Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Eric Pahon thông báo, Washington đã chi hơn 1,3 tỷ USD cho quân đội Ukraine kể từ năm 2014. Số tiền này đã được chi vào việc tăng cường năng lực quân đội Ukraine và cải thiện sự tương tác với NATO.
Ông Eric Pahon nói thêm rằng, Washington hoàn nghênh nguyện vọng của Kiev khi muốn gia nhập liên minh quân sự này và hoàn toàn ủng hộ Ukraine. "Chúng tôi rất ủng hộ quyền của đất nước này khi được tự do lựa chọn tương lai và đường hướng chính trị của mình mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài" - Thư ký Lầu Năm Góc nhận định.
Đại diện đặc biệt của Mỹ về tình hình ở Ukraine - ông Kurt Volker, tuyên bố gần đây rằng Washington vẫn cam kết cung cấp hỗ trợ cho Ukraine và quân đội Ukraine, bao gồm các hệ thống chống tăng. Ông thậm chí còn ám chỉ rằng Mỹ đang xem xét mở rộng các loại viện trợ nhưng dưới hình thức bán vũ khí sát thương cho Ukraine: "Chúng tôi cũng đang xem xét mở rộng các vũ khí như phòng không và phòng thủ bờ biển".
Thậm chí, hồi tháng 3, tướng quân đội Mỹ Curtis Scaparrotti cũng tuyên bố rằng, Mỹ cũng có thể tăng cường khả năng bắn tỉa của quân đội Ukraine. "Hệ thống bắn tỉa, đạn dược và có lẽ là nhằm mục tiêu vào eo biển Kerch cũng sẽ được xem xét để cập nhật cho các hệ thống hải quân trong tương lai" - ông Scaparrotti cho hay.
Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm báo cáo nghiên cứu cho thấy, Mỹ là nơi cung cấp 5 trong số 10 nhà thầu quân sự quốc phòng lớn nhất thế giới.
Sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine đặc biệt là trong việc cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine được cho là sẽ làm xấu đi cuộc khủng hoảng đang tồn tại ở miền Đông đất nước này.