1. Mỹ ra đòn trừng phạt “rắn”, Nga-Trung tính sách lược quân sự

32333754_642018.jpgTổng thống Mỹ Donald Trump xem xét áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Nga. Ảnh: NYbooks.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có kế hoạch áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga, đặc biệt nhắm mục tiêu vào giới tài phiệt nước này với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, cũng như đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Skiprtal.

Động thái của Mỹ có thể khiến mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đứng trước “bờ vực thẳm”, mà theo nhận định của giới chuyên gia thậm chí còn nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh trước kia. Trái ngược với Mỹ, Trung Quốc lại tận dụng cơ hội này để thể hiện sự đoàn kết với Nga và khẳng định quan hệ gắn kết về kinh tế, quân sự giữa hai bên.

Trên thực tế Trung Quốc cần Nga như một đối tác quan trọng để giành được lợi thế trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, cũng như nâng cao ảnh hưởng trong giải quyết vấn đề Triều Tiên. Còn Nga cần Trung Quốc để kiềm chế sức ép của Mỹ và phương Tây trong cuộc chiến ngoại giao. Nhiều chuyên gia cho rằng sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc sẽ khiến Mỹ cũng các đồng minh dè chừng./.

2. Người Nga tồn tại ở Ukraine thế nào khi ông Poroshenko "cấm đoán đủ đường"?
Người Nga tồn tại ở Ukraine thế nào khi ông Poroshenko "cấm đoán đủ đường"?
Những người nói tiếng Nga ở Ukraine hiện nay đang phải chịu nhiều bất công từ chính sách chống Nga, tuy nhiên người ta hy vọng rằng tình hình sẽ thay đổi theo hướng tốt hơn sau cuộc bầu cử Tổng thống 2019 tại Ukraine.

Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) dự định thông qua một đạo luật cấm sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Ukraine trong lĩnh vực dịch vụ. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ít nhất sáu triệu công dân nói tiếng Nga tại đất nước này. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình quần chúng không được chào đón – bởi tranh cãi với các nhà chức trách Ukraine không phải là hành động khôn ngoan.

Bà Svetlana Nowicka, một luật sư từ Kiev cho biết: những người nói tiếng Nga phải chịu "Ukraine hóa" cả về mặt đạo đức và kinh tế, tuy nhiên họ lại muốn "thích nghi" với tình hình, chứ không phải cố gắng để thay đổi nó. Cụ thể, có thể nhắc đến việc buôn bán các cuốn sách tiếng Nga.

3. Nga quyết tâm làm sáng tỏ vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal

Các chuyên gia của OPCW đến Salisbury, nơi xảy ra vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh, vào ngày 21/3. Ảnh: Reuters.
Căng thẳng ngoại giao Nga-Anh được hy vọng có thể sớm khép lại khi mà những bí mật đằng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông này trên đất Anh, đang dần được làm sáng tỏ với việc cả hai nạn nhân của vụ việc đầu độc đều đang có dấu hiệu hồi phục sức khỏe.

Trong khi đó, Nga cũng đang thể hiện rõ quyết tâm làm rõ trắng đen để minh oan cho những cáo buộc nhằm vào nước này những ngày qua, thông qua việc yêu cầu triệu tập một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lúc 19h00 GMT ngày 5/4, tức rạng sáng nay (giờ Việt Nam).

Hãng tin Interfax hôm qua (5/4) tiết lộ, cô Yulia Skripal, con gái của cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Salisbury (Anh), đã gọi điện thoại cho một người em họ của mình và cho biết rằng, cả hai cha con cô đều đang hồi phục.

4. Thủ tướng Malaysia tuyên bố giải tán Quốc hội

Ông Najib Razak phát biểu trên truyền hình tuyên bố giải tán quốc hội.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 6/4, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố sẽ giải tán quốc hội vào ngày 7/4.

Nhiệm kỳ 5 năm của ông Najib Razak sẽ kết thúc vào ngày 24/6 tới. Tuy nhiên thủ tướng có thể giải tán quốc hội bất kỳ lúc nào trước khi nhiệm kỳ của mình kết thúc và kêu gọi cuộc bầu cử. Việc giải tán quốc hội mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử được coi là khó khăn nhất từ trước tới nay đối với liên minh cầm quyền lâu năm của ông Najib.

Trong bài phát biểu 25 phút của mình trên truyền hình, ông Najib đã đưa ra những lý do để giải tán quốc hội sớm. Ông Najib cũng nói về những thành tựu của đất nước dưới sự lãnh đạo của chính phủ do ông đứng đầu trong 5 năm qua cũng như các sáng kiến mà chính quyền của ông đưa ra.

5. Cựu tổng thống Park Geun-hye bị tuyên án 24 năm tù

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trình diện tại tòa hôm 25/8/2017. Ảnh: EFE.
Tòa án Hàn Quốc tuyên án bà Park 24 năm tù trong bê bối tham nhũng khiến bà mất chức tổng thống hồi năm ngoái.

Trong phiên xử được truyền hình trực tiếp, tòa án quận trung tâm Seoul ngày 6/4 tuyên bố bà Park phạm 16 tội danh về tham nhũng, trong đó có nhận hối lộ, cưỡng ép, lạm quyền, theo Yonhap. Bà bị tuyên án 24 năm tù và 18 tỷ won (16,9 triệu đô) tiền phạt. 

Bà bị xác định thông đồng với người bạn cũ Choi Soon-sil để nhận hàng chục triệu đô từ các tập đoàn lớn như Samsung và Lotte, nhằm giúp gia đình bà Choi và tài trợ cho các quỹ phi lợi nhuận do bà Choi sở hữu.

6. Biểu tình lại sôi sục ở biên giới Israel, máu của người Palestine sẽ còn đổ?

Binh lính Israel sử dụng khí hơi cay nhằm giải tán đám đông người biểu tình từ dải Gaza.
Theo hãng tin Sputnik, hàng chục ngàn người Palestine sẽ tiếp tục tập trung lại khu vực biên giới Israel và dải Gaza trong ngày 6/4 và hoạt động này dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 15/5.

Trước đó, trong cuộc biểu tình ngày 30/3, quân đội Israel đã dùng vũ lực để trấn áp người dân Palestine đã có mặt, với lý do rằng cuộc biểu tình này do lực lượng Hamas dàn xếp. Theo một phát ngôn viên của Bộ Y tế dải Gaza, đã có ít nhất 15 người Palestine thiệt mạng và hơn 1.500 người khác bị thương trong ngày đầu tiên của cuộc biểu tình.

Ông Eric Goldstein, Phó giám đốc phụ trách vùng Trung Đông của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) đã đưa ra thông cáo báo chí nói rằng “binh lính Israel không những đã dùng vũ lực quá mức, mà còn thực hiện dựa trên những mệnh lệnh buộc Palestine đáp trả đẫm máu”.

7. Tuyên bố rút quân Mỹ khỏi Syria của ông Trump chỉ là một “âm mưu”?

Quân đội Mỹ hoạt động ở Syria.
Hôm 5/4, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami nhấn mạnh, tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc sớm rút quân đội Mỹ khỏi Syria chỉ là một "âm mưu" của Washington.

“Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi nghe tuyên bố từ ông Trump bởi Mỹ có kế hoạch hiện diện lâu dài ở Syria và muốn chia cắt quốc gia này. Khi tôi nghe tuyên bố của ông Trump, tôi đã tự đặt ra câu hỏi: Tại sao họ lại có thông báo như vậy? Và theo quan điểm cũng như kinh nghiệm của tôi, tôi cho rằng, đó là một âm mưu mới”, RT dẫn lời ông Hatami phát biểu bên lề Hội thảo An ninh quốc tế Moscow (MCIS)lần thứ 7.  

Cũng theo ông Hatami, sau khi ông Trump tuyên bố sẽ sớm rút quân đội Mỹ khỏi Syria, các tướng lĩnh an ninh hàng đầu của nhà lãnh đạo Mỹ đã đưa ra những lời bình luận trái ngược. Điều này chứng minh chính quyền của ông Trump đang bất hòa trong chính sách liên quan tới Syria.