Trước những lời chỉ trích, Tổng thống Barack Obama thường có thái độ lảng tránh khi những người phản đối ông cố gây sức ép hoặc công kích chính quyền của ông.
Nhưng ngày 29/10, Tổng thống Obama đã phải hứng chịu một “đòn đau” vì khủng hoảng quan hệ công chúng trong chính sách đối nội và đối ngoại của mình. Tổng thống Obama hiện đang phải đối mặt với các câu hỏi về việc liệu có phải ông đã lừa dối người dân Mỹ về luật cải tổ y tế Obamacare, và liệu ông có thực sự không biết gì về việc Mỹ nghe lén các đồng minh của họ?
Đó là một thay đổi đáng kể với vị Tổng thống của đảng Dân chủ, người đã giành chiến thắng trong cuộc chiến ngân sách với đảng Cộng hòa. Cuộc chiến này đã khiến Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần và nước Mỹ đứng trước bờ vực vỡ nợ trong tháng 10.
Sau khi chính phủ mở cửa trở lại, ông Obama tiếp tục chịu áp lực để bảo vệ đạo luật cải tổ y tế Obamacare vì website chính thức để người dân vào mua bảo hiểm liên tục bị trục trặc kỹ thuật kể từ khi ra mắt hôm 1/10. Cho đến tuần này, hầu hết các cuộc thảo luận tại Washington về chương trình Obamare đều tập trung vào giải quyết việc triển khai vụng về kế hoạch này.
Tổng thống Obama nói: “Tôi nghĩ chẳng có gì bất công khi nói rằng chính tôi mới là người bực bội về chuyện này hơn ai hết”, đồng thời nhắc nhở mọi người rằng đạo luật của ông không chỉ bao gồm website healthcare.gov. "Vấn đề là bản chất của đạo luật này và các gói bảo hiểm dành cho mọi người đều đang ổn”, thậm chí “vượt quá mong đợi” trong một số trường hợp, ông Obama biện bạch.
Ông Obama cho biết, đã có 20 triệu người truy cập trang healthcare.gov, song Nhà Trắng từ chối thông tin chính xác bao nhiêu người đã đăng ký và mua bảo hiểm thành công. Trước đó Bộ Y tế Mỹ cho hay, đã có gần nửa triệu người nộp đơn mua bảo hiểm thông qua trang này.
Trong khi Nhà Trắng nhấn mạnh các trường hợp nhiều người lần đầu tiên mua được bảo hiểm và tính đại chúng của đạo luật, các đối thủ của ông thuộc đảng Cộng hòa lại gọi “Obamacare là “sát thủ việc làm” lớn nhất của Mỹ và nó đang ngáng đường phát triển kinh tế và thịnh vượng của đất nước”.
Lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Hạ viện, ông Eric Cantor cho rằng, vấn đề của Obamacare không chỉ đơn thuần là sửa lỗi website. Ông Cantor nói: “Trang web này là bằng chứng cho thấy chính phủ liên bang không được trang bị tốt để quản lý chương trình chăm sóc y tế quốc gia”.
Theo các chuyên gia phân tích, những người dân Mỹ mua bảo hiểm trên thị trường tự do hoặc các loại bảo hiểm không đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu của Obamacare có thể phải hủy bỏ và lựa chọn dịch vụ bảo hiểm thay thế có chi phí cao hơn. Kịch bản này có thể chỉ ảnh hưởng tới một tỷ lệ nhỏ người dân Mỹ nhưng vẫn có thể liên quan đến hàng trăm nghìn người đã được hưởng các chính sách giá rẻ.
Phát ngôn viên Nhà Trắng, Jay Carney cho biết, Chính quyền Mỹ luôn nói rằng một số kế hoạch chăm sóc sức khỏe sẽ không đáp ứng được yêu cầu mới phát sinh, chẳng hạn như yêu cầu đáp ứng các dịch vụ khẩn cấp, chăm sóc thai sản, thuốc men và các tính năng phổ biến khác.
Theo ông Carney, Obamacare là một chương trình bảo hiểm có thể đáp ứng tốt hơn những yêu cầu này và đây chính là kết quả không ngừng của Chính phủ Mỹ để có thể mang lại cho người dân một dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt hơn.
Bê bối nghe lén là “vấn đề lớn” của nước Mỹ
Những khó khăn liên quan đến Obamacare không phải là vấn đề duy nhất hiện ông Obama phải đối mặt. Đảng Cộng hòa cho rằng, dường như ông Obama không có cách giải quyết phù hợp với các vấn đề quan trọng liên quan đến chính quyền của mình.
Ngày 29/10, tại Washington, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper và Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Keith Alexander đã phải điều trần trước các nhà lập pháp về cáo buộc cho rằng NSA đã do thám các lãnh đạo đồng minh của Mỹ bao gồm cả Thủ tướng Đức Angela Merkel, một người bạn quan trọng của Mỹ.
Ngày 28/10, Chủ tịch Ủy ban Tình báo tại Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein lên tiếng phản đối việc nghe lén đồng minh và cáo buộc NSA không thông báo đầy đủ cho ủy ban về việc này. Cũng theo bà Feinstein, ông Obama dường như đã không biết rằng thông tin liên lạc của bà Merkerl đã bị Mỹ theo dõi từ năm 2002. Và bà Feinstein cho rằng, “đó là một vấn đề lớn” với nước Mỹ.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney đã từ chối bình luận về cáo buộc gián điệp của NSA. Theo ý kiến đánh giá của các nhà phân tích, Tổng thống Obama đã có một nhiệm kỳ thứ 2 không suôn sẻ như mong đợi.
Ông David Yepsen, giám đốc Trung tâm chính sách công tại Đại học Nam Illinois nói: “Tổng thống hiện đang phải đối mặt với một số vấn đề, đây thực sự là điều đáng buồn cho nhiệm kỳ thứ 2 của ông Obama. Nền kinh tế đang ở trong tình thế rất mong manh, người dân thì lo lắng, những khó khăn này thực sự đáng lo ngại”.
Trong một cuộc thăm dò dư luận được hãng tin Reuters phối hợp thực hiện với Ipsos, tỷ lệ người ủng hộ Tổng thống Obama hiện đã giảm, chỉ còn 40%, và chỉ có khoảng 19% những người được hỏi cho rằng đất nước đang đi đúng hướng.
Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ người ủng hộ ông Obama giảm có thể là kết quả của việc Chính phủ phải đóng cửa trong 16 ngày vì những bất đồng tại lưỡng viện trong việc thông qua luật cải tổ y tế và nâng hạn trần nợ.
Trong khi đó, những người ủng hộ Tổng thống Obama tin rằng, những tranh cãi sẽ sớm được giải quyết và ông Obama nên tập trung vào các vòng đàm phán ngân sách tiếp theo ở Quốc hội trong tháng 12/2013 và tháng 1/2014.
Cuộc chiến ngân sách có thể tạo tiền đề cho cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2014, chính vì lẽ đó, ông Obama cần phải thực hiện tốt hơn vai trò của mình để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ 2 trên cương vị Tổng thống Mỹ.
Theo VOV/Reuters