Sinh viên Australia Alek Sigley, người theo học thạc sĩ tại Đại học Kim Nhật Thành, ngày 4/7 được thả và rời khỏi Triều Tiên, sau 1 tuần bị giam ở Bình Nhưỡng. Sigley hôm nay đã tới Tokyo, Nhật Bản để đoàn tụ với vợ, nhưng không tiết lộ lý do mình bị bắt và những gì đã xảy ra trong thời gian bị giam ở Triều Tiên.
Trường hợp của Sigley làm nhiều người chú ý đến cộng đồng người phương Tây ở Triều Tiên: Làm thế nào họ được cho phép ở lại quốc gia khép kín nhất thế giới và cuộc sống của họ như thế nào?
Nhìn chung người nước ngoài ở Triều Tiên chia thành hai nhóm: người phương Tây và người Trung Quốc. Trung Quốc là đồng minh duy nhất của Triều Tiên và lượng khách du lịch Trung Quốc đến Triều Tiên đã tăng vọt từ khi mối quan hệ giữa hai quốc gia được cải thiện vào năm ngoái, theo Giáo sư Dean Ouellette từ Đại học Kyungnam ở Hàn Quốc.
Ông ước tính 120.000 du khách Trung Quốc thăm Triều Tiên trong năm qua. Trong khi đó, chưa đến 5.000 du khách phương Tây ghé thăm mỗi năm và số lượng người phương Tây sống ở Triều Tiên còn thấp hơn.
Nhà nghiên cứu Triều Tiên Andray Abrahamian ước tính khoảng 200 công dân phương Tây đang sinh sống ở nước này. Hầu hết sống ở thủ đô Bình Nhưỡng và có liên quan đến một số phái đoàn ngoại giao, cơ quan viện trợ nhân đạo hoặc trường đại học, trong đó có Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng, nơi có chương trình trao đổi giáo viên với nước ngoài.
Hầu hết người phương Tây sống ở Triều Tiên "đều thuộc diện đặc biệt", John Nilsson-Wright, chuyên gia quan hệ quốc tế từ Đại học Cambridge và Chatham House nói.
"Hiếm khi có người sống ở Triều Tiên lâu dài. Họ thường liên quan đến một chương trình chính phủ nào đó, ở lại trong một khoảng thời gian định sẵn và thường không kéo dài", ông nói.
Nếu không nằm trong những trường hợp đó, việc xin thị thực để sinh sống lâu dài ở Triều Tiên rất khó khăn, kể cả với nhân viên tổ chức phi chính phủ. Các tổ chức cần phải có một đối tác Triều Tiên có thể bảo lãnh cho họ.
"Đối với những người muốn ở lại lâu dài, quá trình xem xét cấp thị thực sẽ khắt khe hơn vào có thể có sự tham gia của cơ quan an ninh nhà nước Triều Tiên", ông nói thêm.
Sigley lần đầu tiên đến Triều Tiên bằng visa du lịch vào năm 2012, trước khi thành lập công ty lữ hành của mình. Anh này đã dẫn hàng chục đoàn khách đến Triều Tiên, xây dựng được mạng lưới quan hệ cần thiết để đăng ký học tại Đại học Kim Nhật Thành, trường hàng đầu của nước này.
"Không có quy trình đăng ký công khai. Việc có được nhận hay không thường phụ thuộc vào việc có các mối liên hệ trong Triều Tiên hay không", anh này viết trên blog.
"Tôi đã kết bạn với một số người sẵn sàng bảo lãnh và giúp tôi nộp đơn. Mặc dù để làm được việc đó, tôi đã mất 2 năm trao đổi email, viết tự luận, kiểm tra sức khỏe và lấy xác nhận của cảnh sát rằng tôi không có tiền án, tiền sự".
Tháng 4 năm ngoái, Alek bắt đầu học thạc sĩ chuyên ngành văn học Triều Tiên. Anh là 1 trong 3 sinh viên phương Tây tại trường, 2 người còn lại đến từ Canada và Thụy Điển.
Trên blog của mình, Sigley viết về sự tự do mà anh được hưởng so với những du khách luôn phải đi theo các hướng dẫn viên và chỉ được đến thăm các khu vực được chỉ định. "Là một người sinh sống dài hạn với thị thực du học, tôi có sự tự do chưa từng thấy khi thăm thú Bình Nhưỡng", anh viết. "Tôi đi khắp thành phố mà không cần phải có người đi cùng".
Tuy nhiên, ông Abrahamian nói rằng vẫn có một số nơi cư dân phương Tây thường không thể vào, bao gồm một số nhà hàng, tòa nhà và khu phố, một phần vì họ thiếu những thứ như mã do nhà nước cấp để thanh toán tại nhà hàng.
Họ cũng phải tuân theo một loạt quy định nhạy cảm. Giới chức Triều Tiên không thích họ giao thiệp nhiều với người dân địa phương. Chụp ảnh ở nơi công cộng cũng có thể là hành động rủi ro. "Bạn không thể coi nhẹ bất cứ điều gì khi ở đó", Nilsson-Wright nói.
Ông đề cập đến trường hợp sinh viên Mỹ Otto Warmbier, người bị giam ở Triều Tiên từ năm 2016 trong 17 tháng, sau khi bị buộc tội ăn cắp một biểu ngữ tuyên truyền trong chuyến du lịch 5 ngày. Anh qua đời vài ngày sau khi được đưa trở lại Mỹ trong tình trạng hôn mê năm 2017. Mỹ sau đó cấm công dân đến Triều Tiên.
Abrahamian nói rằng, hầu hết người phương Tây ở Triều Tiên đều nhận thức rõ về những rủi ro. "Nhưng dù khó thế nào, vẫn nên cố gắng kết nối với xã hội Triều Tiên", ông nói. "Chúng tôi tin rằng tiếp xúc với nhau là cách tốt nhất để giảm sự nghi ngờ và khiến Triều Tiên cởi mở hơn".