Viện trợ kỷ lục

Hãng RT ngày 3/10 cho biết, Mỹ đã bắt đầu thực hiện gói viện trợ 38 tỷ USD trong vòng 10 năm cho Israel, gói viện trợ lớn nhất trong lịch sử Mỹ dành cho một quốc gia đồng minh.

Đây là gói viện trợ nằm trong thỏa thuận đã đạt được giữa Israel và chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama hồi năm 2016.

Khoản hỗ trợ kéo dài trong 10 năm chính thức được kích hoạt vào ngày 1/10, đúng vào thời điểm căng thẳng giữa Israel và đối thủ "không đội trời chung" tại Trung Đông - Iran đang leo thang và đặc biệt, Tel Aviv đang tỏ ra quan ngại khi Nga chuyển giao S-300 nhằm chống lại các cuộc không kích của nước này.

085110-1.jpgNga chuyển hệ thống S-300 đến Syria.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, gói viện trợ nhằm mục tiêu bảo vệ Israel chống lại tất cả các đối thủ tiềm tàng trong khu vực, nhưng chủ yếu là chống lại cáo buộc "chính phủ Iran tài trợ cho các nhóm khủng bố".

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu viết trên trang Twitter: "Israel và thế giới đang đối mặt với những thách thức về mặt an ninh, chủ yếu từ sự hiếu chiến của Iran. Sự ủng hộ kiên định của Mỹ với quyền tự vệ của Israel là một trong những trụ cột của mối quan hệ ngoại giao bền vững giữa 2 quốc gia".

Thỏa thuận được mô tả chi tiết trong Đạo luật ủy quyền hỗ trợ an ninh Mỹ-Israel 2018, Washington sẽ viện trợ Israel hàng năm 3,3 tỷ USD trong hạng mục tài trợ quân sự nước ngoài và 500 triệu USD cho các chương trình hợp tác tên lửa quốc phòng.

Cụ thể, Mỹ đã thông qua việc chuyển các đạn dược dẫn dường chính xác từ kho dự trữ tới Israel nhằm giúp nhà nước Do Thái phản ứng kịp thời với mối đe dọa từ tên lửa. Đạo luật cũng đồng thời cho phép mở rộng kho vũ khí của Mỹ tại Israel.

Không phải ngẫu nhiên Mỹ chính thức kích hoạt gói viện trợ kỷ lục dành cho Israel ngay trước khi Nga công bố đã hoàn thành chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-300 - loại vũ khí khiến Israel đang đau đầu tìm cách đối phó.

Chính vì vậy, Reuters cho rằng, rất có thể trong lần giải ngân đầu tiên này, Mỹ sẽ chuyển cho Israel những vũ khí tầm xa hoặc được coi là khắc tinh của hệ thống phòng không nhằm giúp Tel Aviv có thể vô hiệu phòng không Syria trong trường hợp cần thiết. Vậy, lô vũ khí có thể gồm những loại nào?

Vũ khí tối tân

Theo nhận định của giới chuyên gia, Mỹ là quốc gia có kinh nghiệm đối phó với S-300 nhiều nhất khi họ đã mua lại được cả một bộ hoàn chỉnh tên lửa phòng không S-300V và S-300P thông qua nhiều con đường và quốc gia cung cấp khác nhau để luyện tập các phương án đối phó trong nhiều năm qua.

Các loại vũ khí được cho là đủ sức xuyên thủng chiếc ô phòng thủ của S-300 mà Mỹ có thể sớm cung cấp cho Israel đầu tiên phải kể đến tên lửa hành trình tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM. Với tầm bắn 370 km, đường bay rất thấp để tránh radar và có lớp vỏ tàng hình, nó sẽ dễ dàng lọt qua các hệ thống phòng không của Syria.

Bên cạnh đó Mỹ dự kiến sẽ chuyển giao cho Israel cả các tên lửa mồi bẫy ADM-160 MALD để phối hợp cùng các loại vũ khí tấn công khác trong một loạt đạn lớn khiến cho phòng không Syria bị quá tải và không thể phân biệt được đâu là mục tiêu thật.

Cuối cùng, cần như chắc chắn Tel Aviv sẽ nhận được các tên lửa chống radar thế hệ mới nhất của Mỹ là AGM-158E HARM. Đây chính là sát thủ của các đài radar tầm xa của S-300 nhờ đầu dò rất nhạy, có khả năng nhớ vị trí mục tiêu và cực kỳ khó bắn hạ.

Rõ ràng hai bên Syria và Israel đang sẵn sàng vũ khí cho cuộc chơi lớn, tình hình Trung Đông vì vậy được dự báo sẽ cực kỳ căng thẳng trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt là khi Nga đã hoàn thành việc chuyển hệ thống S-300 đến Syria.