(Baonghean) - Từng nghe giáp ranh biên giới Việt – Lào, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt có những cây sa mu dầu hàng trăm năm tuổi. Nhưng không nghĩ ở đó lại có hẳn những quần thể loài cây sa mu cổ thụ khổng lồ kỹ vĩ.

Biểu tượng núi rừng

Từ ngã ba Phú Phương, mất 1h đi xe ô tô để đến bản Thái cổ Hủa Mương (thuộc xã Hạnh Dịch, Quế Phong), thêm 6h đi bộ và trèo dốc mới đến khu vực giáp ranh biên giới Việt Lào.

images1455187_img_1020.gifBản Thái cổ Hủa Mương với những ngôi nhà lợp gỗ sa mu tuyền một màu đen.
Bên biển báo vùng biên giới Việt - Lào.

Dựng lều bạt ngủ đêm giữa rừng, sớm hôm sau, thêm 1h men theo sườn núi, chúng tôi mới đến được nơi quần thể sa mu dầu cổ thụ. Tiết đông giá cuối năm, lại tầm tã mưa rừng khiến cái lạnh tăng thêm. Vậy nhưng chuyến đi thú vị vô cùng.

Từ bản Thái cổ Hủa Mương với những ngôi nhà sàn san sát lợp gỗ sa mu màu đen sậm lọt giữa núi rừng hùng vỹ; Con suối Huổi Đán dài hàng chục km với thác nước Bảy Tầng tung bọt trắng xóa trên những chuỗi bàn đá đủ hình hài.

Một phần thác Bảy tầng trên dòng suối Huồi Đán.

Sự đa dạng về sinh thái rừng, từ những đám rêu, tảo đủ sắc xanh bám trên đá, trên thân cây; những loài nấm trắng, đỏ, cam, nâu…, muôn loại phong lan, cây leo, những rặng cây gỗ quý như dổi, táu mật, chò vảy, sến đất, săng vì… cao hàng chục mét, chu vi vài người ôm.

Ở vùng rừng Pù Hoạt, có đủ các loài nấm.

Rồi khi tận thấy quần thể sa mu dầu cổ thụ khổng lồ ở khu vực suối Huồi Chạm (Tiểu khu 60), dù mệt mỏi, dù ướt đẫm nước mưa nhưng lồng ngực muốn vỡ tung để reo, để hét. Đây mới thực là thiên nhiên hùng vĩ. Cái cảm giác đứng trước những “ông, những “cụ” Sa mu dầu cao thẳng vút tới 40 - 50m, đường kính bình quân 2m – 3m, nối tiếp nằm trải dài cả vùng rừng rộng trên 25 ha thật khó tả, như thấy con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên.

Cây Sa mu dầu ở Pù Hoạt đều có đường kính từ 2 - 3m.

Ông Lô Văn Thường là người dân bản địa và người lính năm xưa của Sư đoàn 324 (Quân khu 4) khẳng định đây là loài cây quý gắn liền với đời sống và văn hóa của người dân vùng cao Quế Phong. Còn với cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, tự hào cây sa mu dầu là biểu tượng hùng vĩ không chỉ riêng cho Pù Hoạt mà cho toàn bộ hệ thực vật của Việt Nam. Và hãnh diện rằng chẳng ở đâu có được quần thể loài cây quý này.

Xứng danh di sản!

Trong địa phận Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, sa mu dầu có ở địa bàn Tri Lễ, Nậm Giải và Hạnh Dịch. Nhưng ở Hạnh Dịch nhiều và tập trung nhất. Tại đây, đã phát hiện có 3 quần thể, điển hình là khu vực suối Huồi Chạm với số lượng 216 cây, tập trung trên khu vực núi cao hiểm trở giáp biên với độ cao 1.400 - 1.800 m so với mực nước biển. Phần lớn, cây có đường kính 1,5m- 2,5m; đặc biệt có một cá thể cây khổng lồ, có đường kính 3,7 mét.

Cây sa mu dầu lớn nhất được phát hiện có đường kính 3,7m.

Sa mu dầu có tên khoa học là Cunninghamia konishii Hayata họ Hoàng đàn (Cupressaceae). Tên địa phương (tiếng Thái) gọi là cây Lông Lênh; một số nơi còn gọi là cây Ngọc am. Sa mu dầu là loài cây hiếm. Ở Việt Nam, Sa mu dầu phân bố hạn chế ở trên một số dông núi cao ở miền Bắc như Hà Giang (Tây Côn Lĩnh, Du Già), Thanh Hóa (Pù Hu, Xuân Liên), Sơn La (Khu BTTN Xuân Nha), riêng Nghệ An có ở Pù Mát, Kỳ Sơn, và Pù Hoạt.

Hiện trạng bảo tồn thế giới của sa mu dầu được đánh giá là đang bị tuyệt chủng. Còn hiện trạng quốc gia của sa mu dầu là loài sắp bị tuyệt chủng, nằm trong Danh sách các loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ của Nghị định 160/213/NĐ-CP.

Rừng Sa mu cổ thụ trong sương sớm.

Trước thực trạng loại cây quý hiếm đang dần tuyệt chủng, và để gìn giữ được biểu tượng hùng vĩ của núi rừng, góp phần bảo tồn nguồn gen quý của quốc gia, hiện Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đang lập hồ sơ đề nghị công nhận quần thể cây sa mu là quần thể cây di sản. Đây thực sự là một ý tưởng đáng quan tâm. Quế Phong nổi tiếng với thác Sao Va, Đền Chín gian, hồ Thủy điện Hủa Na, những bản làng Thái cổ, con suối Huổi Đán với thác nước 7 tầng, nay lại phát hiện thêm những quần thể sa mu dầu cổ thụ. Nếu những quần thể Sa mu dầu này được công nhận là di sản quốc gia, sẽ góp phần thức dậy tiềm năng du lịch của miền Tây xứ Nghệ,

                                                                                                                                                                         Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN