Với Taliban, các cuộc đàm phán nội bộ là cơ hội để lực lượng này có tính hợp pháp chính trị lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền vào cuối những năm 1990.