Nga khẳng định quyết tâm tiêu diệt khủng bố, lập lại hòa bình tại Syria
Ngày 6/9, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố nước này sẽ tiếp tục tiêu diệt những kẻ khủng bố tại tỉnh Idlib, cũng như những nơi khác ở Syria, để giúp khôi phục hòa bình tại đây.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết Nga đã, đang và sẽ tiếp tục tiêu diệt các phần tử khủng bố tại Aleppo, Idlib cũng như những khu vực khác của Syria để đưa hòa bình trở lại đây. Bà Zakharova nhấn mạnh đây là một vấn đề liên quan tới an ninh của Nga.
Quân đội Syria đã mở chiến dịch giải phóng Idlib khỏi tay các phần tử khủng bố. Tỉnh này và các khu vực lân cận là "thành trì" lớn cuối cùng ở Syria hiện đang bị các lực lượng phiến quân chiếm đóng, nhưng đây cũng là nơi đang có khoảng 3 triệu dân thường sinh sống. Syria nhận được sự ủng hộ của Nga và Iran trong vấn đề này. Tuy nhiên, Liên hợp quốc và các tổ chức viện trợ nhân đạo lo ngại cuộc tổng tấn công vào Idlib có thể gây ra thảm họa nhân đạo quy mô lớn chưa từng có trong cuộc xung đột kéo dài 7 năm qua ở Syria.
Ông Kim Jong-un tái cam kết phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên
Ngày 6/9, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tái khẳng định cam kết biến Bán đảo Triều Tiên thành khu vực không còn vũ khí hạt nhân.
Theo KCNA, nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra cam kết trên trong cuộc gặp ngày 5/9 với phái đoàn của Hàn Quốc do đặc phái viên của tổng thống Hàn Quốc, ông Chung Eui-yong dẫn đầu. Phái đoàn này có chuyến thăm một ngày tới Bình Nhưỡng để thu xếp cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3, dự kiến diễn ra từ ngày 18-20/9 tới.
Trong cuộc gặp trên, ông Kim Jong-un khẳng định lập trường và ý chí kiên định của Bình Nhưỡng trong việc loại bỏ hoàn toàn nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang cũng như mối đe dọa chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời cam kết đưa bán đảo này thành nơi không có vũ khí hạt nhân.
Anh, Pháp đạt thỏa thuận về cuộc chiến sò điệp
Cuộc chiến sò điệp giữa ngư dân Anh và Pháp đã kết thúc một cách hòa bình sau khi chính phủ Pháp đồng ý bồi thường cho các tàu đánh cá của Anh bị thiệt hại liên quan đến lệnh cấm của Pháp, SCMP đưa tin.
Tuyên bố chung do chính phủ Anh và Pháp công bố vào ngày 5/9 cho biết các cuộc đàm phán mang tính xây dựng giữa đại diện ngành khai thác thủy sản hai nước đã đi đến thỏa thuận.
Các biện pháp bảo tồn nhằm mục đích khôi phục trữ lượng sò điệp trong vùng biển dài 64 km ngoài khơi bờ biển Normandy của Pháp, giờ đây sẽ mở rộng cho các tàu thuyền của Anh dài dưới 15 m, ban đầu không bị cấm. Đổi lại, chính phủ Pháp sẽ bồi thường cho các tàu của Anh bị thiệt hại. Chi tiết sẽ được công bố sau cuộc đàm phán tiếp theo vào ngày 7/9.
Mỹ - Ấn Độ nâng cấp quan hệ đồng minh
Sau hai lần trì hoãn, Ấn Độ và Mỹ ngày 6/9 đã tiến hành cuộc đối thoại 2+2 tại thủ đô New Dehli nhằm thảo luận và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia trên phạm vi toàn cầu nói chung và trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng.
Ông Hun Sen tiếp tục làm Thủ tướng Campuchia
Sáng 6/9, Quốc hội Campuchia khóa VI đã bỏ phiếu tín nhiệm ông Samdech Techo Hun Sen tiếp tục làm Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia nước này trong 5 năm (từ 2018-2023) sau khi đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bỏ phiếu ngày 29/7 vừa qua. Toàn bộ 125 nghị sĩ thuộc CPP đã bỏ phiếu tín nhiệm ông Hun Sen làm Thủ tướng - vị trí ông đã nắm giữ kể từ năm 1985. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thông qua các thành viên Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ VI (năm 2018-2023).
Theo lịch trình, Thủ tướng Hun Sen cùng các thành viên chính phủ sẽ tuyên thệ trước Quốc vương Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni tại Cung Hoàng gia trong chiều 6/9.
Trước đó, ngày 17/8, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã ký sắc lệnh Hoàng gia, bổ nhiệm ông Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng nhiệm kỳ V, Chủ tịch đảng CPP, tiếp tục làm Thủ tướng nhiệm kỳ VI.
Iraq ban hành lệnh giới nghiêm tại thành phố Basra
Ngày 6/9, chính quyền Iraq đã công bố lệnh giới nghiêm toàn thành phố Basra ở miền Nam nước này từ 3 giờ chiều sau khi nổ ra làn sóng biểu tình kèm theo bạo lực tại thành phố này.
7 đã thiệt mạng tại thành phố lớn thứ 2 của Iraq trong những ngày qua khi những người biểu tình tức giận trước việc mất điện, nước ô nhiễm và nạn tham nhũng. Những người biểu tình đã xung đột với lực lượng an ninh. Các cư dân tại Basra cho biết nguồn nước bị nhiễm mặn làm cho họ dễ mắc bệnh trong những tháng hè nóng nực. Hàng trăm người đã phải nhập viện do uống nước nhiễm mặn.
Cảng Umn Qasr của Iraq đã phải đóng cửa trong ngày 6/9 sau các vụ xung đột dữ dội giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh, trong đó 1 người biểu tình đã thiệt mạng và 25 người bị thương. Các công nhân cảng cho biết toàn bộ hoạt động đã bị ngừng lại khi lối vào cảng vẫn bị phong tỏa và các xe tải và nhân viên vẫn không thể ra vào cảng.
Thành phố San Francisco sẽ dùng điện "sạch 100%"
-
Công nhân lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời ở San Francisco. Ảnh: Reuters
Trong thông cáo gửi cho Thanh Niên vào ngày 6.9, tổ chức C40 Cities cho hay thành phố San Francisco ở Mỹ vừa đưa ra cam kết mạnh mẽ nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh về hành động chống biển đổi khí hậu toàn cầu (GCAS).
Thông cáo dẫn lời bà London Breed, thị trưởng San Francisco, tuyên bố thành phố cam kết sẽ chuyển toàn bộ lưới điện sang dùng các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời vào năm 2030.
Bên cạnh đó, người dân thành phố sẽ tham gia hành động nhằm giảm 15% lượng rác thải và 50% lượng rác chôn lấp. San Francisco sẽ có nhiều tòa nhà không phát thải khí nhà kính và sẽ phát hành nhiều trái phiếu xanh đầu tư vào các dự án hạ tầng.