Cụ thể, tàu sân bay trực thăng JS Kaga (DDH-184), tàu khu trục JS Murasame (DD101) cùng trực thăng SH-60J, một tàu ngầm lớp Oyashio và 1 máy bay tuần tra trên biển P-1 đã tiến hành tập trận chống tàu ngầm trên Biển Đông với tàu khu trục USS Milius (DDG-69) và máy bay tuần tra trên biển P-8A của Hải quân Mỹ.
Đây là lần đầu tiên 1 tàu ngầm thuộc JMSDF tiến hành tập trận chống tàu ngầm với Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Cả tàu Kaga và Murasame đều tiến hành tập trận trên Biển Đông với tàu Milius của Mỹ hồi tuần trước và sau đó ghé Cảng Subic, Philippines cuối tuần qua. Sau khi rời Cảng Subic, các tàu này tiến hành tập trận ở Biển Đông với khinh hạm BRP Jose Rizal (FF-150) thuộc Hải quân Philippines.
Theo 2 thông cáo báo chí của JMSDF, lực lượng này sẽ tiến hành cả tập trận rà phá thủy lôi với Hải quân Mỹ từ ngày 18-28/11 tới tại khu vực Hyuga Nada ngoài khơi đảo Kyushu (Nhật Bản). Cuộc tập trận chung này có sự tham gia của 17 tàu quét thủy lôi thuộc JMSDF, 1 tàu tiếp liệu và 2 trực thăng vận tải/quét mìn cỡ lớn MCH101, trong khi phía Hải quân Mỹ sẽ triển khai 2 tàu quét thủy lôi cùng với 2 trực thăng MH-53E.
Sau đó, từ ngày 21-30/11 tới tại khu vực biển xung quanh Nhật Bản, một cuộc tập trận hải quân song phương giữa JMSDF và Hải quân Mỹ sẽ diễn ra cùng với 2 cuộc tập trận đa phương. Cuộc tập trận đa phương đầu tiên sẽ bao gồm JMSDF, Hải quân Mỹ, Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) và Hải quân Đức, trong khi cuộc tập trận thứ hai bao gồm JMSDF, Hải quân Mỹ và Hải quân Hoàng gia Canada (RCN).
Tổng cộng có 20 tàu và 40 máy bay thuộc JMSDF, 10 tàu Hải quân Mỹ, 2 tàu RAN, 1 tàu RCN và 1 tàu Hải quân Đức sẽ tham gia tập trận. Hiện, khinh hạm HMAS Warramunga (FFH152) thuộc RAN và khinh hạm FGS Bayern (F217) thuộc Hải quân Đức đang thực thi nhiệm vụ tuần tra, giám sát ở Biển Hoa Đông nhằm hỗ trợ lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Triều Tiên, trong khi tàu HMCS Winnipeg (FFh338) thuộc Canada đang được triển khai tới khu vực và hiện đang có chuyến thăm căn cứ hải quân White Beach trên Quần đảo Okinawa. Còn tàu khu trục HMAS Brisbane (D41) của RAN hiện đang gần Nhật Bản.
Trong khi đó, ngày 15/11 vừa qua, Hải quân Mỹ và Brunei bắt đầu tập trận thường niên có tên Hợp tác Huấn luyện và Sẵn sàng chiến đấu trên biển (CARAT) kéo dài 5 ngày, được tiến hành theo hình thức trực tuyến cũng như trên thực địa tại Biển Đông.
Theo thông báo từ Hải quân Mỹ, lực lượng Mỹ tham gia CARAT 2021 gồm tàu chiến ven biển USS Jackson (LCS-6), cùng các trực thăng MH-60S thuộc Phi đội Trực thăng trên biển (HSC) số 23 và 1 máy bay tuần tra P-8A Poseidon. Theo thông cáo báo chí của Hạm đội số 7 của Mỹ, cuộc tập trận CARAT 2021 tập trung vào toàn bộ năng lực hải quân, cũng như các nội dung nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ và Brunei, hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo môi trường an ninh hàng hải Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Brunei và Mỹ sẽ tiến hành phần tập trận trên biển ở Biển Đông.
Trước đó, từ ngày 1-11/11 vừa qua, Hải quân Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận CARAT với Indonesia theo hình thức trực tuyến, trên thực địa tại Surabaya, và biển Java.