Theo báo cáo của Sở Công Thương, năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,01% so với năm 2020, trong đó: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 27,95%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,69%; công nghiệp khai khoáng tăng 14,73%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,83%.

Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với năm 2020 như: Tôn thép Hoa Sen các loại ước đạt 1.215 nghìn tấn, tăng 39,72%, vượt 73,57% kế hoạch; sữa chế biến 278,3 triệu lít, tăng 8,82%, đạt 93% kế hoạch; Xi măng ước đạt 8,97 triệu tấn, tăng 21,84%, vượt 9,39% kế hoạch; quần áo dệt may ước đạt 70,0 triệu cái, tăng 63,15%, vượt 40% kế hoạch;…

image_1288405_25122021.jpgTôn Hoa Sen - một trong những sản phẩm công nghiệp tăng trưởng tốt trong nhiều năm qua. Ảnh Việt Phương

Một số nhà máy đi vào hoạt động trong năm có tác động tích cực đến tăng trưởng như: Nhà máy xi măng Tân Thắng, nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An, nhà máy sản xuất viên nén sinh khối (Biomass, DKC), nhà máy may (An Nam Matsuaka, Nam Thuận, TAAD, Hanosimex Nghi Lâm...), nhà máy sản xuất đường lỏng, sản xuất giày da (Đỉnh Vàng), sản xuất cần câu cá (Great Longview).

Tuy nhiên, có một số sản phẩm giảm so với năm 2020: Bia các loại 120,2 triệu lít, giảm 3,24%, đạt 66,6%KH; đường kính 93.958 nghìn tấn, giảm 13,06%, đạt 71,18%KH…

 
Dệt may là lĩnh vực đạt kim ngạch xuất khẩu cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Ảnh Việt Phương
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 dự ước đạt 81.750 tỷ đồng/KH giao 79.271 tỷ đồng, tăng 17,95% so với năm 2020 và đạt 103,12% KH.

Năm 2021, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của dịch Covid-19. Các doanh nghiệp chủ yếu tập trung ưu tiên công tác phòng, chống dịch Covid-19, phối hợp chặt chẽ với địa phương, các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh quy mô sản xuất, thực hiện sản xuất “03 tại chỗ”, “01 cung đường 02 điểm đến” hoặc phải tạm dừng hoạt động (thời điểm cao điểm nhất có 32 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và gần 16.000 người, chiếm tỷ lệ 50% người lao động trong KKT, các KCN phải tạm thời nghỉ việc).

Năm qua, nhiều doanh nghiệp triển khai test nhanh phòng chống dịch để duy trì sản xuất. Ảnh Việt Phương

Ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công thương cho biết: Hiện nay tình hình dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp đã hoạt động sản xuất trở lại bình thường, theo đó người lao động cũng được trở lại làm việc. Tuy nhiên hoạt động sản xuất vẫn đang tiếp tục gặp những khó khăn nhất định do chi phí nguyên vật liệu, giá xăng dầu, cước vận tải, chi phí đầu vào..., tăng cao làm cho giá thành sản phẩm tăng. 

Thực hiện chỉ đạo của  UBND tỉnh, Sở Công Thương đang tiếp tục tham mưu, triển khai các giải pháp, nhiệm vụ hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động đã nỗ lực vượt qua giai đoạn rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để phục hồi sản xuất tại khu vực sản xuất công nghiệp theo Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 03/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công thương