Lần đầu tiên chỉ có 2 nước phản đối việc lên án này, là Mỹ và Israel.
Hôm 29/10, 188/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án lệnh bao vây cấm vận mà Mỹ áp đặt chống Cuba suốt hơn 5 thập kỷ qua.
Đây không phải là lần đầu tiên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết lên án lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào Cuba.
Song đây là lần đầu tiên, có 188 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc - số lượng kỷ lục các quốc gia nhất trí ủng hộ cuộc bỏ phiếu thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án lệnh bao vây cấm vận mà Mỹ áp đặt với Cuba trong suốt thời gian qua. Điều này được dư luận thế giới, trước hết là người dân Cuba, hoan nghênh.
Đây là lần thứ 22 liên tiếp, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết lên án lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào Cuba, và cũng là lần đâu tiên ngoài Mỹ, chỉ có 1 nước khác là Israel phản đối nghị quyết lên án lệnh cấm vận, một số quốc gia Nam Thái Bình Dương bỏ phiếu trắng. Các quốc gia châu Âu, châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh đều công khai lên án chính sách bất công của Mỹ. Đây là bằng chứng cho thấy chính sách bao vây cấm vận của Mỹ đối với Cuba không được cộng đồng quốc tế chấp nhận.
Trong một tuyên bố, Phó đại diện thường trực Ethiopia tại Liên Hợp Quốc, Đại sứ Aman Hassen, thay mặt nhóm các quốc gia châu Phi, nhấn mạnh, châu Phi hoàn toàn ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an, cần thiết cho việc chấm dứt lệnh cấm vận đối với Cuba: “Chúng ta cần phải làm như vậy, vì đó là quyền của chúng ta. Chúng ta làm như vậy bởi Cuba có một lịch đáng tự hào đối với châu Phi. Lịch sử của Cuba là minh chứng, là đại diện cho những nỗ lực vì độc lập tự do của châu Phi. Vai trò của Cuba sẽ tiếp tục được người dân châu Phi ghi nhận. Người dân Cuba có thể tự hào về sự đóng góp của mình đối với lịch sử.”
Còn Đại sứ Venezuela tại Liên Hợp Quốc Samuel Moncada khẳng định, lệnh cấm vận của Mỹ đã trở thành trở ngại lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Cuba: “Việc Mỹ cấm vận Cuba là nhằm hạn chế năng lực của chính phủ Cuba trong việc tiếp cận với những điều cần thiết đối với sức khỏe, giáo dục, công nghệ, lương thực, thực phẩm và sự phát triển. Lệnh cấm đó chỉ mang đến gánh nặng cho người dân Cuba, qua đó làm hạn chế quyền được phát triển của đất nước và người dân Cuba. Chính sách này đã lỗi thời và không còn chỗ đứng trong thế giới hiện nay.”
Đánh giá cao sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez Parrilla khẳng định: “Chính sách của Mỹ chống Cuba đang vấp phải sự cô lập hoàn toàn trên bình diện quốc tế. Đây là chính sách "đầy tai tiếng và thiếu cơ sở pháp lý và đạo lý”. Theo ông Parrilla, dù Mỹ đã nới lỏng hạn chế đi lại đối với Cuba, song các biện pháp trừng phạt vẫn còn nguyên đó”.
Chính sách cấm vận của Mỹ đã làm Cuba thiệt hại lớn về kinh tế và sự phong tỏa của Mỹ đã khiến người dân, đặc biệt là trẻ em Cuba, không có điều kiện tiếp cận các loại thuốc men chữa bệnh hiểm nghèo.
Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Parrilla nhấn mạnh: “Lệnh cấm vận của Mỹ là sự vi phạm luật pháp quốc tế, là sự xâm phạm chủ quyền của quốc gia khác. Lệnh cấm này lấn át các quy định quốc tế, có vai trò chi phối hoạt động thương mại giữa các quốc gia và tự do hàng hải. Nó kéo theo những hậu quả khôn lường đối với hoạt động cung cấp thuốc men, lương thực và nhiều loại hàng hóa khác của người dân Cuba. Đây là sự vi phạm quyền con người của một quốc gia. Đó là hành động mang tính thù địch, đơn phương cần phải chấm dứt ngay lập tức.”
Người dân Cuba cũng bày tỏ hoan nghênh nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, đồng thời cho rằng, đã đến lúc lệnh cấm vận này cần phải được chấm dứt: “Có một thực tế là trong khi các quốc gia trên thế giới đều ủng hộ dỡ bỏ lệnh cấm vận thì Mỹ lại không làm như vậy. Họ vẫn đang tiếp tục những chính sách cũ, duy trì lệnh cấm vận trong hơn 50 năm qua đối với Cuba. Điều này không còn có nghĩa lý gì trong thời điểm hiện nay.”
“Thật phi lý. Tôi không thấy có lý do gì để Mỹ tiếp tục áp dụng chính sách cấm vận đối với Cuba. Bất chấp những lệnh cấm vận của Mỹ trong nhiều năm qua, Cuba vẫn đang và sẽ tiếp tục phát triển.”
Mỹ bắt đầu áp đặt các biện pháp chống Cuba sau khi Chủ tịch Fidel Castro lên nắm quyền vào năm 1959 và chính thức áp dụng lệnh cấm vận đối với quốc đảo này từ năm 1962. Sau hơn 50 năm, chính sách của Mỹ đã và đang gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ đại diện của hầu hết các nước trên thế giới./.
Theo VOV - ĐT