Phía Mỹ đã đề xuất tổ chức đối thoại hạt nhân cấp chuyên viên thông qua một kênh ngoại giao và đang chờ hồi âm. Đề xuất này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đồng ý tái đàm phán hạt nhân trong cuộc gặp bất ngờ tại biên giới liên Triều ngày 30/6.
Đàm phán hạt nhân rơi vào bế tắc kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim kết thúc mà không đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, sau cuộc gặp bất ngờ tại biên giới liên Triều, giới chức Mỹ bày tỏ hy vọng rằng đàm phán sẽ được tiếp tục trong khoảng 2 đến 3 tuần tới.
Ông Kim Huyn-chong - Phó Chánh Văn phòng An ninh quốc gia của Nhà Xanh (tức Phủ Tổng thống Hàn Quốc) cho biết, phía Triều Tiên chưa có phản hồi về lời đề nghị này. Khi được hỏi liệu rằng đối thoại hạt nhân có thể tiếp tục trong tháng này không, ông cho biết: “Chúng tôi sẽ phải theo dõi và chờ đợi”.
Phía Mỹ bày tỏ hy vọng rằng việc tái đàm phán sẽ diễn ra muộn nhất là trong tuần tới. Đây được xem là bước đệm cho các cuộc đối thoại cấp cao giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho, có thể được tổ chức bên lề Diễn đàn An ninh khu vực dự kiến diễn ra vào đầu tháng tới tại Bangkok.
Hiện tại, Mỹ chưa đề xuất về địa điểm cụ thể của cuộc gặp, mà dành cho Triều Tiên lựa chọn. Các địa điểm có khả năng được chọn gồm làng biên giới Panmunjom, Bình Nhưỡng và Thụy Điển.
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun sẽ là đại diện phía Mỹ tham gia cuộc gặp này, trong khi đó người đồng cấp phía Triều Tiên dự kiến sẽ là cựu Đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam Kim Myong-gil.