(Baonghean) - Không hiểu vì sao những ngày áp Tết, tôi lại háo hức về lại Mường Lống một xã rẻo cao của huyện Kỳ Sơn. Phải chăng vì sự nồng nàn của các tờ báo mời viết cho số báo Xuân? Mình nhớ bản làng chăng? Nhớ chứ! Xa Mường Lống đến 14 năm rồi còn gì.
Thường ngày qua các phương tiện thông tin đại chúng, biết Mường Lống đã đổi thay nhiều mà lòng dạ xốn xang. Mường Lống hiện lên trong tâm trí như mời gọi không thôi, lại nhớ những câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp/ Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?/ Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép/ Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia”… Những ý nghĩ đan xen rạo rực ấy đã thôi thúc tôi ngược núi, vượt gần 300 cây số đèo dốc giữa những ngày cuối đông rét buốt này để đến với Mường Lống.
Nhớ lần đầu lên “cổng trời” Mường Lống năm 2000, lúc đó nơi đây như ốc đảo heo hút giữa đại ngàn. Người dân thiếu lương thực, thiếu dầu thắp sáng, thiếu đường, cơ sở hạ tầng dường như chưa có gì. Cây thuốc phiện với diện tích 600 ha mới được xoá bỏ, những “bản say” chỉ còn trong ký ức. Nhưng vấn đề chuyển đổi cây trồng, vật nuôi buổi đầu thật gian nan. Đào, mận chín rụng đầy vườn, gia súc, gia cầm bị tư thương ép giá bởi đường sá khó khăn. Các anh lãnh đạo xã bộc bạch: Lãnh đạo xã, bản cũng lúng túng lắm, bởi không biết làm cách nào để giải quyết đầu ra sản phẩm cho dân... Tưởng như xã vùng cao này lại lắt lay với cây lúa rẫy, cây ngô và tái trồng cây thuốc phiện mất thôi. Vậy mà, Mường Lống giờ đã thay đổi đến ngỡ ngàng...
Tôi chợt bừng tỉnh, thoát ra khỏi dòng hồi ức khi tiếng còi ô tô ngân rung trong mây vượt qua cổng trời và bản trung tâm đã hiện lên đột ngột trước mắt. Nếu ví von, những bản làng đã sáng lên trong mây cũng không ngoa ngôn chút nào. Xã đã có điện lưới, trạm y tế, trường học cao tầng, công sở khang trang, kiên cố. Khu chợ cũng đã được quy hoạch xây dựng bề thế. Hàng hoá từ nông sản, sản phẩm làng nghề của địa phương và từ miền xuôi đưa lên… đủ mọi chủng loại, thật phong phú. Những con đường gập ghềnh vó ngựa thuở xưa giờ đã rộn rã xe máy đi về các bản. Lòng xốn xang khi thấy dân bản áp tai vào chiếc di động cười nói rổn rảng trong buổi sáng còn bảng lảng sương giăng…
Chủ tịch xã Xồng Và Súa cho biết một số tình hình cơ bản của địa phương và tạo điều kiện giúp chúng tôi đi thăm một số bản. Mường Lống nay có 13 bản, 8 dòng họ, 100% người Mông. Nghe những tên bản: Huồi Khun, Tham Hốc, Xốm Xám, Mò Nừng, Thằm Lặc, Sầy Lầy; những tên núi, tên sông: dãy Thà Lạng, Pà Khẩn, Cổng trời, Khe Na, Khe Nhị… tôi cứ hình dung người dân nơi đây gắn kết với đất đai, sông núi đến nhường nào. Những con người lặng lẽ, cần cù, thông minh mà bao đời lam lũ, bàn chân trần bấm đá, chiếc gùi nặng trên lưng. Từ cuộc sống khắc nghiệt cất lên tiếng khèn đắm đuối, bát rượu ngô nồng say được chưng cất từ hạt ngô mọc lên từ núi đá mà tấm lòng thật mến khách: Đến bản ta không say không về…
Từ những Chương trình 135; 30a… cùng sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của người dân, sự chỉ đạo sát đúng của các cấp lãnh đạo, Mường Lống đã thật sự chuyển mình. Xã đã từng bước giảm diện tích cây lúa rẫy một năm một vụ bấp bênh, năng suất thấp (50 kg/sào) sang gieo trồng cây ngô lai với diện tích 1688 ha, 16 ha chè Shan tuyết đã ngút ngát xanh trên nương rẫy của 2 bản Thằm Lặc, Sa Lầy. Đây là mô hình thí điểm của xã và sẽ được nhân rộng khắp 13 bản. 15 ha vườn mận tam hoa, đào úc bước đầu cho hiệu quả kinh tế với giá trị thu nhập 18 triệu/ha, gấp nhiều lần so với cây lúa rẫy. Những vùng cây dược liệu quý như tam thất, cao y, xuyên khung… đang dần hiện hữu… Cùng với chuyển đổi cây trồng, xã đã phát huy thế mạnh về chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hoá, với thương hiệu đặc sản vùng non cao này như: dê núi, bò giàng, lợn đen, gà đen, ngựa bạch… Hiện tại, toàn xã có đàn trâu bò trên 3.000 con, lợn 3.000 con, gà đen 16.000 con…
Chúng tôi tìm thăm một số hộ làm kinh tế giỏi như hộ Hờ Pà Chù (bản Mường Lống 2), Lầu Vả Giống (Mường Lống 1), Và Pà Cô (bản Trung tâm)… vừa phát triển trang trại chăn nuôi, làm lúa nước, vừa trồng rừng và bảo vệ rừng, từng bước xoá bỏ phương thức sản xuất tiểu nông tự cung, tự cấp vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Chúng tôi nhớ nét mặt hoan hỉ của Bí thư Đảng uỷ xã Vừ Nỏ Vừ: “Đời sống kinh tế của người dân ổn định, cơ sở hạ tầng dần hoàn thiện, nên đời sống văn hóa, tinh thần cũng được cải thiện. Tục tảo hôn được xoá bỏ, người dân khi đau ốm đã tìm đến trạm xá, trẻ em đều đến trường học cái chữ, các tệ nạn ma tuý, di dân tự do dần chấm dứt. Chúng tôi đã vận động người dân nhập cái Tết của người Mông vào cái Tết Nguyên đán của dân tộc, như thế vừa vui, vừa đỡ tốn kém…”.
Mấy ngày ở Mường Lống, chúng tôi đến thăm gia đình Già làng Và Phái Tểnh. Ông Tểnh từng làm Chủ tịch UBND xã suốt 20 năm, là thân sinh của anh hùng LLVT Và Bá Giải, Bộ đội Đồn Biên phòng 551 Tam Hợp (Tương Dương) đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch truy kích phỉ xâm nhập biên giới năm 2004. Thăm gia đình sinh viên Xồng Bá Dìa, Thủ khoa đại học năm 2012, gia đình Vừ Y Hải đậu hai trường đại học và gia đình cô Lỳ Y Xềnh, phát thanh viên Đài PTTH tỉnh.
Tạm biệt Mường Lống, nơi chót vót phía Tây Bắc của đại ngàn xứ Nghệ. Mường Lống không còn xa xăm bởi đã có đường ô tô nối với Quốc lộ 7 và Quốc lộ 48. Trong cái se lạnh cuối Đông, những cây đào già vỏ xù xì màu rêu đá đang lặng lẽ trổ hoa bên những ngôi nhà gỗ của những bản, làng bảng lảng khói sương khi mùa Xuân mới đang về… Mường Lống nay không còn xa…
Võ Văn Vinh