(Baonghean) - Tết Bính Thân 2016, bên cạnh niềm vui được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, người dân Yên Khê trở thành 1 trong  2 xã vùng cao của Nghệ An thoát nghèo.

Mường Xiềng Yên đã trở lại
 
Xã Yên Khê có tên gốc bằng tiếng Thái là mường Xiềng Yên, gồm 3 bản hiện nay là bản Tờ, bản Nưa và Tân Sơn. Theo cụ Vi Cao Huyên (80 tuổi), sống tại bản Nưa cho biết: Xiềng Yên nghĩa tiếng Thái là chỉ vùng đất nổi tiếng về sự yên bình, hạnh phúc. Đặt tên mường như thế, người xưa mong muốn con cháu giữ vững truyền thống tốt đẹp của vùng đất mà tiền nhân đã tạo dựng. 
 
 
images1447649_02.jpgNhững trang trại cam ở Yên Khê đã góp phần giúp bà con thoát nghèo.
Cách trung tâm thị trấn Con Cuông khoảng 4 km, trong quá trình phát triển, Yên Khê ảnh hưởng nhiều, gắn liền với sự thăng trầm của cây chè, cam và các nông trường quốc doanh trên địa bàn. Giai đoạn gần nhất là từ 2001 - 2005, ngay sau khi Yên Khê ra khỏi Chương trình 135 và trở thành xã khu vực 2, do không còn các dự án đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, xã đối mặt với một loạt khó khăn, nhiều cán bộ, giáo viên tìm cách chuyển sang xã khác khiến phong trào giáo dục giảm sút; Yên Khê liên tục là một trong những xã “đội sổ” về xếp loại thi đua của huyện. Thời điểm đó, không chỉ cơ sở hạ tầng xuống cấp mà tỷ lệ hộ nghèo cũng tăng nhanh, chiếm 46% hộ nghèo, lòng dân chưa yên nên khi triển khai các chủ trương gặp rất nhiều khó khăn.
 
Trước tình hình đó, để vực dậy và đưa Yên Khê phát triển trở lại, Ban Thường vụ Huyện ủy Con Cuông phân công một cán bộ chủ chốt của huyện về trực tiếp chỉ đạo, cùng với lãnh đạo xã từng bước tháo gỡ khó khăn. Nhờ đó, từ năm 2006, các phong trào của xã bắt đầu đi lên. Đến năm 2011, khi Nhà nước đề ra Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), Yên Khê được huyện Con Cuông chọn là 1 trong 2 xã chỉ đạo điểm để triển khai. Với xuất phát điểm khá thấp (5/19 tiêu chí) và nguồn lực còn hạn chế, địa phương đã chọn từng tiêu chí để thực hiện, tiêu chí nào dễ và vừa sức làm trước, khó làm sau; vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Sau gần 5 năm triển khai, Yên Khê đã về đích NTM với 19/19 tiêu chí. 
 
 
Trang trại chè của ông Vi Văn Nhân, bản Trung Yên, xã Yên Khê.
 
Hôm nay, về Yên Khê, phong cảnh bản làng mang nét đặc trưng của miền Tây xứ Nghệ với không gian sinh hoạt văn hóa của người Thái được nhân dân lưu giữ và bảo tồn. Đến Yên Khê không chỉ được tham quan nhà sàn của người Thái mà còn được tham gia vào các sinh hoạt văn hóa lễ hội như ném còn, hát nhuôn, nhảy sạp, thưởng thức các món ẩm thực độc đáo... Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa đến tận từng hộ. Xã có 9 bản, chia thành 2 vùng kinh tế cây, con rõ rệt; trong đó vùng trung tâm xã có 4 bản là bản Pha, bản Tờ, bản Nưa và bản Tân Hương là vùng chuyên canh cam rộng 143 ha của trên 160 hộ trồng và trên 500 ha lúa, ngô. Vùng trên gồm 5 bản Trung Yên, Khe Tín, Trung Thành, Trung Hương và Trung Chính chuyên canh chè với 213 ha và hàng chục ha rau màu các loại. Với gần 20 ha cam đã bước vào chu kỳ kinh doanh, cho thu hoạch 500 - 600 triệu đồng/ha cam, bình quân mỗi năm Yên Khê thu trên 10 tỷ đồng. Cùng với cam, là 180 ha chè đã đến chu kỳ kinh doanh, mỗi năm cho Yên Khê thu khoảng 15 tỷ đồng, bình quân từ 70 - 100 triệu đồng/ha/năm. 
 
 
Đường GTNT của Yên Khê đã được nâng cấp hoàn thiện.
Để có thành quả trên, bên cạnh sự nỗ lực cố gắng của bà con, cần phải nói đến chính sách “kích cầu” phù hợp của huyện. Cùng với tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về trồng và chăm sóc cam cho bà con nông dân, từ năm 2008, Con Cuông đã ban hành chính sách, theo đó các hộ đăng ký trồng mới cam và chè được hỗ trợ 100% giống. Nhờ vậy, từ năm 2005 đến nay, diện tích cam và chè tăng rất nhanh. Trước tình hình khô hạn thường xuyên xảy ra, huyện có chính sách hỗ trợ người dân đào giếng để tưới, giải quyết một phần bức bách về nước tưới cho cây chè. Để có điện tưới nước, huyện đề nghị và được ngành Điện đầu tư 11 tỷ đồng đưa đường điện hạ thế tới các bản có cây công nghiệp, dự kiến đầu tháng 4/2016 sẽ đóng điện. 
 
 
Mở rông và phát triển diện tích trồng cam ở xã Yên Khê
Hiện tại, với 7/9 bản làng đã được công nhận Làng Văn hóa, trong đó nhiều làng vẫn giữ được các sinh hoạt văn hóa truyền thống, nên Yên Khê là một trong rất ít địa phương của Nghệ An bước đầu đã tiếp cận với du lịch cộng đồng. Ngoài khe Nước Mọc là một địa điểm du lịch thiên nhiên lý thú, với sự giúp đỡ của cơ quan hợp tác quốc tế JICA (Nhật Bản), Yên Khê đã xây dựng được 2 điểm du lịch cộng đồng tại bản Nưa và đang tiếp tục khảo sát mở rộng, thu hút khách tham quan, du lịch. Trong tương lai, du khách không chỉ được tham quan các nếp nhà sàn của người Thái, mà còn được giao lưu, hòa mình vào không gian sinh hoạt văn hóa của đồng bào...
 
Tự tin vượt qua chính mình
 
Ông Vi Văn Đậu - Chủ tịch UBND xã Yên Khê tự hào: Người dân Yên Khê có điểm đáng quý là dù khó khăn đến mấy cũng không bao giờ bán đi ngôi nhà sàn của mình, thậm chí khi làm nhà mới cũng ưu tiên làm nhà sàn trước khi làm nhà xây. Vì thế, xã ngày càng có nhiều nhà sàn. 
 
Bài học lớn nhất từ khi xây dựng NTM ở Yên Khê là huy động sức dân làm giao thông nông thôn. Bí thư Chi bộ bản Nưa - ông Vi Văn Lượng tâm sự: Với thu nhập bình quân chỉ 1,5 triệu đồng/người/tháng nên việc huy động để làm các công trình rất khó khăn. Thế nhưng khi làm đường, chỉ cần người có uy tín, đảng viên gương mẫu làm trước, trong vòng mấy tháng người dân bản Nưa đóng góp 80 triệu đồng tiền mặt và hàng trăm ngày công để làm xong 4 km đường; góp phần cùng cả xã đóng góp được gần 9 tỷ đồng, chiếm 80% kinh phí làm đường. Trong 5 năm, Yên Khê đã đầu tư 172,4 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó người dân đóng góp 41 tỷ đồng; xã làm hết gần 2.000 tấn xi măng, riêng năm 2015 nhận trên 1.500 tấn để làm trên 50 km đường liên xã, liên thôn và nội thôn bản.
 
 
Hội đồng thẩm định NTM tỉnh khảm sát chất lượng dạy và học tại Trường Mầm non xã Yên Khê
Song song với thay đổi về đời sống và tập quán canh tác, nhận thức của người dân cũng có chuyển biến quan trọng. Có thời kỳ, vào cuối năm, đến dịp bình xét hộ nghèo các hộ truyền tai nhau câu chuyện “mùa hái mật ong” (ý nói muốn được xét hộ nghèo thì phải đến nhà cán bộ bản, cán bộ xã). Thế nhưng, nhờ liên tục tuyên truyền, vận động và tổ chức bình xét, rà soát một cách khách quan, công bằng, hiện tương trên đã chấm dứt. Năm 2015 có 217 hộ nghèo ở Yên Khê làm đơn thoát nghèo và chỉ còn 2/9 bản có tỷ lệ hộ nghèo trên 10%; toàn xã còn 9,98%, tạo điều kiện để xã hoàn thành mục tiêu về đích NTM. Đây thực sự là dấu mốc và thay đổi mang tính cách mạng về nhận thức ở Yên Khê - ông Kha Văn Khánh, đảng viên lão thành ở bản Nưa tâm sự.
 
Theo đồng chí Lô Văn Biên - Bí thư Đảng ủy xã thì Yên Khê vẫn còn nhiều việc phải làm. Cùng với phát triển các cây, con chủ lực, xã phải đầu tư cho hạ tầng vùng cây công nghiệp, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm, phát triển toàn diện thì thu nhập và đời sống của người dân Yên Khê mới được nâng cao và công tác xóa nghèo mới thực sự bền vững.n
 
Nguyễn Hải