Dù ca ngợi Kim, Trump vẫn trừng phạt Triều Tiên thêm 1 năm
Sau khi trở về từ hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên tại Singapore tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter: "Không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Tối nay có thể ngủ ngon". Sau cuộc gặp, ông Trump đã dành nhiều lời ca ngợi ông Kim, nói lãnh đạo Triều Tiên là "nhà đàm phán rất thông minh, cứng rắn và đáng tôn trọng".
Tuy nhiên, một tuyên bố của tổng thống gửi cho Quốc hội Mỹ hôm 22/6 lại cho thấy giọng điệu khác khi giải thích lý do chính quyền Trump cần tiếp tục duy trì các biện pháp cấm vận kinh tế cứng rắn với Bình Nhưỡng, theo AFP. Các biện pháp này xuất hiện lần đầu dưới thời cựu tổng thống George W. Bush.
Ông nói vì lý do trên, 6 sắc lệnh hành pháp áp đặt cấm vận với Triều Tiên mà chính quyền của ông cũng như các chính quyền Mỹ trước đây đã ban hành phải được tiếp tục duy trì sau ngày 27/6.
Các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC đồng ý tăng sản lượng
Bộ trưởng Dầu mỏ Angola Diamantino Azevedo cho biết, 10 nước sản xuất dầu mỏ không thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), trong đó có Nga, đã ủng hộ tăng sản lượng dầu.
Quyết định trên được đưa ra tại một hội nghị Bộ trưởng Năng lượng các nước sản xuất dầu mỏ trong và ngoài OPEC tại Vienna (Áo) ngày 23/6 nhằm đảm bảo sự tham gia của các nước ngoài OPEC vào một thỏa thuận nội bộ OPEC về tăng sản lượng vừa đạt được trước đó một ngày.
Ukraine ngăn chặn thành công vụ buôn lậu vật liệu phóng xạ cực nguy hiểm
Đơn vị phản gián của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã thực hiện hoạt động đặc biệt ngăn chặn thành công một vụ bán vật liệu phóng xạ Radium-226, Văn phòng Báo chí Cơ quan thông báo cho Báo Bưu điện Kiev biết hôm 23/6.
SBU phát hiện vật liệu phóng xạ nguy hiểm cao cất giữ trong một thùng hình trụ được chôn dưới hố sâu 2 trong vườn của một gia đình. Thông báo cho biết có 6 thủ phạm là thành viên của nhóm tội phạm có tổ chức bị bắt.
SBU đã thu thập được bằng chứng cho thấy các thành viên của một tổ chức đang âm mưu thực hiện một giao dịch bất hợp pháp: bán Radium được nhập lậu vào Ukraina từ một quốc gia Trung Âu.
Quân chính phủ Syria giành lợi thế ở tỉnh miền Nam Daraa
Ngày 23/6, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết các lực lượng chính phủ Syria cùng ngày đã giành được những thắng lợi đầu tiên trước các tay súng phiến quân ở tỉnh miền Nam Daraa, sau 7 ngày oanh tạc ác liệt.
Kể từ ngày 19/6 vừa qua, binh lính thuộc lực lượng chính phủ Syria đã tăng cường các đợt nã pháo vào các khu vực do phe đối lập kiểm soát ở vùng nông thôn phía Đông tỉnh Daraa, trước khi mở một cuộc tấn công trên bộ nhằm vào phiến quân tại khu vực này.
Sau khi đảm bảo an ninh thủ đô Damascus, quân đội Syria đã tập trung vào khu vực phía Nam đất nước, nơi phiến quân vẫn kiểm soát phần lớn các tỉnh Daraa và Sweida.
Biểu tình yêu cầu tổ chức trưng cầu về thỏa thuận cuối của Brexit
Ngày 23/6, hàng nghìn người ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) đã tập trung tại trung tâm thủ đô London để kêu gọi Chính phủ Anh tổ chức bỏ phiếu công khai về các điều khoản đưa Anh rời EU - Brexit.
Chiến dịch mang tên "People's Vote" (Người dân bỏ phiếu) bao gồm một số nhóm ủng hộ EU được triển khai nhằm đảm bảo chính phủ sẽ tổ chức bỏ phiếu công khai để người dân có thể quyết định xem thỏa thuận cuối cùng sẽ giúp tương lai đất nước tươi đẹp hơn hay tồi tệ đi. Thỏa thuận này được đánh giá là có thể ảnh hưởng tới đời sống của nhiều thế hệ người dân Anh trong tương lai.
Hàn Quốc: Tỷ lệ thất nghiệp ở người có trình độ cao tăng mạnh
Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê Hàn Quốc công bố ngày 23/6 cho biết trong tháng Năm vừa qua, số người thất nghiệp có trình độ đại học (hệ 4 năm) là khoảng 402.000 người (trong tổng số 1.121.000 người thất nghiệp), cao thứ hai (với 35,8%) chỉ đứng sau nhóm lao động tốt nghiệp trung học (40,6%).. Đây cũng là mức thất nghiệp trong nhóm lao động này cao nhất kể từ năm 2000 (14,2%).
Tỷ lệ thất nghiệp tại Hàn Quốc trong tháng Năm vừa qua là 4%, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là tháng Năm vừa qua có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 18 năm qua tại đất nước kim chi.
Tấn công bằng lựu đạn ở Ethiopia
Ngày 23/6, Hội Chữ thập Đỏ Ethiopia cho biết ít nhất 3 người đã thiệt mạng và 164 người bị thương trong vụ nổ bom tại một cuộc mít tinh sáng cùng ngày ở thủ đô Addis Ababa.
Hội Chữ thập Đỏ Ethiopia cho biết vụ đánh bom xảy ra khi hơn 3 triệu người đang tụ tập ở Quảng trường Meskel để ủng hộ tân Thủ tướng Abiy Ahmed. Khoảng 50 người đã được sơ cứu tại chỗ, trong khi 114 người được đưa tới các cơ sở y tế.
Trên 700 người được giải cứu trên Địa Trung Hải
Ngày 23/6, Lực lượng Hải quân Libya cho biết 5 người di cư châu Phi đã thiệt mạng và gần 200 người khác đã được giải cứu ngoài khơi bờ biển nước này khi đang tìm cách vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu.
Cụ thể, trong một chiến dịch đầu tiên trong ngày 22/6, Hải quân Libya đã cứu được 94 người di cư, trong đó có 3 trẻ em và 9 phụ nữ, khi chiếc thuyền chở họ đang chìm dần ở khu vực ngoài khơi bờ biển Garabulli, phía Đông thủ đô Tripoli của Libya.
Người phát ngôn của Hải quân Libya Ayoub Kacem cho biết thêm đã tìm thấy thi thể 5 người di cư thiệt mạng. Cũng tại vùng biển trên, Hải quân Libya đã phát hiện một chiếc thuyền khác và đã giải cứu 91 người, đến từ nhiều nước châu Phi khác nhau.