Ngày 20/7, tại thủ đô Dakar của Senegal, cựu độc tài của Cộng hòa Chad Hissene Habre sẽ được đưa ra xét xử với tội danh chống lại loài người. 

images1193291_hissene_habre1.jpgCựu độc tài của Cộng hòa Chad Hissene Habre xuất hiện trước cổng tòa án. (Nguồn: AFP)

Đây là sự kiện lịch sử tại châu Phi khi lần đầu tiên một "bạo chúa" ở một quốc gia của châu lục này được đưa ra xét xử công khai. 

Cựu độc tài Hissene Habre, từng được coi là "Pinochet của châu Phi", 72 tuổi, đã bị bắt giam tại Senegal từ tháng 6/2013. Theo các tổ chức nhân quyền khu vực và quốc tế, đã có hơn 40.000 người thiệt mạng do sự đàn áp tàn bạo các phe phái đối lập và đối thủ chính trị trong 8 năm cầm quyền của nhà độc tài này. Habre, người nắm quyền lực tại quốc gia Trung Phi này từ giữa năm 1982 cho đến năm 1990, đã bị lên án mạnh mẽ và bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và chống lại nhân loại.

Một số nguồn tin khu vực cho biết cựu độc tài của Cộng hòa Chad sẽ được xét xử tại phiên tòa án đặc biệt do Liên minh châu Phi (AU) thành lập với sự chấp thuận của nước chủ nhà Senegal. Đứng đầu Hội đồng xét xử là một Chánh án người Burkina Faso. Phiên tòa đặc biệt này đã bị trì hoãn nhiều năm bởi Senegal, nơi Habre xin tị nạn kể từ khi bị phế truất vào năm 1990, vẫn phản đối việc đưa nhà độc tài này ra xét xử tại quốc gia này.

Hiện nay, một số nước châu Phi muốn xét xử Habre tại châu lục này hơn là chuyển cho Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở ở Hague, Hà Lan xét xử, vì cho rằng ICC không công bằng với châu Phi và chịu sự chi phối của các cường quốc phương Tây./.

(Theo AFP/VN+)