Theo tuyên bố trên, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Tài nguyên Năng lượng Frank Fannon đã có chuyến thăm Ukraine từ ngày 22-24/7, tổ chức các cuộc gặp tại thủ đô Kiev của nước này với Tổng thống Petro Poroshenko, Thủ tướng Vladimir Groisman, các Chủ tịch Verkovna Rada (Quốc hội) và các quan chức nhà nước khác.
Nauert khẳng định trong các cuộc họp, “Trợ lý Ngoại trưởng Fannon nhấn mạnh lập trường phản đối đối với Dòng chảy phương Bắc 2 cùng những nỗ lực quy mô hơn của Nga nhằm sử dụng năng lượng để gây tổn hại cho Ukraine và phá hoại an ninh châu Âu”.
“Trợ lý Ngoại trưởng Fannon cũng thảo luận tầm quan trọng đặc biệt của việc tiếp tục các cải cách trong lĩnh vực năng lượng nhằm thúc đẩy một ngành năng lượng minh bạch và cạnh tranh, là chìa khóa dẫn tới thành công của một nước Ukraine ổn định, thịnh vượng, dân chủ và tự do”, tuyên bố trên cho biết.
Washington đã nhiều lần phản đối xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 và tìm cách ngăn chặn việc này. Nhiều chuyên gia cho rằng điều này là bởi Mỹ muốn thúc đẩy khí thiên nhiên hóa lỏng (KNG) của họ sang thị trường châu Âu. Theo các chuyên gia, nguồn cung LNG của Mỹ cho Liên minh châu Âu có thể đắt hơn nhiều so với nguồn vận chuyển khí tự nhiên của Nga.
Hồi năm ngoái, giới chức Mỹ đã thông qua Đạo luật Chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA). Luật này cho phép áp đặt các hạn chế đối với các công ty liên quan đến việc xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.
Các đối tác của Tập đoàn Gazprom của Nga trong Dòng chảy phương Bắc 2 gồm: Wintershall và Uniper của Đức; OMV của Áo, Engie của Pháp và Royal Dutch Shell của Anh và Hà Lan.
Hôm 11/7, Tổng thống Mỹ đã kịch liệt chỉ trích các nước NATO ủng hộ xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2. Khi phát biểu trước phóng viên trước thềm cuộc gặp với Tổng Thư ký NATO tại Brussels, ông đã công kích Đức, gọi nước này là “một tù binh của Nga”.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 theo kế hoạch sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2019. Mỗi nhánh trong tổng số 2 nhánh của đường ống này sẽ có dung tích lên tới 27,5 tỷ mét khối. Đường ống dự kiến chạy từ bờ biển Nga dọc theo đáy Biển Baltic đến bờ biển Đức, kết nối cơ sở tài nguyên của Nga với các khách hàng châu Âu. Tổng chi phí dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ước tính khoảng 9,9 tỷ euro. Đường ống dẫn khí đốt này sẽ không chạy qua các nước trung chuyển chẳng hạn như Ukraine, Belarus và Ba Lan, mà chạy qua các vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.