(Baonghean ) - Tuần qua, bài “Ngăn chặn cháy rừng ở Nam Đàn: Đổi mới công tác quản lý” của tác giả Văn Đoàn đăng trang 4+5 ra ngày 15/7 được bạn đọc đánh giá cao và nhận được số phiếu bình chọn cao thứ 2. Sau đây là một số lời bình dành cho bài viết.
Bài viết phân tích thấu đáo, đầy đủ, sâu sắc nguyên nhân của các vụ cháy rừng ở Nam Đàn, từ đó, đề xuất các giải pháp sát thực, chính xác. Bài viết đã “bắt đúng mạch, chỉ đúng bệnh và cho đúng thuốc” để hạn chế nạn cháy rừng ở Nam Đàn.
Theo số liệu tổng hợp của cơ quan kiểm lâm từ cuối tháng 5/2014 đến đầu tháng 7/2014, trên địa bàn huyện Nam Đàn đã xảy ra 7 vụ cháy, diện tích thiệt hại lên tới 105 ha, chiếm trên 60% diện tích rừng bị cháy trong toàn tỉnh.
Theo đó, người ta lý giải, cháy rừng là do nắng nóng cao điểm, là “tại trời”, là do khách quan chứ không phải chủ quan: “Báo cáo tình hình cháy rừng 6 tháng đầu năm 2014 của Chi cục Kiểm lâm cho rằng nguyên nhân cháy rừng “do nắng nóng khốc liệt kéo dài; diện tích rừng của tỉnh lớn, đối tượng rừng thông nhựa thảm thực bì lớn, rất dễ bén lửa, tốc độ lây lan nhanh, rất khó cứu chữa; về chủ quan chủ yếu là do đốt rừng cố ý của con người, đốt trên cao vùng giáp ranh vào các thời điểm nhạy cảm (trưa, tối, ngày lễ...)”. Chính việc không xác định rõ nguyên nhân, do chính quyền và các cơ quan chức năng “bắt chưa đúng mạch, tìm chưa đúng bệnh, cho sai thuốc làm bệnh không thuyên giảm mà ngày một nặng”. Vì thế, không tìm ra giải pháp then chốt ngăn chặn, khống chế nạn cháy rừng.
Trước hết, nạn cháy rừng ở Nam Đàn xảy ra liên tiếp, việc phát hiện không kịp thời, công tác cứu chữa cũng chủ yếu dựa vào lực lượng chủ lực (kiểm lâm, quân đội), lực lượng dân phòng tại chỗ, nhất là dân quân trên địa bàn huyện tham gia rất hạn chế. Qua đó, để thấy nguyên nhân sâu xa của những yếu kém trong công tác phòng chống chữa cháy rừng là do chủ quan.
Đồng thời, tác giả phân tích: “Theo nguyên lý, cháy rừng chỉ xảy ra khi nó kết hợp 2 yếu tố, vật liệu cháy và lửa. Nếu chỉ có một trong 2 yếu tố đó xuất hiện thì không thể xảy ra cháy. Vật liệu cháy trong các khu rừng hiện tại lá thông, cây bổi, cây bụi thường xuyên tồn tại với khối lượng lớn. Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy hiện tại không thể dùng sức người để đưa khối lượng khổng lồ vật liệu cháy ra hết khỏi các khu rừng, cho nên muốn đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy rừng đạt hiệu quả, phải tập trung chủ yếu vào kiểm soát người đưa lửa vào rừng gắn với xử lý thực bì ở những nơi có nguy cơ cháy cao”.
Trong bài viết, tác giả đã đưa ra các dẫn chứng về các địa phương làm tốt công tác này với những cách làm cụ thể, thiết thực. Đó là việc giao khoán toàn bộ diện tích rừng cho các hộ dân cận rừng quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc. Bởi “Chỉ có giao khoán tận hộ thì mới huy động các nguồn lực để làm tốt phòng chống cháy theo phương châm tại chỗ”. Và khi đó “Nếu để xảy ra cháy không chỉ mất rừng, người nhận phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để mất tài sản nhà nước, điều quan trọng là họ bị mất nguồn sống, nên các hộ gắn bó mật thiết với rừng, tích cực làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy”.
Trong khi đó, Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn mới giao khoán đến hộ gia đình 780,85 ha rừng sản xuất cho 200 hộ công nhân và nông dân, diện tích còn lại (trên 4.800 ha) đơn vị giao cho các trạm bảo vệ rừng quản lý. Phương thức giao khoán đó mới chỉ nhằm mục đích tạo việc làm cho đội ngũ cán bộ công nhân của Ban, còn các hộ sống cạnh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đang đứng ngoài cuộc. Đó cũng là lý do mà “người dân ấm ức, tìm cách phá hoại”. Từ đó, cho thấy việc giao khoán rừng như hiện nay của Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn đang bộc lộ những bất ổn, nhất là chưa thu hút người dân sống cận rừng tham gia quản lý bảo vệ, phòng cháy chữa cháy. Điều này, cần sớm được đổi mới.
Mặt khác, việc quản lý rừng theo cách thầu khoán của BQL rừng Nam Đàn chỉ đem lại lợi ích thiển cận, hàng năm xã có thêm được một chút ngân sách, nhưng lại nảy sinh bất cập trong công tác phòng, chống cháy. Rõ ràng, việc giao thầu cho một số hộ là việc làm không phù hợp đã đẩy các hộ dân sống cận rừng quay mặt với rừng, thủ tiêu động lực thu hút người dân tham gia quản lý bảo vệ và phòng, chống, chữa cháy rừng. Và thực tế đáng buồn là khi cháy rừng xảy ra tại những diện tích xã đấu thầu chỉ có cán bộ, đảng viên tham gia chữa cháy còn người dân chưa tham gia cũng là điều dễ hiểu.
Từ việc xác định, phân tích rõ nguyên nhân, so sánh cách quản lý ở các địa phương, tác giả đã đưa ra phương pháp để ngăn chặn, khống chế, giảm thiểu cháy rừng. Đó là, phải đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, của chủ rừng, người dân trong việc thực hiện phòng chống chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ; phải truy tìm xử lý nghiêm các thủ phạm… Đồng thời nhấn mạnh: “Nhưng trong chuỗi giải pháp ấy, thì việc đổi mới công tác quản lý, nhất là thực hiện giao khoán rừng tới hộ gia đình theo hướng dân chủ, công khai, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, chủ rừng và hộ nhận khoán là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định khắc phục tận gốc nạn cháy rừng hiện nay trên địa bàn tỉnh nói chung và Nam Đàn nói riêng. Bởi giao khoán rừng tận hộ sẽ góp phần xác lập trách nhiệm chủ thể của từng cây rừng trước pháp luật, là huy động tối đa sức mạnh tổng lực, là điều kiện tối ưu thực hiện tốt nhất phương án phòng chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ”.
Người xây dựng