(Baonghean) - Chắc hẳn ai trong chúng ta đều cũng đã có lần vấp phải sự khó chịu hoặc kẻ cả, thậm chí là ghẻ lạnh của những người cung cấp dịch vụ cho ta. Điều đó dường như ngày càng nhiều dần lên trong xã hội hiện tại, khi mà cùng với sự phát triển là sự bùng nổ của đủ loại dịch vụ. Từ đây, chúng ta cần phải tự hỏi, ý thức để đóng góp cho một xã hội niềm nở, tốt đẹp hơn đang dần biến mất đi đâu. Bài viết "Dịch vụ về đâu" của tác giả Hải Triều là một suy nghĩ nghiêm túc về câu chuyện này.

TIN LIÊN QUAN
Thói thường, khi người ta cần sử dụng một dịch vụ nào đó, đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi chẳng hạn, thì đi cùng với việc chi trả chi phí cho các loại hình đó, ta cũng cần một thái độ tương xứng với những gì ta đã thanh toán. Vấn đề bây giờ không hẳn thế. Dư luận đã từng dậy sóng với nạn cơm tù trên suốt tuyến hành trình xe khách Bắc Nam, hoặc "bún mắng, cháo chửi" ở Hà Nội, rồi chuyện nâng giá đến phi lý ở Sầm Sơn. Hoặc những chuyện thường ngày như các loại xe "hành" khách, thái độ thiếu nhã nhặn của nhân viên các hãng hàng không. Đó là chuyện bất bình thường. Bởi lẽ, với vị thế giữa khách hàng và người cung cấp dịch vụ là bình đẳng nhau, tôi trả tiền, anh cung cấp. Không thể lại xẩy ra chuyện được cung cấp dịch vụ rồi (chưa bàn tới chất lượng dịch vụ ở đây) mà người nhận còn được "khuyến mãi" thêm những điều buồn bực và rước "cục tức" vào thân. 
Câu chuyện mà tác giả dẫn ra là việc anh lái taxi của một hãng nọ kiếm cớ cù nhuầy, từ chối chở khách hàng vì tuyến đi... quá ngắn. Người lái xe thứ 2 đã nói rằng "Gần như thế bảo sao không có bác tài nào muốn "rước" cô”. Lại bảo, “lần sau cô cứ lên xe rồi hẵng nói địa chỉ, hoặc doạ gọi điện lên trung tâm, phàn nàn "taxi chê khách" là anh nào anh nấy sợ vỡ mật ngay”. Và trong chuyện này, tác giả viết tiếp:  Mình toát cả mồ hôi, đi taxi bây giờ cũng phải "lắt léo" chứ có đùa đâu!. Ơ hay! sinh ra taxi là để phục vụ, miễn là anh trả tiền sòng phẳng, chứ còn phải "lắt léo", phải có mẹo để được đi rồi trả tiền thì đúng là chuyện lạ
 
Vấn đề dường như không nằm ở chỗ anh lái taxi hay "vòi vĩnh" nữa rồi. Bởi như tác giả nhận xét: "Mình rút ra một nhận xét là hình như các dịch vụ phương tiện đi lại nói riêng và các dịch vụ nói chung ở mình còn nhiều điểm bất cập. Bất cập không phải do thiếu thốn máy móc, trang thiết bị, mà thiếu tinh thần phục vụ khách hàng chuyên nghiệp và tận tâm". Đây mới là cái gốc của vấn đề. Khi anh coi việc cung cấp dịch vụ của mình là thứ quyền lực để đưa ra "hành" khách, có nghĩa anh đang tự đào thải chính mình. Khi mà ngày càng nhiều những sự cạnh tranh, thì đó là con đường tự mình hủy mình.
 
Còn nhớ, ở Thanh Hóa có một nhà hàng tên là Thanh Còi rất đông khách, làm ăn phát đạt. Không phải vì đồ ăn ở đây ngon, nhiều đặc sản mà chính vì thái độ tận tâm của chủ nhà hàng với khách. Ông chủ nhà này đã treo rất nhiều câu thơ tự làm, in trên pano lớn, treo khắp nhà hàng, đại ý "Ta phải coi khách hàng là Thượng đế, luôn luôn là Thượng đế, khách hàng không bao giờ sai, bởi họ là người trả lương cho ta, nuôi sống ta". Những người được như Thanh Còi, hình như đang hiếm dần đi. Cũng hiếm dần đi cái ý thức đổi trao sòng phẳng, tôi phục vụ anh tôi được nhận tiền, tôi phục vụ anh tốt, tôi lại được thêm nhiều tiền. Để rồi, tác giả phải kể ra một loạt vấn đề: "...khi xảy ra các tình huống như chậm chuyến, huỷ chuyến, các động thái cần có với hành khách như thông báo, hướng dẫn, cáo lỗi và bồi thường vẫn còn hạn chế. Đi xe bus thì lo ngay ngáy vì lái xe chạy ẩu, chạy láo. Đi taxi thì như mình đã kể ở trên, lại thêm nạn taxi "dù", máy tính tiền kiểu "chạy marathon" với ví tiền của khách. Đi xe khách thì sợ nhất kiểu bắt khách dọc đường, nhồi nhét...". 
 
Câu chuyện về dịch vụ không phải là một chuyện nhỏ, bởi "Sẽ là sai lầm nếu một xã hội xem nhẹ chất lượng dịch vụ, bởi dịch vụ tốt không chỉ thể hiện sự phát triển về cơ sở hạ tầng mà còn là tấm gương phản chiếu sự văn minh của xã hội”. Ngoài ra, như tác giả viết tiếp "Hơn cả thế, dịch vụ tốt đi liền với việc giáo dục toàn diện, đơn cử như dịch vụ du lịch tốt tức là việc dạy và học ngoại ngữ cũng phải tốt. Qua đó để thấy, kinh doanh dịch vụ cần chúng ta phải nhân văn, phải biết đặt mình vào vị trí của người khác và tự vấn bản thân: Ta cần những gì? Ta cảm thấy như thế nào?". Dịch vụ tốt, như thế xét ở mức cao hơn, là phản ánh một phần mặt bằng dân trí thông qua giáo dục.  Mà cũng như tác giả đã viết, ở các nước có dịch vụ du lịch phát triển, "có phải người dân ở đó thường hoà nhã, lịch sự, tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng khách du lịch hay không?". 
 
Có khá nhiều câu hỏi được tác giả đặt ra trong bài viết này. Đó thực sự là những câu hỏi nghiêm túc cho một xã hội hướng đến sự tốt đẹp. Câu chuyện từ ý thức đến nhận thức, xét thấy cũng chẳng phải là một khoảng cách quá dài. Mà thực ra, nói nhận thức mới sinh ra ý thức cũng chẳng sai. "Trong những xã hội nhân văn ấy, mọi mong muốn, nhu cầu của ta sẽ được xem trọng chứ không cần phải e dè với câu hỏi: Về đâu?". Câu hỏi "Về đâu?" của tác giả ở cuối bài viết cũng chính là câu hỏi của người sử dụng dịch vụ cho cái "về đâu" của ý thức bây giờ. 
 
NGƯỜI XÂY DỰNG