Theo Ngoại trưởng Rex Tillerson, ông và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis "sẵn sàng đối thoại bất cứ lúc nào" nhằm chấm dứt mối nguy chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên. Tuy nhiên, hàng loạt cuộc tập trận và diễn tập hậu cần mô phỏng một cuộc chiến trên bộ quy mô lớn đang diễn ra trên đất Mỹ.
Theo NY Times, các cuộc tập trận của quân đội Mỹ đang diễn ra lặng lẽ nhưng ngày càng tăng về cả quy mô lẫn chu kỳ, là chưa từng thấy kể từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến chống Iraq vào năm 2003.
Lầu Năm Góc cho rằng các cuộc diễn tập xâm chiếm trên bộ chỉ đơn giản là chương trình huấn luyện chống khủng bố, song quy mô và phạm vi của nó lớn hơn trước rất nhiều. Cụ thể là, cuộc tập trận hồi tháng trước tại căn cứ Fort Bragg, Bắc Carolina, có sự tham gia của 48 trực thăng có gắn súng máy Apache, trực thăng vận tải Chinook, và diễn tập bắn đạn thật.
Cuộc diễn tập ở căn cứ Fort Brag diễn ra chưa đầy 48h sau cuộc diễn tập vào ban đêm ở Nevada.
Bên cạnh việc mở rộng các cuộc diễn tập kiểu xâm chiếm, Mỹ cũng sẽ triển khai thêm lực lượng đặc nhiệm tới Hàn Quốc, nhằm tăng cường an ninh cho Thế vận hội mùa đông 2018 diễn ra ở Pyeongchang, nơi cách biên giới Triều Tiên khoảng 130km.
Trong khi đó, tại Nhật, chính phủ nước này đã bắt đầu vạch kế hoạch sơ tán công dân của mình cũng như của Mỹ khỏi Hàn Quốc bằng đường biển, phòng trường hợp Triều Tiên có thể tấn công Hàn Quốc.
Báo Yomiuri Shimbun đưa tin, kế hoạch của Chính phủ Nhật đề cập tới việc đưa dân Nhật từ Hàn Quốc tới đảo Tsushima rồi sau đó tới Kyushu. Kế hoạch này có thể được thực thi nếu sân bay ở Seoul bị chặn hoặc không thể hoạt động trong tình huống khẩn cấp.
Theo Yomiuri Shimbun, Chính phủ Nhật cũng tính tới khả năng Hàn Quốc cấm tàu của Nhật vào cảng. Khi đó, các thủy thủ Nhật có thể phải dùng tàu của Mỹ để chuyển người sang tàu của Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật rồi mới đưa người tới Tsushima.