Mỹ mới đây điều hai chiếc B-52 bay thẳng từ Mỹ tới Úc, coi đây là một cách ủng hộ các đồng minh châu Á trước những hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông, Washington Times đưa tin.

images1193293_us.jpgMáy bay B-52 của Mỹ. Ảnh: US Navy

Hai máy bay ném bom chiến lược B-52 cất cánh từ căn cứ không quân Barksdale ở bang Louisiana vào đầu tháng 7, nhằm thực hiện điều mà Lầu Năm Góc gọi là “nhiệm vụ phòng ngừa và ngăn chặn của máy bay ném bom”. Nhiệm vụ kéo dài 44 giờ có sự phối hợp với lực lượng không quân hoàng gia Úc, và đã sử dụng các loại bom thông thường tại khu vực ném bom Delamere phía đông bắc Úc.

“Những chuyến bay đó là một trong nhiều cách để Mỹ thể hiện sự cam kết của mình đối với hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương. Chúng cũng tăng cường các kỹ năng của phi hành đoàn và nâng cao sự hiểu biết khi tác chiến trên thế giới, phối hợp huấn luyện và cam kết hợp tác an ninh với các đồng minh khu vực của chúng tôi, nhằm giúp cải thiện sự tương tác với nhau và năng lực đáp trả bất cứ mối đe dọa tiềm tàng nào”, đô đốc hải quân Mỹ Cecil Haney nói.

Đô đốc Haney nói rằng, các nhiệm vụ phòng ngừa, ngăn chặn cũng được xem là thông điệp chiến lược. Ông từ chối xác định rõ mục tiêu của thông điệp này. Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng khác của Mỹ nói rằng, thông điệp này được gửi tới Trung Quốc do nước này gia tăng hoạt động hăm dọa ở biển Đông.

Đại tá không quân John Varilek, chỉ huy phi đoàn hỗ trợ tác chiến số hai của Mỹ, gọi các cuộc diễn tập không kích là nhiệm vụ huấn luyện quan trọng. “Mục đích của các cuộc tập trận này là bảo đảm an ninh cho các đồng minh của chúng tôi và ngăn chặn kẻ địch, để họ hiểu rằng chúng tôi sẽ có mặt ngay tức khắc mọi nơi, mọi lúc”, đại tá Varilek tuyên bố.

Thông điệp răn đe

Phát ngôn viên căn cứ không quân Barksdale nói rằng, các cuộc diễn tập cho thấy các máy bay B-52 có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác toàn cầu, nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công chiến lược nhằm vào Mỹ. Các đồng minh cho phép phi đoàn ném bom số hai của Mỹ thực hiện cam kết với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong cuộc diễn tập ném bom tại Delamere, B-52 bay tới căn cứ không quân hoàng gia Úc tại Tindal, nằm cách thành phố Darwin 200 dặm về phía nam, nơi đóng trú của 1.500 lính thủy đánh bộ Mỹ được triển khai theo chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương. Đại úy không quân Jared Patterson, phụ trách chiến lược và vũ khí của sư đoàn không quân số 96 tại căn cứ Barksdale, khẳng định, nhiệm vụ của B-52 là hậu thuẫn các đồng minh châu Á. Ông Patterson cho biết, khi Mỹ xoay trục sang châu Á, điều quan trọng là cho thấy B-52 không chỉ có mặt tại căn cứ không quân Andersen ở Guam, mà trên toàn bộ khu vực.

Truyền thông Trung Quốc nóng lên trước động thái Mỹ điều B-52 tới Úc, cho rằng khoảng cách bay từ căn cứ ở Mỹ tới Úc cũng bằng khoảng cách tới Trường Sa ở biển Đông. Một số chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định, Lầu Năm Góc đã hành động để tăng cường niềm tin cho các đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương về khả năng đối phó Trung Quốc.

Washington muốn chứng tỏ khi cần thiết sẽ can thiệp vào châu Á-Thái Bình Dương mà không nhất thiết phải sử dụng đến căn cứ quân sự ở khu vực này. Lực lượng không quân Mỹ hoàn toàn có thể cất cánh từ Mỹ và thực hiện tiếp nhiên liệu trên không để có mặt tại châu Á, bảo vệ các đồng minh trước các mối uy hiếp quân sự.

Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) ngày 18/7 dẫn lời Tổng tham mưu trưởng quân đội Nhật Bản Katsutoshi Kawano thăm Mỹ từ ngày 15 đến 18/7, dự đoán Trung Quốc hiếu chiến hơn nữa trong tương lai khi nước này đang tìm cách khuếch trương ở khu vực. Đô đốc Kawano lưu ý, tại Đối thoại an ninh Shangri-La năm nay, đại diện Trung Quốc đã không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ xem xét những hành động cứng rắn hơn như sử dụng các đảo nhân tạo xây dựng cho mục đích quân sự hoặc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới.

Cựu Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Richard Armitage, một nhân vật ủng hộ chiến lược xoay trục trong quan hệ Nhật-Mỹ, tuyên bố, nếu Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ tại biển Đông, Mỹ sẽ đáp trả theo cách đã làm khi Bắc Kinh lập ADIZ ở biển Hoa Đông.

Cụ thể, vài ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên biển Hoa Đông, Washington điều 2 chiếc B-52 tới khu vực mà không báo trước với Bắc Kinh. “Trung Quốc không có khả năng nhiều hơn việc tuyên bố lập một ADIZ. Chúng tôi đảm bảo nó sẽ không tồn tại”, ông Armitage nói với đô đốc Kawano.

Tân Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Scott Swift, ngày 17/7 tuyên bố, các lực lượng Mỹ được trang bị tốt và sẵn sàng đối phó bất kỳ tình huống bất ngờ nào tại biển Đông. Theo cổng thông tin điện tử của Thượng viện Mỹ, 4 thượng nghị sĩ John McCain, Jack Reed, Bob Corker, Ben Cardin hôm 16/7 ra thông cáo ủng hộ phương thức giải quyết hòa bình của Philippines liên quan yêu sách “đường lưỡi bò” vô căn cứ của Trung Quốc trên biển Đông. Mới đây, hãng công nghệ Mỹ Google đã thay đổi một số tên địa danh trên ứng dụng bản đồ Google Maps. Theo đó, tên Sansha (Tam Sa) mà Trung Quốc đặt ra một cách bất hợp pháp hiện không còn xuất hiện tại vị trí quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Google Maps giờ dùng tên quốc tế Paracels Islands để chỉ Hoàng Sa.

 (Theo WT/TPO)