Loại pháo tự hành mới Mỹ phát triển dựa trên nguyên mẫu pháo M109A7 hiện có trong quân đội nước này. Mục đích của chương trình phát triển pháo tự hành này nhằm cạnh tranh trực tiếp với Nga.
Hệ thống pháo mới của Mỹ được trang bị khá tối tân với nòng pháo có cỡ nòng lên tới 155mm và được tích hợp hệ thống nạp đạn tự động nhằm tăng tốc độ bắn và sự ổn định khi nạp đạn.
Ngoài ra, thế hệ pháo này còn có thể phóng tên lửa qua nòng pháo và diệt mục tiêu ở tầm xa lên tới 70km. Với tầm bắn này, Mỹ đã tạo ra thế hệ pháo tự hành có tầm bắn hiệu quả xa hơn gấp 3 lần Msta-S của Nga.
Không chỉ âm thầm phát triển vũ khí mới, Mỹ cũng đang âm thầm vượt Nga trong lĩnh vực này bởi theo Tướng Robert Brown, Tư lệnh Bộ chỉ huy Lục quân khu vực Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố:
"Quân đội Mỹ cần phải nâng hết cỡ tầm bắn của mọi hệ thống vũ khí chiến thuật và chiến lược, nhằm giành ưu thế so với đối thủ. Mỹ cần các loại pháo có thể bắn xa như pháo phản lực, rocket có tầm bắn như tên lửa, trong khi tên lửa cần tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách gần 500 km".
Căn cứ vào kế hoạch tăng tầm bắn của pháo binh Mỹ, giới chuyên gia nhận định điều này có thể biến pháo binh thành át chủ bài của Mỹ trong xung đột quân sự tương lai với Nga. Và bản kế hoạch này đi ngược hoàn toàn với tuyên bố trước đây của Mỹ về đầu tư của Nga dành cho pháo binh.
Trước đó không lâu, chính vị tướng này từng khẳng định rằng, trong chiến tranh hiện đại, đầu tư lớn cho lực lượng pháo binh đã không còn thích hợp, các cường quốc đã dần dần chuyển bớt vai trò của pháo binh sang không quân và các tên lửa chiến thuật có tính cơ động cao, sức công phá mạnh và đa năng trong nhiều trường hợp.
Chính vì vậy, số lượng pháo xe kéo giảm dần, vì vậy hiện Mỹ chỉ ưu tiên những trọng pháo hỏa lực mạnh yểm trợ cho bộ binh như M777. Và đây là nguyên nhân khiến pháo binh Mỹ thua kém Nga. Nhưng để đề phòng trường hợp hỏa lực không quân không hỗ trợ kịp, Mỹ chợt nhận ra cần phải có lực lượng pháo binh đủ mạnh để có thể vượt Nga.
Tuy nhiên, nỗ lực của Mỹ rất khó có thể thực hiện được bởi theo số liệu do Global Firepower công bố hồi năm 2017 cho biết, Nga hiện được trang bị khoảng 14.000 khẩu pháo các loại, trong khi đó số lượng của Mỹ khiêm tốn hơn rất nhiều khi chỉ có 1.299 khẩu pháo và xếp hạng 12 thế giới về pháo binh.
Trong số khoảng 14.000 khẩu pháo của Nga, số lượng pháo xe kéo lên tới 4.000 khẩu các loại. Trang bị pháo tự hành chiếm số lượng lớn nhất của pháo binh Nga, lên tới 6.000 khẩu các loại.
Trong đó loại hiện đại nhất là 2S19 Msta-S. Tuy có tới 6.000 khẩu, nhưng số trực chiến chỉ khoảng 2.000 khẩu. Lực lượng pháo phản lực phóng loạt của Quân đội Nga hiện có khoảng 3.600 khẩu.
Tuy nhiên cũng chỉ có chừng 1.200 khẩu pháo phản lực trực chiến, chiếm số đông là loại BM-21 Grad. Số trực chiến của tổ hợp pháo phản lực phóng loạt mạnh mẽ nhất BM-30 Smerch được cho là chỉ khoảng 30 khẩu, còn lại hơn 100 khẩu niêm cất.
Pháo binh Nga cũng được trang bị một số tổ hợp tên lửa chống tăng mang vác và tự hành. Ví dụ như tổ hợp tên lửa Khrizantema-S có khả năng phá hủy mọi xe tăng tối tân trên thế giới.