(Baonghean) - Triển khai bộ binh tới Iraq – nhận định này đang được các quan chức cấp cao Mỹ nhắc đến ngày càng nhiều, trong bối cảnh cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Mỹ dẫn đầu bị đánh giá là không đạt hiệu quả như mong muốn.
Mới đây nhất, Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham còn đề xuất triển khai 10.000 lính bộ binh tới Iraq và Syria. Vẫn biết việc gửi quân tới Iraq sẽ là một quyết định vô cùng khó khăn với Tổng thống Barack Obama, song Mỹ cũng không thể mãi đổ tiền của vào những cuộc không kích tiêu tốn hàng tỷ USD mà không “tiêu diệt tận gốc IS” như mục tiêu đặt ra ban đầu.
Theo ông Lindsey Graham, Thượng nghị sỹ đại diện cho bang South Carolina, các cuộc không kích của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu chỉ có thể đẩy lùi được các cuộc tấn công, chứ không tiêu diệt được tận gốc IS ở Iraq và Syria. Do đó, Mỹ cần triển khai ít nhất 10.000 lính bộ binh ở cả hai quốc gia này, đồng thời phối hợp với lực lượng bộ binh của các đồng minh Arab thì mới có thể đánh bại được IS. Ông Lindsey Graham còn gay gắt chỉ trích chính sách hiện nay của chính quyền Tổng thống Barack Obama là “sử dụng vũ lực nửa vời”, và hậu quả của nó là biến Iraq và Syria trở thành thánh địa, bàn đạp để các lực lượng khủng bố tiến hành các cuộc tấn công như vụ 11/9/2001.
Đây không phải là lần đầu tiên ý tưởng Mỹ triển khai bộ binh chống IS được đề cập đến. Trước đó, nhiều nghị sỹ khác đã từng bày tỏ lo ngại rằng, Nhà Trắng chưa triển khai các “kế hoạch triệt để” để tiêu diệt IS, dẫn đến việc liên quân “càng đánh càng không hiệu quả”. Giữa tháng 12 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi giới lập pháp nước này cân nhắc phương án sử dụng lực lượng bộ binh tại Iraq và Syria để chống IS, đồng thời phê chuẩn đạo luật tạo khung pháp lý cho phép chính quyền Tổng thống Obama tiến hành không giới hạn các chiến dịch quân sự ở Trung Đông. Cách đây 3 ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng đã “úp mở” về khả năng này, khi nói rằng “Mọi phương án đều phải được cân nhắc, bao gồm cả việc gửi bộ binh”. Mới đây, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng nhận định rằng, việc tiến hành các cuộc không kích là quan trọng, nhưng sẽ “không giúp giải quyết vấn đề”.
Các chuyên gia đã phân tích, mổ xẻ quá nhiều những lý do “làm khó” cho Tổng thống Barack Obama nếu phải đưa ra quyết định gửi quân đến Iraq một lần nữa. Thế nhưng, những gì đang diễn ra trên thực địa đúng kiểu “sử dụng vũ lực nửa vời” có thể khiến ông phải tính toán lại. Ngay từ khi Mỹ thành lập liên minh quốc tế chống IS hồi tháng 9 năm ngoái, giới phân tích đã đặt dấu hỏi lớn về hiệu quả của liên minh khi chỉ tiến hành không kích mà không có bộ binh. Và hơn 4 tháng sau, câu hỏi đó vẫn chưa hề thay đổi. Hiện nay, Mỹ và các nước trong liên minh vẫn “miệt mài” không kích IS, những con số thống kê về tổn thất gây ra cho IS vẫn được cập nhật đều đặn. Thế nhưng, dễ dàng nhận thấy những tổn thất đó chủ yếu là các mục tiêu về cơ sở vật chất, còn tổn thất về người rất ít được thống kê.
Còn nhớ, trong cuộc họp lần thứ 2 của các nước trong liên minh quốc tế mới đây ở London, Mỹ đã đưa ra những con số cơ bản tổng kết về hoạt động của liên minh trong cuộc chiến chống IS trong hơn 4 tháng: đó là tiêu diệt 6.000 chiến binh IS, giành lại vùng đất 700 km2 do IS chiếm giữ tại Iraq. Nhưng điều dư luận quan tâm hơn lại nằm ở những gì mà Mỹ không đề cập tới: Việc các cuộc không kích tiêu diệt được 6.000 chiến binh IS là có thật, nhưng cũng trong thời gian đó, đã có hàng chục ngàn chiến binh mới gia nhập IS, trong đó có 5.000 chiến binh từ châu Âu. Mạng lưới của IS cũng mở rộng ra nhiều nước lân cận như Lybia, Yemen, Afganistan, Pakistan, Ai Cập và mới đây nhất là Israel. 700 km2 mà lực lượng người Kurd giành lại được dưới sự hỗ trợ của các đợt không kích cũng là có thật, nhưng chỉ vài ngày sau đã bị IS chiếm lại. Đến nay, IS vẫn kiểm soát một vùng rộng lớn tại Iraq và Syria với diện tích trên 32.000 km2, với lực lượng quân đội bên trong hai nước này là 200.000 quân, ở nước ngoài là hơn 31.000 quân nữa. Một vài sự so sánh như vậy đã đủ giải thích vì sao chiến dịch chống IS của liên quân đến nay bị đánh giá là không hiệu quả.
Việc triển khai bộ binh Mỹ tới Iraq hiện nay vẫn chỉ là một khả năng được để ngỏ. Cho dù nhiều lần được giới chức Mỹ đề cập đến, nhưng người quyết định là Tổng thống Barack Obama vẫn chưa có động thái nào cho thấy những tính toán của ông trong bài toán này. Nhưng chắc chắn, ông Obama không muốn nhìn thấy IS ngày càng hoành hành, với những video hành quyết con tin, trong đó có những con tin người Mỹ tung lên mà không bị ngăn cản; không muốn nhìn thấy hơn 8 triệu USD chi phí mỗi ngày cho các cuộc không kích “đổ sông đổ bể”; không muốn sụp đổ một liên minh mà Mỹ cất công thành lập – dù với bất cứ mục đích gì. Bởi vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng, việc lính Mỹ xuất hiện ở chiến trường Iraq có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Thúy Ngọc