Xung đột chực chờ
Tại Syria, khi xung đột âm ỉ kéo dài suốt gần 9 năm, dường như là cách mà các lực lượng tham chiến có thể làm chậm lại hoặc suy yếu căng thẳng. Thế nhưng, trong tuần qua, những xung đột bùng phát trở lại, leo thang căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria - vốn đã ngừng chiến vào năm 2018 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đồng ý tạo một khu vực phi quân sự để các nhóm đối lập rút lui. Các lực lượng của Ankara và Damascus tấn công trực diện lẫn nhau, căng thẳng dâng cao từng ngày.
Đây được xem như “cơn dư chấn” khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ liên tục bị quân chính phủ Syria tấn công trong vòng 10 ngày qua khiến 13 binh sĩ thiệt mạng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 13/2 tuyên bố sẽ tấn công các lực lượng trên không và trên bộ của Syria “ở bất cứ nơi đâu” trên đất Syria nếu có thêm binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ nào thương vong.
Kỳ vọng được đặt vào Nga - người ủng hộ mạnh mẽ và hậu thuẫn lâu dài của chính quyền Assad, song cũng là “người bạn mới” của Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mọi hy vọng đổ dồn vào sự thảo luận giữa Moskva và Ankara nhằm cứu vãn tình hình.
Điện Kremlin cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Erdogan vừa điện đàm và đồng ý sẽ tiếp tục liên lạc về vấn đề Syria. Tuy nhiên, chưa có biện pháp mấu chốt nào được đưa ra. Trong khi đó, Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm thỏa thuận về việc vô hiệu hóa lực lượng nổi dậy ở Idlib. Nga và Syria cho biết, chiến dịch tại đây nhằm vào những tay súng nổi dậy, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc họ nhằm vào cả dân thường. Đáp trả những lời tuyên bố đó, Tổng thống Recep Erdogan cảnh báo khả năng các máy bay chiến đấu của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đụng độ ở Idlib.
Idlib dường như là “vết thương” nặng nề nhất của cuộc nội chiến dai dẳng ở Syria. Có 4 triệu người dân bị mắc kẹt trong khu vực giao tranh. Tình hình căng thẳng trong những ngày qua khiến hàng ngàn người dân đổ xô lên phía Bắc gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để sơ tán. Bộ Quốc phòng Nga mới đây bác bỏ những cáo buộc tấn công vào dân thường ở Idlib, đồng thời khẳng định “các hoạt động của quân đội Nga và trên hết là Trung tâm Hòa giải các bên tham chiến ở khu vực giảm căng thẳng Idlib, chỉ được thực hiện trên cơ sở các thỏa thuận Sochi”. Bộ này cho rằng, những cáo buộc về dòng người tị nạn ồ ạt chạy khỏi khu vực giảm căng thẳng Idlib là không có cơ sở thực tế, vì một phần đáng kể cư dân tỉnh Idlib đã rời khỏi khu vực nguy hiểm và tiến vào các khu vực do chính phủ Syria kiểm soát.
Charles Lister, thành viên cao cấp tại Viện Trung Đông cho hay: “Hiện, những cuộc đụng độ trực tiếp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria không phải là cuộc chiến ủy nhiệm mà chúng ta thường thấy, mà là một mức độ hoàn toàn mới của xung đột giữa các nước. Trước mắt, những cân nhắc của chính quyền Tổng thống Erdogan đều đổ dồn vào nguy cơ của sự leo thang đụng độ, mà quên rằng, Thổ Nhĩ Kỳ còn phải đối diện với cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có và chắc chắn chỉ trở nên tồi tệ hơn”. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đón nhận dòng người tị nạn ồ ạt.
Nhiệm vụ chính của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria là tiêu diệt các nhóm khủng bố quốc tế bám trụ trên lãnh thổ này để trả lại cuộc sống hòa bình cho người dân Syria. Thế nhưng, cuộc xung đột giữa Thổ - Syria đã kéo theo căng thẳng giữa Thổ - Nga.
“Một loạt các thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo dài sự leo thang trong 500 ngày qua. Nhưng cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải làm một điều gì đó. Song lại rất ít khả năng có sự hỗ trợ của Nga. Moskva không muốn mang thêm các lực lượng của mình hoặc quân đội chính quyền Syria quay trở lại. Điều này đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ phải mạo hiểm với Nga nếu họ trực tiếp tấn công vào lực lượng Syria. Các lựa chọn của Ankara trong bối cảnh này vừa ít thành công vừa dẫn đến vực thẳm”.
Các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân dẫn đến nguy cơ thất bại của Thổ Nhĩ Kỳ, bởi lâu nay Ankara đã tự cô lập mình với các đồng minh phương Tây. Trong khi đó, việc ký kết hợp tác với Nga luôn kết thúc bằng việc Moskva yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ “đầu hàng”. Và tại Syria, hiện không có câu trả lời nào bởi Ankara phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Cuộc xung đột lần này gần như “cởi trói” mọi tiềm ẩn bạo lực, đụng độ quân sự trong suốt 9 năm vừa qua, báo hiệu trước một chương mới đầy rắc rối ở phía trước.
Đối phó nhiều vấn đề nóng
Là một trong những sự kiện tốt nhất để đánh giá định hướng tư duy chính sách đối ngoại, an ninh, hòa bình thế giới, Hội nghị An ninh Munich 2020 diễn ra tại Đức thu hút nhiều nhà hoạch định chiến lược cấp cao. Hơn 35 nguyên thủ quốc gia, và hơn 100 bộ trưởng từ khắp nơi trên thế giới cùng đại diện của nhiều tổ chức quốc tế tham dự từ ngày 14 - 16/2. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nhiều quan ngại về an ninh thế giới tiếp tục bấp bênh, và các nước phương Tây không chắc chắn về giá trị và định hướng chiến lược của họ.
Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 56 được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề “nóng" như các cuộc xung đột quân sự ở Libya và Yemen, căng thẳng leo thang gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung, dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” của Nga... Ngoài ra, các thách thức toàn cầu cấp bách hiện nay như vấn đề biến đổi khí hậu, và gần đây nhất là sự bùng phát của dịch Covid-19... cũng là chủ đề chính, đặc biệt các tác động của biến đổi khí hậu đối với chính sách an ninh và những điểm tương đồng giữa thương mại, phát triển công nghệ và an ninh quốc tế.
MSC năm nay, Thủ tướng Đức Angela Merkel không tham dự, thay vào đó Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đại diện cho nước chủ nhà Đức, tìm cách thể hiện vai trò của Berlin và kêu gọi thế giới trong việc hỗ trợ tiến trình hòa bình tại Libya. Còn Tổng thống Đức Steinmeier trong bài phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh, thế giới mỗi năm lại càng rời xa mục tiêu tạo ra một thế giới hòa bình hơn thông qua hợp tác quốc tế. Ông Steinmeier đã cùng lúc chỉ trích 3 cường quốc lớn thế giới là Mỹ, Nga và Trung Quốc trong cách ứng phó với một số vấn đề. Điều này đang khiến thế giới bất ổn hơn, mất lòng tin lẫn nhau và trang bị vũ khí nhiều hơn.
Hội nghị dành thời gian thảo luận về sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong liên minh xuyên Đại Tây Dương, vai trò và vị trí của phương Tây trở thành đề tài tranh cãi gay gắt. Ngoài ra, an ninh chung ở châu Âu cũng là một vấn đề đáng quan tâm, bởi lục địa già đang bị rạn nứt sau khi Brexit diễn ra và trong bối cảnh sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa quốc tế tự do đang khiến phương Tây gặp nguy hiểm.
Dù hội nghị không phải là nơi để đưa ra chính sách, không giải quyết được các vấn đề an ninh đang đặt ra, nhưng là diễn đàn vô cùng quan trọng để các bên đối thoại, củng cố sự tin cậy lẫn nhau, giảm sự căng thẳng đối đầu, cũng như đối phó với các thách thức, bảo vệ môi trường an ninh quốc tế.