Trường đại học bang Michigan của Mỹ ngày 29/5 thông báo trong năm nay sẽ đưa ra thị trường công nghệ tách nước sạch từ chất thải gia súc, giải pháp được đánh giá là đặc biệt hữu hiệu cho ngành chăn nuôi ở các vùng khô hạn, khan hiếm nước.

images986307_wallaceandsafferman.jpgPhó giáo sư Steve Safferman (phải) đứng cạnh hệ thống phân tách McLanahan. (Nguồn: msutoday.msu.edu)

Hệ thống phân tách chất dinh dưỡng McLanahan này là phiên bản nâng cấp của bộ máy kỵ khí vốn có khả năng tách năng lượng và chất hóa học từ chất thải gia súc. 

Được tích hợp thêm bộ máy siêu lọc, bộ phận lọc khí và một hệ thống thẩm thấu ngược, hệ thống phân tách McLanahan mới có thể tách được nước đủ sạch để cho gia súc uống. 

Phó giáo sư về hệ sinh vật học và công nghệ nông nghiệp Steve Safferman cho biết hệ thống được đánh giá cao cả ở vấn đề bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. 

Theo ông Safferman, khoảng 90% chất thải gia súc là nước, công nghệ McLanahan hiện có thể tách từ 0,45 m3 chất thải ra gần 0,23 m3 nước, và đang đặt mục tiêu tăng lượng nước tách ra lên 0,3 m3. Ước tính, 1.000 con bò mỗi năm sẽ cho ra khoảng 37.850 m3 chất thải. 

Phó giáo sư Safferman cho biết công nghệ này sẽ rất hiệu quả tại các trang trại ở miền Tây nước Mỹ nơi hạn hán đang là một vấn nạn. Việc có thể tạo ra được nguồn nước sạch ở đây thậm chí có thể quyết định sự tồn vong của một trang trại. 

Chất thải gia súc cũng chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng, carbon và các mầm bệnh, những thành phần có thể gây ảnh hưởng tới môi trường nếu không được xử lý đúng cách. 

Ngoài ra, một vấn đề đối với hệ thống này là xử lý ammonia; chất này có thể bốc hơi và ảnh hưởng tới chất lượng không khí./.

Theo TTXVN