Nga - Trung Quốc đặt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương
Tại cuộc gặp, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga và Trung Quốc có quan hệ tin cậy trong lĩnh vực chính trị, an ninh và quốc phòng. Kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng đều hơn 30% mỗi năm. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm nay, con số này đã tăng 50%. Vì vậy, Tổng thống Putin hy vọng kim ngạch thương mại Nga-Trung năm 2018 sẽ tăng mạnh và cán mốc 100 tỷ USD, tăng từ mức 87 tỷ USD của năm 2017.
Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ hai bên đã duy trì các cuộc tiếp xúc thường xuyên, đồng thời nhấn mạnh trong tương lai Trung Quốc sẵn sàng trao đổi ý kiến và phối hợp chặt chẽ với Nga. Theo đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã lên kế hoạch thăm Nga trong tháng 9 này.
Afghanistan tiêu diệt 87 tay súng Taliban
Đêm 10/9, tại tỉnh Kandahar quân đội Afghanistan được sự yểm trợ của không quân đã tiến công vào huyện Maywand tiêu diệt 57 tay súng và làm 16 tay súng khác bị thương. Bên cạnh đó, trên một mặt trận khác thuộc tỉnh Baghlan, lực lượng quân đội của Afghanistan được sự hậu thuẫn của lực lượng liên minh đứng đầu là Mỹ tiêu diệt 30 tay súng và khiến 16 tay súng khác bị thương.
Trong những ngày vừa qua, quân đội nước này liên tục tiến hành các đợt truy quét những tay súng được cho là tàn quân của Taliban. Bên cạnh những kết quả đạt được, lực lượng chính phủ cũng chịu nhiều thiệt hại. Trong ngày hôm qua, 4 binh lính quân đội chính phủ bị thiệt mạng. Chỉ tính riêng ngày thứ sáu có khoảng 20 binh sĩ bị chết và một số người khác bị thương.
Triều Tiên có thể đã ngừng tháo dỡ bãi phóng tên lửa chính
Các hình ảnh vệ tinh do công ty Planet Labs Inc công bố cho thấy có rất ít sự thay đổi tại bãi phóng tên lửa Tongchang-ri ở tây bắc Triều Tiên trong khoảng thời gian từ ngày 16/8 đến 10/9, theo Yonhap. Cũng theo những hình ảnh này, khu vực thử động cơ tên lửa gần bãi phóng này dường như cũng không có thay đổi đáng kể nào.
Trước đó, các bức ảnh vệ tinh với độ nét cao được phân tích bởi trang 38 North chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên thuộc Viện Nghiên cứu Mỹ - Triều, Đại học Johns Hopkins cũng cho thấy không có hoạt động phá dỡ nào trong thời gian từ ngày 3/8 đến 16 /8 tại bãi phóng Tongchang-ri.
Một chuyên gia thuộc Đại học Stanford Mỹ nhận định Triều Tiên đã ngừng hoàn toàn việc tháo dỡ bãi Tongchang-ri. Do đó, bãi phóng này vẫn có khả năng hoạt động bởi các công trình bị phá hủy trong giai đoạn đầu chỉ là các cơ sở phụ, không ảnh hưởng đến khả năng phóng tên lửa.
Mỹ - Anh - Pháp cân nhắc kế hoạch không kích Syria
-
Bầu trời Damascus sáng lên vì các vụ tấn công của liên quân Mỹ - Anh - Pháp ngày 8/4/2018. Ảnh:AP.Mỹ, Anh và Pháp đang xây dựng kịch bản cho một cuộc không kích lần 3 vào Syria trong trường hợp thành trì cuối cùng của phe đối lập ở nước này bị tấn công bằng vũ khí hóa học.
Ý định phối hợp không kích được hé lộ giữa thời điểm Mỹ và các đồng minh đang tìm cách chặn đứng đà tiến quân của quân chính phủ Syria ở vùng tây bắc nước này. Theo một số quan chức trong chính phủ Mỹ nắm thông tin tình báo, Tổng thống Assad đã bật đèn xanh cho quân đội sử dụng khí chlorine nếu cần thiết để đảm bảo chiến thắng tại Idlib. Điều này làm dấy lên nhiều lo ngại trong nội bộ chính phủ Tổng thống Donald Trump.
Tỉnh Idlib là một trong những vùng ít ỏi còn nằm trong sự kiểm soát của phe đối lập Syria, với hơn 3 triệu dân thường và gần 70.000 tay súng.
Chủ tịch WEF: Quốc gia bỏ lỡ chuyến tàu Cách mạng 4.0 sẽ bị tụt hậu
“Chúng ta không thể xem nhẹ tác động của Cách mạng Công nghệ 4.0”, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab khẳng định tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) ngày 11/9. “Cách mạng Công nghệ 4.0 là cuộc cách mạng toàn diện với nhiều công nghệ khác nhau. Các quốc gia bỏ lỡ chuyến tàu Cách mạng Công nghệ 4.0 sẽ bị tụt hậu”, ông Schwab nhận định.
Chủ tịch WEF khẳng định sự khác biệt của Cách mạng Công nghiệp 4.0 so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây là sự toàn diện và tốc độ. Theo ông, trong tương lai, "ai làm chủ Cách mạng Công nghiệp 4.0 thì người đó có lợi thế".
Hội nghị WEF ASEAN là một trong những hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng và lớn nhất của Việt Nam trong năm 2018, diễn ra từ ngày 11-13/9 tại thủ đô Hà Nội. Khoảng 1.000 đại biểu quốc tế và trong nước đến tham dự Hội nghị, trong đó có lãnh đạo cấp cao nhiều nước ASEAN và trong khu vực, cũng như lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu trên thế giới.
Các ngư dân Indonesia bị bắt cóc ở ngoài khơi Malaysia
Vào khoảng 12 giờ ngày 11/9, các ngư dân Indonesia làm việc trên một tàu đánh cá Malaysia đã bị bắt cóc ở vùng biển Semporna ngoài khơi bang Sabah.
Quyền Cảnh sát trưởng bang Sabah, ông Omar Mammah cho biết hai ngư dân bị bắt cóc gồm thuyền trưởng Samsul Saguni, 40 tuổi, và trợ lý Usman Yunus, 35 tuổi. Vào lúc xảy ra vụ việc, trên tàu đánh cá có bốn ngư dân. Hai người còn lại đã trốn thoát. Các ngư dân trốn thoát cho biết có hai đối tượng đeo mặt nạ, trang bị súng M16 đã tiếp cận tàu và khống chế các nạn nhân. Sau đó, các nạn nhân bị ép lên thuyền và rời đi, không rõ về hướng nào.
Cảnh sát nghi ngờ những kẻ bắt cóc là thành viên nhóm phiến quân KFR và có thể có mối liên hệ với lực lượng phiến quân Abu Sayyaf. Cảnh sát bang Sabah đang tiến hành truy tìm những kẻ bắt cóc.
Hơn 100 người thiệt mạng trong hành trình vượt biển tới châu Âu
Báo cáo ngày 10/9 của Tổ chức Bác sĩ Không biên giới cho biết, 2 chiếc thuyền cao su chở người di cư khởi hành từ bờ biển Libya ngày 1/9. Những chiếc thuyền cao su này đều nhồi nhét quá tải những người di cư. Phần lớn những người này đến từ Sudan, Mali, Nigeria, Camerron, Ghana và Libya.
Báo cáo của Tổ chức Bác sĩ Không biên giới dẫn lời một số những người may mắn sống sót trên 2 chiếc thuyền cao su này cho biết, một trong hai chiếc thuyền đã bị chết động cơ, bị xịt hơi và chìm dần xuống biển. Những người sống sót là nhờ bám vào những mảnh vỡ của con thuyền trôi dạt trên mặt biển.
Số phận con thuyền thứ 2 cũng không khác gì. Một người còn sống sót cho biết, khi thuyền thứ nhất gặp nạn, chiếc thuyền thứ 2 vẫn tiếp tục hành trình và cũng bắt đầu bị xuống hơi vào khoảng nửa đêm. Trên thuyền có 165 người lớn và 20 trẻ em.
Bộ Y tế Pháp tăng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe người dân
Kết quả thống kê được Bộ Y tế Pháp công bố cho thấy mỗi năm, nước này chi gần 3.000 euro (3.480 USD/người) cho công tác chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho người dân.
Chính phủ Pháp dự tính sẽ tăng mức chi tiêu bảo hiểm y tế thêm 2,4% vào năm 2019, so với tăng 2,3% năm 2018. Việc chuẩn bị ngân sách cho an sinh xã hội năm 2019 đang được thực hiện ráo riết. Tổng thống E.Macron ngày 18/9 tới sẽ công bố kế hoạch cải cách hệ thống y tế quốc gia. Chi tiêu y tế tiếp tục tăng do già hóa dân số và sự gia tăng các bệnh mãn tính.
Thống kê cho thấy số tiền chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe và mua các sản phẩm y tế tại Pháp đã đạt mức 2.977 euro/người và lên tới con số tổng cộng 199,3 tỷ euro vào năm 2017 (chiếm 8,7% GDP). Số tiền này bao gồm chi phí chăm sóc trong bệnh viện (92,8 tỷ euro), chi phí khám, điều trị và xét nghiệm nói chung (53,4 tỷ euro), mua thuốc (15,5 tỷ euro)…